Phát biểu về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) sáng 23/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, ông từng nắm giữ cương vị Phó thủ tướng rồi Thủ tướng (Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương) nên có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thi đua khen thưởng.

Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế khi chỉ tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua.

Trong khen thưởng, chỉ ra có hiện tượng "chạy" thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm, Chủ tịch nước yêu cầu khen thưởng phải phù hợp, chặt chẽ, đúng quy định.

Theo ông, khen thưởng có quyền lợi nhất định nên phải có chế tài về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình trình thi đua, khen thưởng.

Ví dụ một người nếu bị thu hồi thành tích thi đua khen thưởng do có khiếu nại việc khen thưởng không chính xác, người trình phải chịu trách nhiệm nhưng người thẩm tra, thẩm định cũng phải chịu trách nhiệm.

{keywords}
Chủ tịch nước phát biểu tại tổ.

“Gần đây tôi có viết một bức thư, yêu cầu mỗi chuyên viên Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phải xem xét, chịu trách nhiệm hồ sơ, chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình khen thưởng”, Chủ tịch nước nói và cho rằng phải đưa vào luật trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình trình hồ sơ khen thưởng.

Chủ tịch nước đề nghị có hình thức tôn vinh cá nhân, tổ chức có thành tích trong dịch Covid-19, ở cả tuyến đầu và tuyến sau. Điển hình, Chủ tịch nước dẫn chứng có những cụ già ủng hộ từng quả trứng hay bán cả mảnh đất để hỗ trợ, không tính toán bất cứ điều gì.

“Đó là những hình ảnh tuyệt vời, như tấm gương thôi thúc toàn dân nên cần được tôn vinh”, Chủ tịch nước nói.

Có người vừa được khen xong thưởng xong thì bị kỷ luật

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Tạ Văn Hạ dẫn chứng trong phong trào “gia đình văn hóa” thì nhà nào cũng đóng biển, nhưng thực tế có chuyện hình thức, chạy theo thành tích. Ông cho rằng phải khắc phục hạn chế này thì thi đua mới có ý nghĩa.

Còn về khen thưởng, ông Hạ đề nghị, tôn vinh phải đúng, phải là động lực để phấn đấu. “Có hiện tượng tổ chức, cá nhân thành tích nhiều, nhưng cuối cùng ngồi tù, bị khởi tố, kỷ luật, bị phá sản, thậm chí có người vừa được khen xong”, ông nêu thực tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục ghi nhận Luật lần này tiến bộ, đi vào người làm thực tế, doanh nghiệp, đi đến cơ sở.

“Có người bảo tôi có mấy huân chương nhì ba có rồi, thôi làm cái hạng nhất cho đủ bộ, như là sưu tầm ấy. Làm giảm đi ý nghĩa của danh hiệu”, ông nêu thực trạng.

{keywords}
ĐB Đặng Thuần Phong

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong ủng hộ quy định bổ sung các danh hiệu thi đua, trong đó có phường, thị trấn tiêu biểu. Chữ “tiêu biểu” thay “văn hóa”. Tương tự gia đình bây giờ cũng là “gia đình tiêu biểu”, không phải “gia đình văn hóa” nữa.

“Chứ đến thôn bản này thấy có cổng “thôn bản văn hóa” đến chỗ khác không có thì không lẽ vô văn hóa, mất văn hóa”, ông phân tích điều đó sẽ tạo khí thế thi đua và đánh giá toàn diện hơn

Về quy định bổ sung tiêu chuẩn tặng một số danh hiệu thi đua đặc biệt, ông Phong lưu ý, tiêu chí nặng nề quá thì khó đạt được như mong muốn, hoặc tiêu chí phức tạp quá thì sẽ dẫn đến “sưu tầm” hoặc “chạy” danh hiệu. 

Đồng thời, ông đề nghị làm rõ thẩm quyền xử lý những vi phạm về thi đua khen thưởng, cần quy định rõ để tránh hiện tượng chạy, “tránh chuyện vừa mới khen thưởng xong thì bị tù tội, vừa công nhận anh hùng xong thì trở thành tội phạm”.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, luật lần này tập trung 4 chính sách lớn: Hoàn thiện hệ thống thi đua; hoàn thiện hệ thống khen thưởng; hoàn thiện chế định, thẩm quyền và đặc biệt phân cấp triệt để công tác thi đua khen thưởng; hoàn thiện thủ tục hành chính sao cho tinh gọn.

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Theo Bộ trưởng Nội vụ, dự thảo luật lần này sửa đổi làm sao đảm bảo mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, đảm bảo nguyên tắc “thành tích đến đâu, khen thưởng đến đấy”, “có thành tích là phải được khen thưởng”.

Đồng thời mở rộng đối tượng khen thưởng khu vực ngoài nhà nước, ưu tiên cho người lao động trực tiếp như công nhân, nông dân, doanh nhân, chiến sỹ, người lao động sản xuất trực tiếp.

Bà Trà nhấn mạnh dự thảo hướng tới việc hạn chế tối đa tính hình thức về thi đua, cũng như giảm hình thức về khen thưởng. "Giảm bớt việc lũy kế thành tích, có thành tích thấp thì mới được thành tích cao. Đây là thực trạng tạo nên hình thức trong thi đua khen thưởng”, Bộ trưởng Nội vụ cho biết.

Dự thảo đưa ra 6 loại hình khen thưởng (hiện hành có 5 loại hình). Đó là: khen thưởng theo công trạng, có thành tích thì khen đối với cả khu vực công và ngoài nhà nước; khen thưởng đột xuất áp dụng trong trường hợp khi có thành tích là khen; khen thưởng theo phong trào thi đua, gắn mối quan hệ giữa phong trào thi đua với khen thưởng; khen thưởng theo niên hạn; khen thưởng theo cống hiến; khen thưởng đối ngoại.

Ngoài ra, dự thảo luật lần này xác định thẩm quyền và phân cấp đã rất rạch ròi, cụ thể. Trước đây dồn thành tích cao lên Chính phủ, Chính phủ trình sang Chủ tịch nước.

Dự thảo luật nhấn mạnh chú trọng khen thưởng cấp cơ sở, phân cấp cho các bộ ban ngành và địa phương thực hiện thẩm quyền khen thưởng của mình. Đặc biệt đó là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức phong trào thi đua, tránh hình thức. 

>>Mời độc giả đón đọc tin tức mới nhất trong ngày<<

Thu Hằng - Trần Thường - H.Nhì

Khắc phục tính hình thức, 'chạy' khen thưởng, 'chạy' danh hiệu

Khắc phục tính hình thức, 'chạy' khen thưởng, 'chạy' danh hiệu

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần "đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục chuyện trong thi đua khen thưởng cũng 'chạy'. 'Chạy' danh hiệu, 'chạy' bằng khen, giấy khen, 'chạy' anh hùng".