Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (17/8) khai mạc phiên họp thứ 2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Đây là 1 trong 7 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong công tác lập pháp, cần phải khắc phục tình trạng luật ống, luật khung: "Nhiều cái có thể quy định chi tiết được nhưng luật quy định nguyên tắc chứ không quy định cụ thể, đến khi ban hành nghị định thì rất tùy tiện".

{keywords}
 

Cũng cần khắc phục tình trạng, quy định cứng, chi tiết những vấn đề chưa đủ rõ dẫn đến luật chưa sửa xong thì đã thấy bất cập, tuổi thọ rất ngắn, tính khả thi thấp.

Dự án Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi) cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi luật tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác thi đua yêu nước thi đua khen thưởng, hướng nhiều hơn đến cơ sở, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, quan tâm khen thưởng vùng sâu, xa, núi hải đảo.

Việc sửa luật cần phải làm sao để khắc phục được tình trạng khen thưởng kiểu "gối đầu" hiện nay.

Dẫn câu nói của Bác Hồ "thành tích đến đâu, khen đến đó", Chủ tịch Quốc hội nêu tình trạng "tích lũy để khen". Tổ chức định hướng thành tích cá nhân, thậm chí là nhường nhịn nhau trong khen thưởng.

Ngoài ra, cũng cần khắc phục là tính hình thức trong công tác thi đua khen thưởng.

"Cần đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục chuyện trong thi đua khen thưởng cũng "chạy". "Chạy" danh hiệu, "chạy" bằng khen, giấy khen, "chạy" anh hùng. Thậm chí có trường hợp vừa phong anh hùng xong đã phải xử lý rồi", ông Huệ chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu việc sửa đổi luật cần phải khắc phục được tình trạng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đặt ra các danh hiệu này, danh hiệu kia, dẫn đến tình trạng "muốn có danh hiệu gì đó thì đóng tiền là có".

Về công tác giám sát, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc thành lập đoàn giám sát 2 chuyên đề về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân từ 2016 - 2021 và sắp xếp đơn vị hành chính 2019 - 2021.

Nhấn mạnh vấn đề khiếu nại, tố cáo ra Trung ương hiện nay rất phức tạp, Chủ tịch Quốc hội phân tích: "Nay chúng ta ít gặp người dân ra Trung ương khiếu nại, tố cáo do giãn cách xã hội chứ không phải đã làm tốt chuyện này".

Thống kê cho thấy, còn 517 vụ việc phức tạp kéo dài, trong đó 73% liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường, có những vụ việc rất nóng. Do đó, công tác giám sát làm sao tạo chuyển biến căn bản.

Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tới Quốc hội.

Từ phiên họp này trở đi, Chủ tịch Quốc hội cho biết, công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại tố cáo sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ hàng tháng tại các phiên họp thường kỳ, không phải chờ đến kỳ họp mới có báo cáo.

Ban Dân nguyện hàng tháng phải báo cáo kết quả công tác, như thế mới nâng cao công tác dân nguyện, giải quyết vấn đề căn cơ hơn.

Trần Thường

Tập trung trí tuệ để sản phẩm đầu tay Quốc hội khoá mới đầu xuôi, đuôi lọt

Tập trung trí tuệ để sản phẩm đầu tay Quốc hội khoá mới đầu xuôi, đuôi lọt

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, 7 dự án luật được trình tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay là “sản phẩm đầu tay” của Quốc hội khoá mới, cần tập trung trí tuệ để “đầu xuôi, đuôi lọt”.