Bảo tồn phố cổ, là tôn tạo những thứ cần thiết cho khuôn mặt đường phố. Tôn tạo phần lõi rất tốn kém, mà cũng không thể mang lại giá trị sử dụng hay cảnh quan thực cần thiết.

LTS: Quy hoạch phố cổ Hà Nội đến nay vẫn là bài toán khó, mà những sự cố như sập nhà ở phố Cửa Bắc vừa qua càng cho thấy tính cấp bách. Xung quanh vấn đề này, Tuần Việt Nam giới thiệu một góc nhìn từ tác giả Vũ Hữu Trác, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Để trở thành phố cổ thực sự đúng nghĩa, phải mất hàng ngàn năm mới có một quần thể sống động, điển hình như Hà Nội. Điều làm nên hình dáng phố xưa, ẩn chứa bên trong thứ hồn cốt ấy, từng là những bức tường gạch đỏ đã bong vữa, những căn nhà thấp, mái ngói rêu phong nay đã sẫm màu. Thứ cần được lưu giữ, chính là giá trị phi vật thể chứa đựng trong thứ vật thể kiến trúc mang hình dáng phố cổ.

Những “lõi ô cờ” tạm bợ

Những ngôi nhà mặt phố, lô nhô nối tiếp nhau, từ dãy phố này đến dãy phố khác trong quận Hoàn Kiếm, còn in đậm những dấu vết lịch sử, nhiều lớp văn hoá chồng lên nhau. Những đường phố được quy hoạch lại theo phong cách kiến trúc Pháp có mạng lưới như bàn cờ, tạo nên những “ô cờ”.

Nơi địa danh phố cổ nổi tiếng "36 phố phường" được bảo tồn, giới hạn bởi đường Hàng Đậu ở phía Bắc, phía Tây là đường Phùng Hưng, phía Đông là đường Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải, phía Nam là đường Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng.

Sau nhiều cuộc biến động hay phân chia cho thế hệ kế tiếp, kết quả tồn tại điển hình là các “nhà ống”, có mặt tiền ngày càng chia hẹp, san sát nhau để lấy chỗ buôn bán, gần như giống nhau về bề ngang, rất dài và sâu vào trong.

Càng vào sâu các căn nhà càng ít điều kiện đầu tư xây dựng, nên tạm bợ, hình thành lên kiến trúc các “lõi ô cờ”.

Mặt phố “xôi đỗ”

Ngày nay cư dân đã tự nâng cấp, thay đổi, chỉnh trang thậm chí lên tầng. Do lịch sử nhà cũ bên cạnh đã xây từ trước, nên tường vách dựa dẫm lẫn vào nhau, cùng giống một loại móng nông xây trên nền thiên nhiên có cường độ đất rất thấp (đất Hà Nội khoảng 0,7 kg - 0,9kg/cm2). Thậm chí móng chung hay móng xây chồng lên nhau, nhiều chỗ móng chỉ xây qua quít.

{keywords}

Dưới những căn gác rêu phong là những cửa hiệu thời trang suốt ngày nhộn nhịp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Khi lên thêm tầng để lấy chỗ ở đến mức vượt quá sự chịu tải của hệ thống tường và móng ọp ẹp. Chỉ cần tác động vào móng hay tường ở một điểm, cũng đủ gây chấn động dây chuyền, nghiêng đổ hàng loạt. Hồi chuông cảnh báo khẩn cấp, gần đây báo chí đưa tin nhà bên đào móng mới, làm đổ tường nhà bên, đè chết người.

Việc giữ phố cổ có những căn nhà xây dựng tự phát từ lâu đời, không theo tính toán kỹ thuật là điều hết sức gian nan và luôn chứa đầy mâu thuẫn. 

Đến nay mặt phố xuất hiện xôi đỗ, ngấm ngầm du nhập các thành phần được củng cố mới, thay thế bằng thứ “nhái” bền chắc hay nhà hộp thời hiện đại. Những thành phần không có trong những điều kiện cần giữ gìn của không gian và cấu trúc phố cổ đó, đang làm tồi tệ đi các thành phần không gian cần bảo tồn đã có. Nghiêm trọng hơn là càng cho làm, càng hỏng, càng be bét hình ảnh khuôn mặt phố cổ, làm mất đi thứ hồn cốt quý giá, lấy đi lòng tin người dân.

Đi tìm lời giải bảo tồn

Công trình cổ, phố cổ trên thế giới luôn được các nước như Pháp, Anh, Nga quan tâm gìn giữ. Từ cuối thế kỷ 19 châu Âu và Nga cho ra lý thuyết “Bảo tồn kiến ​​trúc - Architectural conservation” dẫn đầu là kiến ​​trúc sư Eugène-Pháp và Violletle-Đức.

Theo cuốn Trùng tu di tích kiến trúc, “Trong một số trường hợp, quyết định không can thiệp khuôn mặt có thể là sự lựa chọn thích hợp nhất”. “Hình thức và phong cách hoặc vật liệu cấu thành của nó, dưới sự kết hợp của khoa học, nghệ thuật và công nghệ thủ công là một lý luận cho công cụ bảo tồn”.

 Ở châu Á, thủ đô Bắc Kinh, TQ và thủ đô Seoul, Hàn Quốc, cũng bảo tồn những phố cổ, nhưng phần lớn nhà mặt đường thấp 1 - 2 tầng, được xây lại mới, giữ lại thứ lô nhô cao thấp, được làm lại mái ngói theo một điển hình chung. Những nhà trong ngõ hẹp, nhà cửa nằm lộn xộn quay lưng quay góc vào nhau, được chỉnh trang, cho buôn bán đồ lưu niệm, hàng ăn trong nhà, luôn níu chân khách du lịch.

 Những gì cần giữ ở nơi đang tồn tại nhà cổ ở phố cổ, là giữ những thứ chứa đựng điển hình một phong cách sống đặc trưng cho phố phường cổ, là tôn tạo những thứ cần thiết cho khuôn mặt đường phố, chứ không là tất cả những gì đang còn lại.

Đặc điểm lớn nhất phố cổ Hà Nội, từ tạo hình và cảnh quan, tập trung ở phần mặt đường. “Nhà mặt phố, bố làm to” là mơ ước của các cô gái lấy chồng về phố cổ, bởi sự thịnh vượng bền vững, nhàn nhã đem đến cho con người ở từ phía mặt đường.

Có chủ nhà mặt đường Hàng Bạc cho người khác thuê lại với giá 5.000 USD/tháng. Cho dù ngay thời hiện đại có thể làm lóa mắt con người bằng những ô tô, nhà lầu lộng lẫy ở khu đô thị mới, cũng không có cách nào hấp dẫn làm người dân phổ cổ từ bỏ, đánh đổi lấy ngôi nhà ở trong phố cổ.

Bảo tồn phải kết hợp nâng cấp cải tạo nhà ở, hạ tầng, tạo cảnh quan hợp lý. Đồng thời phát triển hài hòa với việc bổ sung không gian vui chơi, thưởng thức nghệ thuật biểu diễn, thương mại, du lịch nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, lõi ô cờ có nhiều nhà chật chội, tạm bợ, là sản phẩm không mong muốn do xây dựng tự phát, không làm lên hình dáng phố cổ. Chắc chắn phải thay đổi hoàn toàn các lõi ô cờ, tuy ngày nay đã xây trát, sơn lại nhìn không còn nhếch nhác, nhưng vẫn luôn ẩn chứa hiểm họa sụp đổ.

Không chỉ vì “lõi ô cờ” không thể cải tạo, nâng cấp mà lõi ô cờ không tham gia tạo hình không gian phố cổ. Tôn tạo phần lõi rất tốn kém mà dù bảo tồn có đầu tư lớn đến đâu, cũng không thể mang lại giá trị sử dụng hay cảnh quan thực cần thiết.

Nếu không có được một đồ án quy hoạch chi tiết tới 1/500 đáp ứng, sẽ là một hiểm họa. Lặp lại sự tùy tiện sẽ chỉ làm tăng sự lộn xộn làm hủy hoại phố cổ, kéo dài sẽ càng làm tăng bức xúc xã hội.

(Còn tiếp)

Vũ Hữu Trác, giảng viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội