Mẹ tôi mang trọng bệnh, tôi đón bà sang Pháp để chữa trị nhiều năm nay. Dịp giáp Tết, mẹ tôi đã gặp hai bác sĩ nội trú gốc Việt ở hai bệnh viện khác nhau ở Paris.

Buổi sáng, tôi đưa mẹ đến bệnh viện Da liễu. Cuộc hẹn này chúng tôi phải mất hơn nửa năm mới đặt được. Tiếp đón chúng tôi là một bác sĩ thực tập trẻ gốc Á.

{keywords}
Gói bánh chưng là hoạt động thường niên của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mỗi dịp Tết 

Mẹ tôi không nói được tiếng Pháp nên tôi đóng vai trò phiên dịch. Tôi chỉ mới bắt đầu học tiếng Pháp từ khi sang Pháp cách đây vài năm, trước đó tôi học tiếng Anh. Lẽ dĩ nhiên đâu đó trong cuộc hội thoại, chúng tôi gặp khó khăn khi diễn đạt.

Sau hơn 30 phút thăm khám, cô bác sĩ kê đơn cho mẹ tôi. Tôi khá bất ngờ khi thấy họ của cô, hoá ra cô là người gốc Việt. Mẹ tôi còn sửng sốt hơn, bảo sao cô bác sĩ này "kiêu" thế, không chịu nói tiếng Việt. Tôi phải giải thích cho bà rằng cô ấy được sinh ra ở Pháp và cô ấy không nói được tiếng Việt. Cuộc gặp của chúng tôi kết thúc như bao lần khác mẹ tôi được bác sĩ Pháp thăm khám, hỏi và đáp, kê toa và ra về.

Cuộc gặp với vị bác sĩ nói tiếng Việt 

Sau buổi thăm khám ở viện Da liễu, tôi đưa mẹ trở về viện Nội tiết, nơi mẹ tôi đang điều trị. Mẹ tôi vừa yên vị được 2 phút thì một bác sĩ nội trú trẻ bước vào. Anh tiến về phía tôi giới thiệu tên (một cái tên toàn Pháp) và nhiệm vụ, rồi quay sang mẹ tôi và nói rành rọt bằng tiếng Việt:

- Chào cô, cháu là bác sĩ phụ trách cô. Cháu biết nói một ít tiếng Việt và cháu sẽ cố gắng hết sức.

Mẹ tôi và tôi vỡ oà cảm xúc. Suốt 5 năm mẹ tôi điều trị ở viện này, đây là lần đầu tiên mẹ tôi gặp một bác sĩ gốc Việt. Và quan trọng hơn, vị bác sĩ này biết nói tiếng Việt. Tuy khiêm tốn nhận rằng chỉ biết nói "một ít tiếng Việt" nhưng tiếng Việt của cậu ấy còn khá hơn tiếng Pháp của tôi. 

Người vui mừng nhất là mẹ tôi, bà đã có cơ hội bày tỏ biết bao tâm tư nguyện vọng bấy lâu nay không được nói ra. Suốt 5 năm qua, tôi là cầu nối duy nhất giữa bà và các bác sĩ. Dù rằng tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhưng được tự mình nói ra các vấn đề bệnh tật, các trăn trở, và được bác sĩ trực tiếp trả lời, thật là một cảm xúc đặc biệt.

Điều khiến chúng tôi xúc động hơn cả là chính cậu chủ động đăng ký phụ trách chữa bệnh cho mẹ tôi, khi nhìn qua danh sách hồ sơ và biết mẹ tôi là người Việt Nam. Thái độ ân cần của cậu cho chúng tôi cảm giác được "trở về nhà" ở nơi đất khách xa lạ. Tôi cũng cảm nhận được tình cảm của cậu dành cho quê mẹ, cho tiếng mẹ đẻ, dù cậu được sinh ra ở một đất nước khác, dù rằng bố cậu và ông cậu không nói tiếng Việt. 

Cuộc gặp gỡ với cậu bác sĩ khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. 

{keywords}
Bé gái gốc Việt thăm chùa Trúc Lâm Thiền Viện ở Villebon-sur-Yvette, cách Paris khoảng 20km. Ảnh: Kim Vân/Người Lao động

Nhiều thế hệ người Việt ở nước ngoài chỉ chú trọng vào việc rèn cho con tiếng bản địa mà lơ là việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Mục đích của họ không sai, đó là chỉ có giỏi tiếng bản địa thì con cái họ mới có thể nhanh chóng hoà nhập và vươn lên trong cuộc sống nơi đất khách. Thế nhưng tại sao họ lại chọn bỏ tiếng Việt, trong khi vẫn muốn con mình giỏi thêm tiếng Anh, tiếng Đức...? 

Phần lớn phụ huynh lấy lý do là quá bận nên không có thời gian để rèn tiếng Việt cho con, hoặc do trong gia đình chỉ có duy nhất mẹ hoặc bố nói tiếng Việt nên không thể kiên nhẫn duy trì phương pháp "mỗi bố mẹ một thứ tiếng". Tuy nhiên, ẩn đằng sau những lý do đó là một thực tế khá rõ ràng rằng tiếng Việt không phải là thứ ngôn ngữ thịnh hành trên thị trường, và phụ huynh chưa nhìn thấy được lợi ích kinh tế khi con mình giỏi tiếng Việt.  

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đều chỉ ra rằng những em bé song ngữ có rất nhiều lợi thế so với những em bé chỉ lớn lên trong môi trường đơn ngữ. 

Các em bé song ngữ có khả năng tập trung và ghi nhớ tốt hơn trẻ đơn ngữ do kỹ năng này được luyện tập ngay từ khi sinh ra, bé phải tập trung nghe và ghi nhớ hai ngôn ngữ cùng lúc. Nhờ đó, trí não của các bé phát triển linh hoạt hơn và giúp cho bé có khả năng ngôn ngữ cũng như thành tích học tập tốt hơn. 

Chưa kể, trong thế giới phẳng ngày nay, thông thạo thêm một ngoại ngữ và hiểu biết thêm về một nền văn hoá chính là làm giàu cho trí tuệ của bản thân, tạo nên lợi thế cạnh tranh trên thị trường việc làm. 

Ngôn ngữ là một trong các công cụ giúp con người nhìn thế giới, hình thành suy nghĩ và xây dựng bản sắc, là chìa khóa để khám phá nền văn hoá mà ngôn ngữ đó thuộc về. Đối với các gia đình di cư, ngôn ngữ là sợi dây gắn kết yêu thương và nguồn cội. Ngôn ngữ chính là nền tảng để các con bắt đầu xây dựng bản sắc gốc Việt đang chảy trong huyết quản của mình. 

Sợi dây gắn kết 

Hiện nay, có tới hơn 5,3 triệu người gốc Việt sinh sống và làm việc trên 130 quốc gia và các vùng lãnh thổ và con số này không ngừng tăng lên. Tiếng Việt và văn hoá Việt chính là sợi dây để gắn kết cộng đồng này với nhau hơn. Một cơ sở kiều bào gắn bó có thể hỗ trợ phát triển quốc gia hiệu quả hơn, đồng thời quảng bá văn hoá Việt mạnh mẽ hơn trên khắp thế giới. 

Tôi còn nhớ, tại Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng diễn ra tại Paris vào năm 2019, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại QH, có phát biểu, mỗi người Việt, dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều có thể trở thành đại sứ văn hoá cho Việt Nam. Chúng ta mang trong mình sứ mệnh đó, để bạn bè quốc tế biết đến một Việt Nam mới mẻ, yên bình và phát triển hơn, thay vì cứ mãi nhìn vào quá khứ hào hùng chiến thắng thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ. 

Tôi hiểu, tiếng Việt chưa bao giờ là ngôn ngữ "có giá" trên trường quốc tế, nhưng liệu đó có phải là lý do để nó không chiếm được vị trí ưu tiên trong trái tim và lý trí của người Việt? Ngôn ngữ mẹ đẻ chính là sợi dây gắn kết tuy mỏng manh mà bền bỉ luôn nhắc chúng ta nhớ về bản sắc của mình. 

Bên cạnh miếng bánh chưng xanh, hoa đào, hoa mai, bát phở bò hay chiếc nem rán, giữa xứ người lạnh lẽo thiếu không khí ấm áp của ngày đoàn viên, được nghe và trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ quả là một liều thuốc tinh thần sưởi ấm trái tim người xa quê. Năm nay Tổng thống Pháp Macron chúc Tết trên fanpage của ông bằng tiếng Việt, các bạn Việt Nam xa quê có thấy ấm lòng hay không? 

Kết thúc buổi trò chuyện, tôi nhờ cậu bác sĩ gửi lời cảm ơn của tôi đến ba mẹ cậu. Cảm ơn vì đã truyền tình yêu nước Việt cho cậu, đã dạy cậu nói tiếng nước tôi và ba mẹ cậu hoàn toàn có thể tự hào về cậu, một bác sĩ người Pháp biết nói tiếng Việt. 

Tôi yêu tiếng nước tôi

Từ khi mới ra đời người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa vời

À à ơi tiếng ru muôn đời

(Phạm Duy)

Nguyên Kan

Mùi của Tết, mùi của yêu thương

Mùi của Tết, mùi của yêu thương

Vẫn còn đó âm hưởng Tết xa xưa đọng lại thời hiện đại. Rất nhiều thứ mùi đâu đây quanh ta, mùi quần áo, mùi người thân thương, mùi của món ăn ưa thích, mùi Tết...