Phải khẳng định rằng đằng sau những “nhún nhường” và những nỗ lực của Nhật Bản hiện nay là những mục tiêu và lợi ích thực tế của nước này.

>> Chi gấp đôi TQ, Nhật vẫn bị 'bóng ma' ngáng cửa?

>> Vụ sát hại của IS thúc đẩy cỗ máy quân sự Nhật?

Trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Nhật Bản tiến hành giải thích lại điều 9 Hiến pháp theo hướng cho phép lực lượng phòng vệ nước này tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài, dư luận quốc tế, nhất là các nước trong khu vực Đông Bắc Á, tỏ ra lo ngại trước chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe. Thậm chí còn có ý kiến chỉ trích ông Abe là “quân phiệt”, là “diều hâu” trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, nhìn từ những động thái thực tế, có thể thấy những chỉ trích này còn thiếu cơ sở. 

Trong suốt thời gian cầm quyền, Thủ tướng Abe đã công bố và thực hiện nhiều chủ trương, đường lối, văn kiện liên quan đến chính sách ngoại giao, trong đó đáng chú ý nhất là Học thuyết Abe (Abe Doctrine) và Sách xanh ngoại giao Nhật Bản 2015. Đây được coi là những trụ cột chính của “ngoại giao Abe” và những gì được thể hiện trong đó không thấy có nét “diều hâu” hay “ngoại giao cường quyền”, mà lại thể hiện tinh thần trách nhiệm với tư cách một cường quốc kinh tế của thế giới.  

Abe Doctrine: Lời tuyên chiến với ngoại giao cường quyền

Abe Doctrine là nguyên tắc gồm 5 điểm liên quan tới việc tăng cường quan hệ ngoại giao, an ninh quốc phòng giữa Nhật Bản và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được Thủ tướng Shinzo Abe chính thức công bố tháng 5/2014, trong đó nhấn mạnh: “Nhật Bản cùng các nước ASEAN nỗ lực hợp tác bảo vệ, phát huy những giá trị chung như tự do, dân chủ, quyền con người cơ bản, bảo vệ biển và tài nguyên biển, không cho phép sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng mà phải dựa vào luật pháp để quản lý, gìn giữ....”.

Sau đó, cuối tháng 5, tại Đối thoại Shangrila, Thủ tướng Abe chính thức tuyên bố: “Nhật Bản không ngần ngại và luôn sẵn sàng hỗ trợ, viện trợ các nước ASEAN bao gồm Việt Nam và Philipines trong những nỗ lực nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không”.

Theo giới phân tích, tuyên bố này của lãnh đạo một nước vốn theo đường lối ôn hòa như Nhật Bản có thể được coi là “lời tuyên chiến đối với những hành động chính trị, ngoại giao cường quyền”. Bởi, nó được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phớt lờ sự phản đối của cộng đồng quốc tế để tiến hành những hành động gây hấn nhằm đơn phương áp đặt chủ quyền biển đảo. Nhất là, đó mới là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản tham dự Đối thoại Shangrila.

Ông Abe còn chỉ ra: “Hiện nay, nhiều của cải, vật chất, tiền bạc, trí tuệ tại khu vực châu Á được dùng để mua bán vũ khí, tăng cường quân bị. Mối đe dọa từ vũ khí giết người hàng loạt và việc sử dụng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng vẫn đang tồn tại” và lên án: “Chính những hành động này và những nước có hành động này đang gây bất ổn cho khu vực và toàn thế giới”.

{keywords}
Sách Xanh của Nhật Bản tuyên bố Trung Quốc là “mối quan hệ quan trọng nhất” của nước này. Trong ảnh: Hai nguyên thủ Trung - Nhật tại Hội nghị APEC. Ảnh: AP

Sách xanh ngoại giao Nhật Bản 2015: Sự nhún nhường cần thiết

Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2015 được Bộ Ngoại giao nước này công bố ngày 7/4 vừa qua chỉ ra ba trụ cột trong chính sách ngoại giao của Tokyo, bao gồm: tăng cường liên minh Nhật Bản - Mỹ; củng cố quan hệ với các nước láng giềng; cải thiện ngoại giao kinh tế để giúp phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh thế giới đang chào đón 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, Sách Xanh nêu bật đường lối hòa bình của Nhật Bản: “Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực hơn bao giờ hết vào một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng bằng việc hợp tác với các nước dựa trên lập trường đóng góp tiên phong cho sự hòa bình trên nguyên tắc hợp tác quốc tế”. Nhật Bản coi Hàn Quốc là "quốc gia láng giềng quan trọng nhất" với nhận định: “mối quan hệ tốt đẹp với Seoul có vai trò chủ đạo trong hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và coi quan hệ với Trung Quốc là “mối quan hệ quan trọng nhất”.

Tài liệu này còn đặc biệt nhấn mạnh: "Nhật Bản tiếp tục theo con đường của một quốc gia hòa bình trong cộng đồng quốc tế... dựa trên sự hối hận sâu sắc đối với các cuộc chiến tranh trước". “Sự hối hận sâu sắc” này được nêu ra từ năm 1995 dưới thời của Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Tomiichi Murayama. Việc Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản 2015 nhấn mạnh lại “sự hối hận sâu sắc” đó được coi là sự “nhún nhường” của ngoại giao Abe.

Sự “nhún nhường” này của Nhật Bản còn được thể hiện trong cuộc gặp của ngoại trưởng nước này với Ngoại trưởng hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc vào ngày 21/3 vừa qua, ngay trước khi Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản 2015 được công bố. Tại đây, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio kêu gọi hai nước đối tác “quan trọng nhất” này “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” nhưng bị đáp lại thẳng thừng bằng “con bài lịch sử”.

Cả hai vị Ngoại trưởng Trung - Hàn Quốc đều công khai đưa ra chỉ trích liên quan đến những hành động tàn ác của quân đội Phát-xít Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ II. Điều này khiến cho cuộc gặp vốn được coi là tín hiệu tốt đẹp cho việc cải thiện các mối bang giao tại châu Á hướng tới hòa bình và ổn định chung của khu vực trở thành diễn đàn thể hiện những nỗ lực ngoại giao đơn phương của Nhật Bản.

Có thể nói việc Nhật Bản sử dụng cách diễn đạt “hối lỗi sâu sắc” trong Sách Xanh ngoại giao nhằm thể hiện cho thế giới thấy Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sẵn sàng đối diện với lịch sử, trong bối cảnh Trung Quốc và Hàn Quốc đang tận dụng con bài này để gây sức ép . 

Ngoài ngoại giao chính trị, Nhật Bản còn “nhún nhường” trong cả ngoại giao kinh tế. Trong bối cảnh Trung Quốc tỏ thái độ mà theo các nhà bình luận là “cố chấp một cách giả tạo”, còn Hàn Quốc thì “được chăng hay chớ”, Nhật Bản vẫn thể hiện mong muốn nối lại các cuộc đối thoại cấp bộ trưởng về kinh tế, tài chính với Trung Quốc và Hàn Quốc. Hôm 6/4 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso tuyên bố cuộc gặp giữa bộ trưởng tài chính Nhật Bản và Trung Quốc có thể diễn ra lần đầu tiên trong hơn ba năm qua, dự kiến tại Bắc Kinh vào khoảng tháng 6.

Theo giới phân tích, có khả năng, một trong những chủ đề của cuộc gặp sẽ là sự tham gia của Tokyo vào Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng. Nếu đúng, đây sẽ là sự thay đổi mang tính đột biến một lần nữa thể hiện sự “nhún nhường” của Nhật Bản trong bối cảnh khi mà chỉ trước đó chưa đầy một tuần, Nhật Bản đã khước từ mọi khả năng liên quan đến việc tham gia đề án này của Trung Quốc.

Tất nhiên, phải khẳng định rằng đằng sau những “nhún nhường” và những nỗ lực của Nhật Bản hiện nay là những mục tiêu và lợi ích thực tế của nước này. Theo các nhà phân tích, chúng bao gồm: né tránh nguy cơ bị cô lập trong sự hình thành của cấu trúc tài chính và chính trị mới ở khu vực, đối phó với “mối đe dọa Trung Quốc”, duy trì lợi ích kinh tế khổng lồ trong quan hệ làm ăn giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp của các nước trong khu vực, tạo sự đồng thuận và ủng hộ trên con đường gia nhập Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc...  

Tuy nhiên, cho dù với mục đích, lợi ích gì, nhưng từ những gì được thể hiện bằng cả lời nói và hành động của Nhật Bản hiện này mà đánh chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe là “diều hâu” và “quân phiệt” thì chẳng phải là quá lời đó sao?!

Tuấn Nhật