Dòng chảy chính của xã hội

Ngày 12/5, TS, BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, đăng bài viết: “Tôi có sợ Covid-19 không?” trên facebook với thông điệp cần “vắc-xin ý thức” trong đại dịch. Bài viết có 769 like (thích), 45 comment (bình luận) và 109 lượt share (chia sẻ) sau 17 ngày đăng.

Ngày 17/5, TS Nguyễn Quốc Toàn- một CEO nổi tiếng ngành giáo dục chia sẻ suy ngẫm “Đội đặc nhiệm vắc-xin” trên trang cá nhân, đưa kiến giải mới cho bài toán mua vắc -xin đúng vào thời điểm Chính phủ đang phải cân nhắc việc ký hợp đồng với công ty Pfizer. Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này được ban hành 1 ngày sau đó. Sau 12 ngày, bài viết có 799 like, 209 bình luận, 121 lượt chia sẻ.

Ngày 18/5, cũng trên nền tảng facebook, Đỗ Cao Bảo- 1 trong 13 người sáng lập Tập đoàn FPT đưa ra góc nhìn “Vì sao Việt Nam tiêm vắc-xin chậm?” lý giải cặn kẽ về vấn đề cấp thiết của quốc gia. Sau 8 ngày, anh nhận được 2.200 like, 90 bình luận và 220 lượt chia sẻ cho dòng trạng thái này.

{keywords}
Câu chuyện vắc-xin phòng Covid-19 đang là mối quan tâm số 1 của nhân loại

Đó đều là những bài viết đầy trăn trở của các nhà tri thức với vấn đề lớn của đất nước- đại dịch Covid -19, đề xuất những giải pháp khả thi góp phần đẩy lùi dịch bệnh. 

Trong khi đó, một CEO livestream chỉ gần 3 tiếng, đã thu hút tới 450.000 người xem trực tiếp, tính tổng cộng trên cả nền tảng Facebook và Youtube. Nội dung chủ yếu là bóc phốt, đấu tố người nổi tiếng.

Nhìn vào những số like và lượt chia sẻ trên, nhiều người có thể thấy ngạc nhiên khi một chuyện mang nhiều tính thị phi như buổi livestream lại được quan tâm đến vậy.  

Tuy nhiên, anh Đỗ Cao Bảo, tác giả của những status (trạng thái) nghìn like, phân tích:“Người đọc và xem có nhiều nhóm nhưng có thể xếp theo hình chiếc tháp. Những thông tin như bí mật showbiz về bản chất là hot với mọi tầng lớp người dân. Livestream bóc phốt là hướng tới đáy tháp. Còn anh là hướng tới đỉnh tháp. Đỉnh tháp bé hơn đáy tháp là đúng quy luật”.

Khi dòng chảy phụ thành dòng chảy chính

Câu chuyện sẽ không thể bình thường nếu như bóc phốt trở thành một một trào lưu, người người, nhà nhà thoải mái lên mạng đấu tố, bôi xấu, xúc phạm người khác, kể cả có căn cứ hay vô căn cứ. 

Xét ở khía cạnh nào đó, khi thế giới showbiz luôn chứa đựng nhiều bí mật, bỗng một cá nhân giàu có và quyền lực không kém, bất chấp thị phi, vạch trần góc khuất xấu xa được không ít người gọi đó là “độc trị độc”, phần nào ủng hộ. 

Về bản chất, những vụ việc trục lời từ thiện, vô cảm với cộng đồng, thói háo danh, kiêu ngạo, hay lối sống suy đồi, mê tín dị đoan… đều cần phải được bài trừ, lên án. 

Nhưng, con đường để đưa ra ánh sáng công luận bằng bóc phốt có phải là con đường duy nhất đấu tranh chống lại cái xấu? Có phải vì cực chẳng đã, bất đắc dĩ, vì những hình thức chính thống của pháp lý không thể hiệu quả? Vì truyền thông báo chí bất lực? Vì những quy tắc chuẩn mực trong ứng xử xã hội là vô hiệu? 

Hay bóc phốt là một cách thể hiện quyền lực, coi việc vạch ra sự thật về người khác là một cách giải quyết vấn đề?

{keywords}
Livestream bóc phốt có phải là con đường duy nhất đấu tranh lại cái xấu?

Ở góc độ văn hoá, bóc phốt chắn chắn không phải là hành vi đẹp đẽ, nhân văn và được hoan nghênh. 

Nó khơi gợi bản năng của con người, kích động đám đông, hình thành tâm lý bầy đàn và rất dễ khiến cả người bóc phốt lẫn người đọc- nghe- xem cuốn vào cuộc “ẩu đả, cãi vã”. 

Người ta có thể vô tình hùa nhau nhấn chìm một ai đó xuống vực thẳm vì đã làm sai, đã mắc lỗi. 

Người ta bỗng có quyền hả hê cười cợt, bình phẩm những chuyện đời tư, sai trái của người khác như thể là một cách xả stresss, một cách giải trí.

Khi đó, đám đông trở nên có quyền lực, quyền phán xét và định tội như toà án và đôi khi, quyết định đến số phận của người bị bóc phốt. Người bị bóc phốt, bất kể làm đúng hay sai, sẽ trở thành nạn nhân khốn khổ với dư luận xã hội. 

Không gian mạng sẽ không còn an toàn, xã hội không thể gọi là văn minh nếu văn hóa này được nuôi dưỡng, trào lưu này nở rộ.

Mặt trái của đời sống “ảo” tác động lớn tới đời sống thực. Năng lượng xấu lan truyền và sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhân cách, hành vi, lối sống của các thế hệ dùng mạng.

Việt Nam có 69 triệu người dùng Facebook, chiếm gần 70% dân số, 14,5 triệu người dùng Youtube, chiếm 15% dân số. Một buổi livestream có thể chỉ mang tính giải trí với rất nhiều người xem, nhưng nếu việc này xuất hiện thường xuyên, dày đặc thì sẽ là điều cần báo động

Trách nhiệm của đám đông

Với những hiện tượng trong đời sống xã hội, các công cụ pháp lý đã tương đối đầy đủ để quản lý, điều tiết và định hướng, làm cho xã hội trong sạch, văn minh. Việt Nam không thiếu quy định pháp luật và các chế tài cho vấn đề này. 

Nhưng với sự thay đổi muôn hình vạn trạng của không gian mạng, một không gian sống được khai sinh bởi sự phát triển đột phá của công nghệ, công cụ pháp lý điều chỉnh không gian mạng hiện tại vẫn còn sơ khai.

Ngoài đời thực, pháp luật có thể bao quát đầy đủ mọi vấn đề, ngóc ngách của đời sống. Nhưng trên không gian mạng, luôn có những khoảng trống mà ngay cả các nước tiên tiến cũng gặp phải. 

Do vậy, Chính phủ, Quốc hội cần rốt ráo mạnh mẽ hơn nữa trong việc sớm hoàn thiện thể chế trên không gian mạng, thiết lập những quy tắc ứng xử để theo kịp sự phát triển của thời đại 4.0.  

Song hành với đó, không thể không nói tới trách nhiệm của đám đông. Như đã nêu, đám đông có quyền lực thì đám đông không thể không có trách nhiệm. Đám đông ấy không ai khác, chính là tôi, là bạn và chúng ta, những người dùng mạng xã hội hàng ngày. 

Trách nhiệm đó là gì?

Like và share không còn là những cú click chuột vô thưởng vô phạt. Nó sẽ nói lên bạn là ai? Số đông đang like gì và share gì sẽ nói lên xã hội của chúng ta đang ra sao?

Sẽ có những cá nhân livestream với lượng người xem cao hơn, tương tác nhiều hơn, đó là xu thế phát triển bình thường của một xã hội tự do, dân chủ.

Nhà nước sẽ phải làm việc của Nhà nước: nâng cao năng lực quản lý, phát huy vai trò điều tiết, kiến tạo và phát triển, theo kịp sự phát triển của các hình thái xã hội.

Cá nhân chúng ta, hãy like và chia sẻ những giá trị chân, thiện, mỹ, những điều tử tế, có ích cho xã hội. Hãy report (báo cáo) những điều có hại cho cộng đồng. 

Và khi phát hiện một sự thật xấu xa, sai trái, hãy chọn cách ứng xử văn minh, cách đấu tranh phù hợp với quy định của luật pháp.

Đó chính là cách mỗi chúng ta góp sức xây dựng một xã hội hiện đại, tiên tiến, một không gian sống trong sạch, hạnh phúc và cũng là cách để bảo vệ chính mình.

Phạm Huyền

Người nổi tiếng quyên tiền làm từ thiện: Cần một thiết chế pháp lý

Người nổi tiếng quyên tiền làm từ thiện: Cần một thiết chế pháp lý

Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến của chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng xung quanh câu chuyện từ thiện.