Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Nguyễn Trường Giang nói tại CLB Cafe Số gần đây về sách lược người Việt Nam cần thực hiện để bảo vệ chủ quyền Biển Đông.

Đầu tiên, cần phải nhận diện được thách thức của mình. Người Việt Nam có một điểm yếu, đó là có thể nhận diện được tất cả mọi thứ, trừ bản thân mình. Nếu chúng ta không sợ chiến tranh và chuẩn bị kỹ cho chiến tranh thì chúng ta sẽ có hòa bình. Còn nếu chúng ta sợ hãi thì lập tức chiến tranh sẽ đến, chúng ta mất hòa bình và mất cả chủ quyền lãnh thổ. Đây là vấn đề căn bản của mọi binh pháp trên thế giới. 

{keywords}
Đại sứ Nguyễn Trường Giang

Qua bức tranh thực trạng Biển Đông như tôi đã nói phần 1, có thể thấy mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, tức là chiếm toàn bộ các đảo trong vùng biển này (bao gồm 4 quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa theo cách gọi của Trung Quốc). 

Trung Quốc cũng muốn chiếm chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông và toàn bộ tài nguyên trong khu vực biển này. Bên cạnh đó là quyền kiểm soát với vùng trời, vùng biển và đáy biển. Điều này mang đến thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. 

Trong 6 thập kỷ qua, có thể thấy rõ các biện pháp và kế sách mà Trung Quốc đã áp dụng để triển khai mục tiêu này. Nước này đã dùng đến mọi biện pháp, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đến tâm lý và cả thông tin tuyên truyền. 

Do vậy, có thể thấy thông tin tuyên truyền là một trong những mặt trận rất quan trọng. Có những thời điểm, mặt trận tuyên truyền còn quan trọng hơn cả mặt trận quân sự, ngoại giao hay pháp lý. 

Các kế sách của Trung Quốc trên Biển Đông 

Người Trung Quốc ngày nay học tập nhiều từ binh pháp Tôn Tử, nhưng cũng có rất nhiều cải tiến đối với loại binh pháp này. Người Trung Quốc biến các loại mưu kế trở thành một bộ môn khoa học và đưa vào các nội hàm mới cho những mưu kế này. 

Các ví dụ có thể kể đến là kế sách “tằm ăn dâu”, “biến không thành có”, “gác tranh chấp cùng khai thác”, “cây gậy và củ cà rốt”,... 

Trong đó, một trong những kế sách thâm độc nhất của Trung Quốc là chiến thuật “vùng xám”, tức dân sự hoá các hoạt động quân sự và bán quân sự, không sử dụng hải quân cũng như các hoạt động có cường độ quá mạnh hay vượt qua một giới hạn đỏ nào đó. Mục đích của điều này là không để tạo ra những phản ứng quá quyết liệt từ các nước khác. 

Nhìn vào quá khứ, dự đoán tương lai 

Trong bức tranh về thực trạng ở Biển Đông, chúng ta có thể dựa vào những gì đã xảy ra trong quá khứ để nhìn nhận và dự đoán tương lai. 

Về trung hạn, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục đưa dàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam. Khả năng thứ 2 là Trung Quốc sẽ tạo ra một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Trung Quốc cũng có thể sẽ tiến hành chiếm giữ một số bãi đá ngầm mà chưa có quốc gia nào chiếm đóng. 

Dù rất hãn hữu, thế nhưng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ đánh chiếm Trường Sa. Tuy nhiên điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ có một thời cơ thích hợp. Người Trung Quốc thường chỉ hành động khi có thiên thời, địa lợi, nhân hòa và tính toán được rất kỹ cái giá phải trả. Đây chính là điểm để Việt Nam hoạch định các kế sách đối phó. 

Nếu Việt Nam có thể làm cho Trung Quốc không có được thiên thời, địa lợi, nhân hòa hoặc trong trường hợp có chiến tranh, nước này sẽ phải trả một cái giá rất đắt thì họ sẽ không dám đánh chiếm Trường Sa nữa. 

Trong 2 năm tới trước Đại hội, việc quân sự hoá Biển Đông sẽ được Trung Quốc thực hiện ráo riết hơn. Trung Quốc có thể đưa những lực lượng quân sự đông hơn ra chiếm đóng tại Trường Sa. Nước này cũng có thể vẽ ra lãnh hải của những hòn đảo mà hiện tại họ đang chiếm đóng, cũng như vùng nội thuỷ của các đảo này. Đây là những cảnh báo mà chúng ta cần phải lưu ý. 

Trung Quốc sẽ sớm thông qua Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi. Từ dự thảo của bộ luật này, có thể thấy Trung Quốc có khả năng dựa vào đây để lập các vùng an toàn hàng hải trên biển. Điều gì sẽ xảy ra nếu vùng an toàn bao chùm lên các nhà giàn DK1 của Việt Nam. Bên cạnh đó,  tàu thuyền sẽ phải xin phép khi tiến vào vùng biển Trường Sa. Điều này cũng có nghĩa là các đảo của Việt Nam sẽ bị phong toả. 

Năm 2016, 2017, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đưa ra một dự báo cho thấy, Trung Quốc có thể đưa những nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông. 

Nếu như các nhà máy điện hạt nhân nổi được triển khai tại Biển Đông, nó sẽ mang lại rất nhiều thách thức về chủ quyền, môi trường, kinh tế, tài nguyên và  đối với mạng sống của hàng trăm triệu người… 

{keywords}
Trung Quốc đưa dàn khoan HD 981 vào vùng biển của Việt Nam năm 2014

Đánh giá về tình hình hiện nay, có thể thấy vấn đề Biển Đông đang ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường. Chủ quyền biển đảo Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng và thách thức này sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong tương lai. 

Các thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt là về chủ quyền, kinh tế biển, an ninh quốc phòng, môi trường phát triển và thách thức đối với không gian sinh tồn của dân tộc. Cuối thế kỷ 21, Việt Nam sẽ có quy mô dân số khoảng 140 triệu người. Lúc này chúng ta cần phải tiến ra biển, biển là niềm hy vọng và là không gian sinh tồn của những thế hệ sau này.

Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với một kiểu xâm lược như vậy: tiến dần dần. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh về thách thức không gian sinh tồn của dân tộc .

Cuối thế kỷ này dân số nước ta lên khoảng 140 triệu người, con cháu chúng ta sống ở đâu nếu không tiến ra biển. Lúc đấy là chúng ta cần có thành phố biển, có làng mạc biển, có nông nghiệp biển, có công nghiệp biển, có cảng biển, có sân bay trên biển. Biển là niềm hi vọng, là không gian sinh tồn của những thế hệ sau này.

Và tôi muốn nhấn mạnh điểm này: không gian sinh tồn của dân tộc mình đang bị thách thức.

(Còn nữa)

Tư Giang lược ghi