Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Long An đã phát biểu trên báo chí rằng tỉnh vẫn đang làm thủ tục xin Chính phủ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 từ sử dụng than chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng.

"Trong trường hợp không thể phát triển nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng ở vị trí này thì xóa quy hoạch chứ không sử dụng nhiên liệu than, nhằm hạn chế những bất cập về môi trường", báo chí tường thuật kết luận rất “rắn” của Long An.

{keywords}
Nhà máy nhiệt điện ở Duyên Hải, Trà Vinh.

Không chỉ Long An, nhiều địa phương cũng đang quyết liệt từ chối điện than một cách quyết liệt và mạnh mẽ đến mức Bộ Công Thương cũng phải “điểm mặt” trong báo cáo gửi Quốc hội. Theo đó, nhiều dự án nhiệt điện than thời gian qua đã không được thực hiện do đề xuất, kiến nghị của địa phương như các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Trong khi đó “tẩy chay” nhiệt điện than, nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận.

Điều đó cho thấy, ngày càng nhiều địa phương bị “ám ảnh” bởi nhiệt điện than, và chỉ chấp nhận nhiệt điện khí. Trong trường hợp Chính phủ chiều ý các địa phương thì sao?

Dĩ nhiên, khi từ chối điện than, thì điện khí sẽ là lựa chọn hàng đầu, bởi thủy điện cạn, điện hạt nhân đã dừng, năng lượng tái tạo “trồi sụt” thất thường… Khi đó, tỷ trọng nhiệt điện khí trong hệ thống điện sẽ tăng lên.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, 10 tháng đầu năm 2019, sản lượng nhiệt điện khí hiện chỉ chiếm khoảng 18,01% sản lượng toàn hệ thống, xếp sau nhiệt điện than (48,54%) và thủy điện (28,97%).  Các nguồn khác như nhiệt điện dầu, năng lượng tái tạo, nhập khẩu chiếm tỷ trọng khá nhỏ.

Xét ở góc độ nào đó, nhiệt điện khí rõ ràng “ổn” hơn nhiệt điện than về mặt môi trường, ít nhất cũng không xuất hiện các núi tro xỉ như ở một số dự án miền Trung, nơi người dân chưa quen với gạch không nung. Song, để môi trường sạch hơn thì cũng có giá của nó, mà giá của nhiệt điện khí không hề rẻ.

Nhiệt điện khí hiện có mức giá cao top đầu trong các nguồn điện. Thủy điện giá xấp xỉ 1.000 đồng/kWh, còn nhiệt điện than xấp xỉ 1.500 đồng/kWh, điện gió là 1.900-2.200 đồng/kWh, điện mặt trời khoảng 2.100 đồng/kWh, tất cả đều thấp hơn mức giá của điện khí từ 2.300 đồng – 2.800 đồng/kWh, theo EVN. EVN cho biết, giá trung bình của nhiệt điện khí sử dụng khí lô B lên tới 2.800 đồng/kWh.

{keywords}
Giá điện khí đắt đỏ nhất trong số các nguồn điện hiện nay

Điều này được chứng minh qua mức chào giá điện khí của một số dự án đang chuẩn bị đầu tư. Khi đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Cần Thơ), mức giá các nhà đầu tư đưa ra đều rất sát. Mức giá tại liên danh Vietracimex – Marubeni là 2.884 đồng/số. Còn với dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí Ô Môn III và Ô Môn IV, giá bán điện ở mức 2.355 đồng/kWh và tối đa là khoảng 2.840 đồng/kWh. Mức giá này được cho là mới đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án Ô Môn III và IV.

Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là hơn 1.800 đồng/số. Mua với giá 2.300-2.800 đồng/số, nhưng bán lẻ đến tay người dân với giá hơn 1.800 đồng/số, không cần phải là chuyên gia kinh tế cũng thấy điều bất thường. Nếu không có nhiệt điện than và thủy điện với mức giá mềm hơn “gánh” cho mức giá điện khí đó, thì rất khó để EVN tồn tại được.

Nhưng điện than đang bị nhiều tỉnh thành “tẩy chay” quyết liệt như vậy, nhất quyết “đòi” làm điện khí thì việc tính toán giá điện ra sao cũng là điều nghiêm túc phải xem xét. Khi nhiệt điện khí với giá cao hơn tăng lên, thì tất yếu giá điện cũng chịu áp lực không nhỏ. Đặc biệt là, khí trong nước không đủ nhu cầu, phải nhập khẩu trong bối cảnh xu hướng giá khí cao.

Điều gì xảy ra nếu giá điện tăng cao? Người dân phải trả nhiều tiền hơn cho việc dùng điện, các doanh nghiệp phải chi trả chi phí cho mỗi sản phẩm, dịch vụ bán ra. Giá thành sản phẩm cao lên, sức cạnh tranh với các đối tác cũng bị ảnh hưởng. Đó là điều phải đối mặt và là thực tế, tuân thủ đúng quy luật thị trường.

Mong muốn có nguồn điện “sạch”, nhà máy điện thân thiện hơn với môi trường của nhiều địa phương có thể hiểu được. Nhưng khi đã quyết liệt nói không với nhiệt điện như vậy, thì cũng phải lường trước những tác động kể trên, trong đó có yếu tố giá điện. Nếu muốn bỏ nhiệt điện than nhưng lại muốn giá điện đứng im, thì khó tránh khỏi “cầu dao điện” bị ngắt.

Lương Bằng

Để không ai phải bị cách chức khi thiếu điện

Để không ai phải bị cách chức khi thiếu điện

 - Ngoài những cuộc họp hành liên miên với các tuyên bố “quyết liệt, đẩy mạnh” thì chỉ có bắt tay vào làm mới không thiếu điện mà thôi!