Một doanh nghiệp truyền thống liệu có sản sinh ra được những sản phẩm công nghệ thời chuyển đổi số không? Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, điều này hoàn toàn có thể làm được. 

Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, doanh nghiệp vĩ đại khác doanh nghiệp bình thường ở khả năng tái sinh. Microsoft là minh chứng cho điều này khi cứ mỗi 10 năm, công ty này lại thay đổi để tái tạo. 

Có những doanh nghiệp tự đặt ra cho mình một điều luật là phải tự tái sinh sau mỗi 10 năm để tạo ra một không gian tăng trưởng mới. Có doanh nghiệp do môi trường thay đổi khiến họ buộc phải thay đổi theo. Cũng có những doanh nghiệp do chiến lược Make in Vietnam mà thay đổi. Điều cần làm là doanh nghiệp phải chủ động tái sinh. 

{keywords}
Một đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong các loại doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, có hàng chục nghìn doanh nghiệp chuyên phát triển sản phẩm dù không sở hữu công nghệ cốt lõi. 

Trong nhóm này, có những doanh nghiệp vừa mới khởi nghiệp, có những doanh nghiệp sinh ra từ mấy chục năm nay, và khi thời cuộc thay đổi, họ phát triển những sản phẩm mới. Cũng có những doanh nghiệp từ ngày đầu đã làm gia công, nhờ vậy học hỏi được rất nhiều. Và khi nhìn thấy cơ hội và bài toán Việt Nam, họ quay ra làm sản phẩm Make in Vietnam. 

Chia sẻ một ví dụ cho câu chuyện này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết MISA chính là doanh nghiệp như vậy. Công ty này chuyên bán phần mềm kế toán từ xưa, nhưng giờ đây đã chọn việc thay đổi để tái sinh. 

MISA đã lựa chọn việc tự mình phát triển nền tảng (platform) để giải bài toán Việt Nam, giúp một công ty dù ở vùng biên giới xa xôi cũng có thể tuyển được nhân viên kế toán nơi thành phố. Đây là cách doanh nghiệp này chuyển đổi phần mềm của thời CNTT sang một phần mềm thời chuyển đổi số (hay các platform) theo lời kêu gọi của đất nước. Ở Việt Nam hiện có rất nhiều doanh nghiệp như vậy. 

Việc tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là minh chứng cho hành động của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. 

Cứ mỗi Thứ 6 hàng tuần, Bộ TT&TT lại tổ chức đánh giá các sản phẩm công nghệ số Việt Nam. Với các doanh nghiệp lớn như MISA, FPT, hành động này chưa hẳn đã quan trọng. Tuy nhiên nó lại rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp nhỏ chỉ 10 người. 

Đó hiện là cách để Bộ TT&TT hỗ trợ cho các doanh nghiệp Make in Vietnam. Miễn là hiểu được các khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, Bộ TT&TT và các bộ, ngành khác sẽ còn làm nhiều hơn thế nữa. 

Câu chuyện thể chế thời 4.0 từ một ứng dụng gọi xe công nghệ

Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO VTGO - một ứng dụng gọi xe vận tải cho biết, 70% xe vận tải ở Việt Nam luôn bị rỗng chiều về. 

Lý giải cho câu chuyện này, ông Tuấn cho rằng lĩnh vực kinh doanh vận tải Việt Nam đang hoạt động một cách manh mún. Nguyên nhân là bởi 80% chủ các xe vận tải là cá nhân. Họ thiếu sự kết nối và liên kết, đó là lý do dẫn tới việc xe tải bị rỗng chiều về. 

{keywords}
Ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO ứng dụng gọi xe vận tải VTGO giãi bày những thách thức của doanh nghiệp mình về vấn đề thể chế. Ảnh: Trọng Đạt

Nói tới câu chuyện của mình, CEO của VTGO cho biết ứng dụng gọi xe vận tải này đang bị vướng vào một vấn đề chính sách, đó là Nghị định 10/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 

Điều 35 của Nghị định này quy định, tất cả đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng và phần mềm chỉ được cung cấp cho những đơn vị kinh doanh vận tải được cấp phép, những đơn vị được cấp phù hiệu và đã đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải. 

Theo ông Tuấn, với quy định này, 85% chủ xe tải Việt Nam không thể tham gia vào các hệ sinh thái, các nền tảng để kết nối, từ đó tìm kiếm được các đơn hàng chiều về và giải quyết được vấn đề lãng phí nguồn tài nguyên xã hội. 

Trả lời cho kiến nghị của VTGO, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nói đến chuyển đổi số là nói đến việc thay đổi mô hình vận hành, cũng tức là động chạm đến luật pháp. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải thay đổi thể chế. 

Cách mà tất cả các quốc gia lựa chọn là hình thức thí điểm theo mô hình sandbox. Trong trường hợp các doanh nghiệp gặp khó khăn với chính sách, chúng ta có thể tiếp cận vấn đề theo hướng này. Tuy nhiên, để ra được một sandbox, chúng ta phải đụng chạm đến rất nhiều bộ, ngành. Đa số các trường hợp phải giải quyết ở mức Chính phủ. 

Một doanh nghiệp nhỏ, có quy mô dưới 10 nhân sự không dễ để thực hiện điều này. Bộ TT&TT sẽ đứng ra làm đầu mối cho tất cả các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có mô hình kinh doanh mới cần phải thay đổi thể chế bằng cách thí điểm có kiểm soát (trong không gian và thời gian nhất định). 

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn các doanh nghiệp nghiên cứu sâu hơn, bao gồm cả các hệ lụy khi đóng góp vào việc thay đổi thể chế. Ảnh: Trọng Đạt

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý các doanh nghiệp công nghệ số nếu muốn thay đổi thể chế thì phải dành thời gian nghiên cứu những vấn đề liên quan đến thể chế. 

“Chuyển đổi số là câu chuyện thay đổi mô hình, chấp nhận mô hình mới và thay đổi thể chế. Do vậy, những người làm công nghệ cần hiểu những điều liên quan tới thể chế. Chúng ta phải tính hết các hệ lụy dựa trên đề xuất của mình.”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói 

Điều đó có nghĩa, mỗi khi đề xuất một vấn đề nào đó, cần có sở cứ vững vàng. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ làm tiếp những công đoạn còn lại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam thiếu một quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đồng ý thành lập một quỹ đầu tư rủi ro của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh các nguồn vốn nước ngoài, đây sẽ là một nguồn vốn quan trọng giúp các doanh nghiệp start-up có thể giải bài toán Việt Nam. 

Đề xuất thi đấu thể thao điện tử bằng thiết bị 5G Make in Vietnam

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao điện tử (VIRESA) đề xuất đưa mạng lưới và các thiết bị đầu cuối 5G Make in Vietnam vào phục vụ bộ môn Thể thao điện tử tại SEA Games. Ảnh: Trọng Đạt

Thể thao ở những nước phát triển là một ngành kinh tế. Thể thao hiện là một trong 10 ngành kinh doanh lớn nhất tại Mỹ và đóng góp cỡ 2.4% GDP. Điều tương tự cũng diễn ra ở Anh, Đức và Pháp khi ngành thể thao đóng góp lớn cho nền kinh tế. 

Tại Việt Nam, thể thao chưa phải một ngành kinh tế, tỷ lệ đóng góp cho GDP của ngành này đang rất nhỏ. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch Hội Thể thao điện tử Việt Nam, chúng ta có thể dần thay đổi bức tranh này thông qua chuyển đổi số trong lĩnh vực thể thao. 

Năm tới, Thể thao điện tử sẽ là một trong những môn thi đấu của SEA Games, Hội Thể thao điện tử mong muốn các vận động viên có thể thi đấu trên nền tảng mạng lưới và các thiết bị đầu cuối 5G Make in Vietnam do Viettel và Vsmart xây dựng. Đây sẽ là cách quảng bá hình ảnh Make in Vietnam sang các nước khu vực ASEAN. 

Trước đề xuất này, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng Thể thao điện tử là lĩnh vực đầu tư tiềm năng và khẳng định, các nhà mạng Việt Nam đã chính thức triển khai thử nghiệm thương mại 5G. Những chiếc điện thoại 5G Vsmart cũng có thể sẵn sàng trong Quý 1 năm 2021. Do vậy, việc các vận động viên thể thao điện tử thi đấu tại SEA Games bằng mạng lưới 5G Make in Vietnam là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.

Trọng Đạt

Việt Nam tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển

Việt Nam tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Việt Nam có thể tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển, trong đó công nghệ được trao sứ mệnh tiên phong.