Chiều nay (25/7) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp cho 6 tháng cuối năm, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tiến tới hộ chiếu vắc xin cho toàn dân

ĐB Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị bổ sung giải pháp tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau, công khai thông tin, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và minh bạch các thông tin về biện pháp phòng chống dịch.

Ông phân tích, trong bối cảnh hiện nay dịch bệnh ở các địa phương khác nhau, các biện pháp cũng khác nhau, trong hoàn cảnh nào đó áp dụng biện pháp là cần thiết, nhưng nếu sự khác biệt trong phòng chống dịch sẽ dẫn tới ùn tắc lưu thông hàng hóa và con người.

{keywords}
ĐB Phan Đức Hiếu

"Ngay tại đây, lúc này trên các tuyến đường quốc lộ vẫn đang diễn ra tình trạng ùn tắc về hàng hóa, nên phối hợp giữa địa phương để giảm tối đa điều kiện biện pháp khác biệt không cần thiết sẽ tăng cường lưu thông vận chuyển hàng hóa.", Đại biểu Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (Bộ KH&ĐT) dẫn chứng.

ĐB cũng đề xuất trong ứng dụng app về đăng ký tiêm vắc xin cần ứng dụng mạnh mẽ CNTT, công khai biện pháp phòng dịch, cho người dân có tiếng nói ý kiến, phản biện sẽ tăng niềm tin, tăng thông tin chính thống sẽ giảm thông tin xuyên tạc và sai sự thật.

Còn ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho biết, “Chúng ta vừa chăm lo sinh mệnh người dân, vừa nỗ lực bảo vệ sinh kế cho người dân. Đây là mục tiêu kép, cả hai mục tiêu này đều rất hệ trọng và chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu”.

Tăng trưởng kinh tế đầu năm đạt 5,64% là chưa đạt được như kỳ vọng nhưng mà so với quốc tế, so với khu vực thì đây là một tỷ lệ rất là cao. Các biện pháp giãn cách xã hội đang được tăng cường, khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng “hoàn toàn đồng tình” với những định hướng lớn của Chính phủ đã và đang thực hiện.

{keywords}
ĐB Vũ Tiến Lộc

Đó là đẩy mạnh tiêm vắc xin, đặc biệt tại các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế để vừa bảo vệ sinh mạng người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa tránh đứt, gãy nguồn cung.

Chuẩn bị lộ trình mở cửa nền kinh tế tương ứng với tỉ lệ tiêm vắc xin của người dân.

Theo ông Lộc giải pháp căn cơ là phải áp dụng hộ chiếu vắc xin càng sớm càng tốt. Hộ chiếu vắc xin không chỉ hiểu là hộ chiếu vắc xin cho khách du lịch quốc tế hay khách quốc tế đến Việt Nam mà hộ chiếu vắc xin cho toàn dân Việt Nam. "Khi chúng ta có được tỷ lệ dân cư tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì điều đó sẽ là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể quay trở lại phục hồi", ĐB cho hay.

5K + vắc xin, cách chống dịch sáng tạo rất Việt Nam

Phát biểu về chống dịch Covid-19, dưới góc nhìn là một người trong ngành y tế, ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng, trong chống dịch sự linh hoạt rất quan trọng. Ông ví dụ việc cách ly F1, F0 tại nhà hay khu cách ly tập trung thực cũng cần linh hoạt.

Nếu cách ly tại nhà thì phải thực hiện cho thật đúng, thật tốt, như các quy định về tiếp xúc, khám, xét nghiệm phải có y tế, dân phòng, công an phối hợp với gia đình để tổ chức triển khai nghiêm túc việc cách ly tại nhà. Cần áp dụng mạnh mẽ việc khám, chữa bệnh từ xa vào hoạt động y tế trong mùa dịch.

{keywords}
ĐB Nguyễn Anh Trí

Kiên định với 5K + vắc xin, ông Trí cho rằng đây là 1 sáng tạo rất Việt Nam. Ông cũng lưu ý, "đừng tưởng đeo khẩu trang rồi thì không cần phải ở khoảng cách trên 2m, không cần phải khử khuẩn".

Nhận định chương trình vắc xin là hết sức cần thiết, để miễn dịch cộng đồng, ĐB Nguyễn Anh Trí kêu gọi đồng bào hãy tin vắc xin. Trong cộng đồng lan truyền những biện pháp dùng lá sả, lá cam, xông mũi họng bằng cao sao vàng, uống nước chanh, mật ong, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư lý giải "có làm được thì tốt, nhưng đó cũng là một biện pháp phối hợp để phòng lây lan virus, chứ không phải là biện pháp duy nhất để điều trị Covid-19".

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phân tích chống dịch với 3 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất chống lây lan tối đa; thứ 2 là giảm tỷ lệ tử vong tối đa; thứ 3 là đảm bảo phát triển kinh tế.

Về nguyên tắc giảm tỷ lệ tử vong, ông Hiếu cho rằng cần chia hệ thống chống dịch thành ba tầng. Tầng 1 là bệnh viện dã chiến, chăm sóc người nhiễm F0 (không có triệu chứng), với nhiệm vụ không bỏ sót khiến đối tượng này trở thành bệnh nhân thực sự. Tại khu cách ly tập trung bệnh viện dã chiến cần thực hiện nghiêm túc quy trình theo dõi chặt chẽ, điều kiện sinh hoạt bảo đảm.

Có thể triển khai cách ly F0 tại nhà, dẫn chứng về biện pháp này được thực hiện tại Ấn Độ, Myanmar, Giám đốc BV Đại học Y cho biết, người nhiễm không triệu chứng có nhà riêng đủ điều kiện cách ly cần có các gói chăm sóc: nhân viên y tế điện thoại 2 ngày/lần, sử dụng app chuyên dụng để nhận biết nguy hiểm, video call từ xa, tủ thuốc điều trị Covid-19 tại nhà...

Tầng 2, đã triển khai rộng rãi nhiều năm nay đó là các bệnh viện, trung tâm y tế điều trị các bệnh nhân mức độ vừa chưa cần thở máy, lọc máu. Tuyến này theo ông Hiếu cần nhất đào tạo nhân viên y tế, nắm chắc các khuyến cáo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần đánh giá mức độ bệnh chính xác để không chuyển tuyến quá sớm, quá muộn, bổ sung máy oxy dòng cao.

Tầng 3 là quan trọng nhất nhưng cũng yếu nhất đó là trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, chỉ nhận các bệnh nhân cần thở máy, thở máy. ĐB đề nghị nguồn lực của T.Ư cần tập trung vào đây sao cho số giường không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm. Ví dụ ước tính có 100.000 bệnh nhân thì có 5.000 giường.

Trần Thường - Thu Hằng

Cả nước như 'cơ thể sống', không vì chỗ dịch bệnh mà cắt rời tất cả

Cả nước như 'cơ thể sống', không vì chỗ dịch bệnh mà cắt rời tất cả

Dẫn chứng về tình trạng một số địa phương "ngăn sông cấm chợ", ĐBQH cho rằng cả nước như "cơ thể sống", quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì chỗ dịch bệnh mà cắt rời hết tất cả.