Sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của các bộ, ngành đã làm việc với TP Hà Nội về việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, tính đến cuối năm 2018, có gần 4.500 dự án FDI còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD.

Năm 2018, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thu hút và sử dụng FDI khi thiếu chiến lược, quy hoạch từ phía các bộ, ngành TƯ. Hay quy mô vốn đầu tư các dự án đầu tư nước ngoài FDI nhỏ; người nước ngoài đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” vẫn tồn tại; Hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả...

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ, khi tiếp xúc với các chủ tịch tập đoàn lớn nước ngoài, họ cho biết, vẫn còn hàng chục ngàn tỷ đô la đang “lang thang” cần tìm thị trường để đầu tư.

“Thực tế đó, làm cách nào để họ rót vốn vào Hà Nội? Nhiều nhà đầu tư họ không hẳn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Mà cần một môi trường tốt, đối xử bình đẳng, được quan tâm… dù lợi nhuận ít họ vẫn đầu tư”, ông Chung nói.

Theo lãnh đạo TP, một trong những lý do thời gian qua Hà Nội nỗ lực cải thiện môi trường sống cũng liên quan trực tiếp đến thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi nếu ô nhiễm không khí, nguồn nước… không được cải thiện cũng gây lo ngại cho các nhà đầu tư.

Ông Chung muốn Hà Nội thành lập mô hình khu công nghiệp như một “TP công nghiệp”. Tức là cán bộ, công nhân có thể làm việc, tham gia các hoạt động thể thao và ăn ở ngay tại đó.

Cần đổi mới tư duy

Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) Đỗ Nhất Hoàng giải thích, một trong những bất cập mà Hà Nội nêu ra là trong luật không bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển giao công nghệ.

“Do vậy, làm sao bắt buộc họ phải chuyển giao công nghệ cho chúng ta. Ví dụ như Samsung, sau 5 năm nữa họ rút về nước, mà chuyển cả nhà máy cho chúng ta, thì ta cũng không làm gì được vì công nghệ cao hiện nay thay đổi liên tục”, ông Hoàng nêu.

Vị Cục trưởng cho hay, thời gian tới Cục đầu tư nước ngoài sẽ tìm hiểu các nước để đưa ra những quy định chặt chẽ trong việc này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng quan điểm với Chủ tịch Hà Nội cho rằng, vốn đầu tư nước ngoài còn lơ lửng trong dòng chảy luân chuyển vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đô la.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

“Nhưng có lẽ dòng vốn đó vào đâu và ở lại chỗ nào thì đương nhiên chỗ đó phải có ao rộng, nước sâu thì mới nuôi được cá to hay có nơi nói là phải có tổ ấm áp thì đại bàng mới ở”, Phó Thủ tướng ví von và cho rằng, tư duy khu công nghiệp với phát triển đô thị (nơi làm việc, sống, vui chơi, giải trí ở một chỗ) thì càng rõ với Hà Nội.

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh, yêu cầu, điều kiện mới, cơ hội lớn và thách thức cũng không nhỏ, cần có đổi mới tư duy về chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến thu hút và sử dụng vốn FDI.

“Nếu vẫn tư duy cũ, thu hút bằng mọi cách là rất khó, phải chuyển sang từ giai đoạn tăng cường thu hút, sử dụng FDI sang giai đoạn hợp tác về đầu tư, phát triển, coi nhà đầu tư như đối tác hợp tác toàn diện trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, có thái độ cầu thị, trân trọng, văn hóa”, Phó Thủ tướng nói.

Để giữ chân nhà đầu tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến vấn đề tạo lập môi trường đáng sống, đáng đầu tư, giữ nét văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

Khảo sát thực trạng FDI để trình đề án lên Bộ Chính trị

Khảo sát thực trạng FDI để trình đề án lên Bộ Chính trị

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát thực trạng FDI tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Bình Dương để hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị.

H.Quỳnh