Trung Quốc liên tiếp tập trận trên biển

Lập trường về vấn đề Biển Đông của Mỹ, do Bộ trưởng Ngoại giao M. Pompeo công bố ngày 13/7 trong dịp 4 năm Phán quyết Tòa trọng tài Biển Đông, đã bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông. 

{keywords}
Chiến hạm Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông. Ảnh: Chinamil

Washington cáo buộc "Bắc Kinh dùng biện pháp bắt nạt để xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông, thay thế luật quốc tế bằng tư duy 'chân lý thuộc về kẻ mạnh'" và kêu gọi thành lập một liên minh chống lại cường quyền, bảo vệ luật quốc tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho rằng Hoa Kỳ đang châm ngòi cho sự đối đầu ý thức hệ và làm hồi sinh chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 21, vực dậy bóng ma của chủ nghĩa McCarthy, và tương đồng với chủ nghĩa phát-xít. Ông cho rằng Trung Quốc không có chỗ để lùi bước đối với các vấn đề liên quan đến "lợi ích cốt lõi và phẩm giá quốc gia". 

Trung Quốc gia tăng tập trận. Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc triển khai 4 cuộc tập trận ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông trong tháng 8. Chỉ riêng khu vực quần đảo Hoàng Sa đã có 2 cuộc tập trận lớn từ tháng 7. Ngày 11/8, Trung Quốc đã triển khai lần đầu tiên máy bay ném bom H-6J ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa của Việt Nam. 

Ngày 26/8, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng mô tả quân đội Trung Quốc phóng 2 tên lửa đạn đạo mang tên “Sát thủ tàu sân bay” ra Biển Đông nhằm răn đe Mỹ khi nước này đưa 2 tàu sân bay và hàng chục tàu chiến tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. 

Trước đó, quân đội Trung Quốc còn chiếu tia laser ở cấp độ quân sự một cách nguy hiểm vào máy bay của Hải quân Mỹ đang thực hiện tự do bay trên vùng biển ngoài lãnh hải các nước. 

Các cuộc diễn tập và phóng tên lửa này được cho là sự tuyên bố của quân đội Trung Quốc trong việc sẵn sàng ứng phó cùng lúc trên tất cả các mặt trận Đài Loan, Biển Đông, Hoa Đông và giành chiến thắng trước các thách thức hiện nay.  

{keywords}
Trực thăng cất cánh từ tàu sân bay Mỹ hoạt động ở vùng biển Philippines. Ảnh: Reuters

Các cuộc tập trận và việc điều tàu hải cảnh quấy nhiễu các khu vực thăm dò dầu khí thuộc thềm lục địa Malaysia, Việt Nam, Brunei cùng lúc cũng nhằm răn đe các nước trong khu vực không được ngả theo ủng hộ Mỹ. Theo dự án Đại sự ký Biển Đông, cứ 3 ngày, tàu hải cảnh Trung Quốc lại tiếp cận lô 06.1 của Việt Nam một lần với khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác Lan Tây tại mỏ khí Lan Tây là 2 - 5 hải lý.

Mỹ nỗ lực khôi phục vị trí độc tôn 

Ngược lại, phía Mỹ cho rằng hành động của Trung Quốc trái ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông và tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Hành động ăn miếng trả miếng của Mỹ - Trung làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến tranh Lạnh mới và thậm chí xung đột nóng trong thời gian gần, nhất là trước kỳ bầu cử Mỹ tháng 11 tới.  

Chiến lược “can dự mang tính xây dựng” (constructive engagement) với ảo tưởng Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” như một mô hình “dân chủ hóa”, được thực hiện từ thời Tổng thống Nixon đã cho thấy sự lỗi thời. Trung Quốc đã đi theo con đường và cách tính toán riêng mà Mỹ không ngờ tới để tận dụng thời gian vàng 50 năm qua vươn lên ngang ngửa với Mỹ.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn làm cho Mỹ và thế giới mất lòng tin vào một Trung Quốc phát triển hòa bình. Cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ ngày càng khốc liệt là không thể tránh khỏi khi Mỹ tìm cách khôi phục lại vị trí độc tôn đang bị Trung Quốc thách thức và Trung Quốc không muốn bị mất mặt ở sân sau của mình.

Các nhà phân tích dự báo 3 kịch bản quan hệ Mỹ - Trung: Thứ nhất, Trung Quốc sụp đổ; Thứ hai, Mỹ nhượng bộ và chấp nhận vùng ảnh hưởng của Trung Quốc; Thứ ba, Mỹ chấp nhận chung sống và cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc trên các mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị và toàn cầu. Kịch bản 3 sẽ khả thi hơn cả.

{keywords}
Chiến hạm Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Bên nào giành chiến thắng?

Không nước nào giành được chiến thắng quyết định trong cạnh tranh thương mại. Trung Quốc có thu nhập đầu người thấp hơn Mỹ, phát triển khoa học kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực chưa bằng Mỹ song nền kinh tế có sức chịu đựng tốt hơn so với nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc có thị trường nội địa khổng lồ với gần 1,4 tỷ người, gấp 4 lần dân số Mỹ. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc chặt chẽ với nhau hơn dự đoán.

Các biện pháp được chính quyền Tổng thống Trump thi hành chống lại Trung Quốc cũng làm ảnh hưởng nhất định tới kinh tế Mỹ khi cả hai thị trường chứng khoán đều mang sắc đỏ. Mỹ không thể ngăn cản Trung Quốc mở rộng giao thiệp với các nước khác, hội nhập kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc không phải không chịu ảnh hưởng nặng nề dưới các đòn trừng phạt của Mỹ, tốc độ phát triển chậm lại, có thể rơi vào suy thoái, làm mất ổn định nội bộ và giấc mơ Trung Hoa sẽ xa hơn.

Về quân sự, Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng máy bay và tàu chiến. National Interest cho biết, chỉ trong vòng 5 năm tới, số lượng tàu khu trục của hải quân Trung Quốc có thể sẽ tăng lên gấp đôi, đạt tới 40 chiếc. Hiện nay hải quân Trung Quốc sở hữu 360 tàu chiến các loại, về mặt số lượng đã vượt qua hải quân Mỹ với 297 tàu.

Dự báo, đến năm 2025, hải quân Trung Quốc sẽ có tổng cộng khoảng 400 tàu chiến mặt nước các loại và có từ 3 đến 4 tàu sân bay. Song chất lượng vũ khí Trung Quốc vẫn là câu hỏi. Vụ phóng tên lửa đạn đạo ra vùng biển Hoàng Sa răn đe hải quân Mỹ ngày 26/8 vừa qua có vẻ không đạt kết quả mong muốn khi 2 chưa ra đến biển, 2 không trúng mục tiêu cố định.  

Trong khi đó, Mỹ muốn chiến thắng Trung Quốc trong một cuộc chiến cần phải dựa vào không quân khi họ lại thiếu trầm trọng các căn cứ và đường băng cho máy bay trong khu vực.

Nguyễn Hồng Thao

Kỳ 2: Nóng lạnh thất thường, Trung Quốc thay đổi ngoại giao chiến lang

Ngoại giao 'chiến lang' của Trung Quốc bị phản tác dụng ở Biển Đông

Ngoại giao 'chiến lang' của Trung Quốc bị phản tác dụng ở Biển Đông

Bất kỳ lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương nào hay các biện pháp trừng phạt theo Bộ luật Biển xanh của Bắc Kinh ở vùng Biển Đông đều không thể chấp nhận.