Các cơ quan nhà nước có liên quan sẽ tổng kết việc thực hiện Chương trình và định ra những việc cần làm tiếp thời gian tới.

Một trong những vấn đề lớn được quan tâm sẽ là chỉ rõ những cái được nhất, và những cái không được nhất qua 10 năm cải cách hành chính (CCHC) ở ta là gì. Câu hỏi chắc không dễ trả lời.

Không tính quá trình, chỉ xem kết quả  

Cách đây hơn chục năm, đa phần các chính phủ EU đều nói làm CCHC rất mạnh, đơn giản nhiều quy định, thủ tục hành chính (TTHC), mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nghe vậy, các doanh nghiệp bèn chất vấn chính phủ cho xem các lợi ích mà cải cách mang lại cho doanh nghiệp là gì, có thể cân đong đo đếm được không và quy ra đồng tiền bát gạo thì cuối cùng là bao nhiêu?

{keywords}
Gần 100% hồ sơ được trả kết quả trước và đúng hạn tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh An Giang trong 6 tháng đầu năm nay. Ảnh: Công Mạo

Lúc đó, nhiều nước EU mới giật mình và buộc phải đi đến giải pháp tính chi phí tuân thủ TTHC khi doanh nghiệp có việc đến cơ quan hành chính giải quyết. Tính ra rồi thì một khi cải cách TTHC ở việc này việc kia của doanh nghiệp lập tức nhẩm ngay ra được tiền bạc họ tiết kiệm được nhờ các biện pháp cải cách đó mang lại. Lúc đó mới có thể nói cải cách đã thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Như vậy, kết quả, tác động mà CCHC mang lại phải tìm và lượng hóa ra nơi người dân, doanh nghiệp. Phương châm có tính quyết định ở đây chính là Không tính quá trình, chỉ xem kết quả. Dân, doanh nghiệp không quan tâm nhiều tới quá trình triển khai CCHC, giảm bớt bộ này, thêm bộ kia, sửa luật này, luật kia, bộ phận một cửa được trang bị hiện đại hơn... Cái được quan tâm nhất chính là kết quả, tác động của CCHC tới họ.

Ra xã, phường làm chứng thực cái bằng đại học, hộ khẩu, giấy khai sinh đã thuận tiện hơn nhiều so với trước đây nhờ thời gian đi lại giảm, giấy tờ bớt đi và nhất là nhờ bộ phận một cửa.

Có một số việc người dân, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp đến cơ quan hành chính nhờ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Công chức tiếp dân cũng đã thay đổi lớn từ thái độ, lời nói đến hành vi. Sự cởi mở, thân thiện của chính quyền với doanh nghiệp đã phần nào được tạo lập. Nhiều vị lãnh đạo chính quyền đã ý thức được chính doanh nghiệp mới là động lực quyết định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các quyết sách của Chính phủ về cơ bản được giới doanh nghiệp hoan nghênh...

Nếu được phép chuyển cái cân đong đo đếm được này thành cái định tính khái quát hơn thì có thể nói thông qua CCHC, bước đầu đã tạo lập được cơ sở cho bước chuyển của nền hành chính thực sự sang phục vụ.

Nhân tài thì ít, giả tài thì nhiều trong công vụ 

Đấy là cái được nhất của CCHC 10 năm qua, còn cái không được nhất là gì, là ở tổ chức bộ máy, ở thủ tục hành chính hay cải cách thể chế... Còn cần xem xét thêm một cách kỹ lưỡng, nhưng có thể số đông sẽ cho rằng cái không được nhất, yếu kém nhất chính là ở cải cách đội ngũ.

10 năm cải cách nhưng nhìn tổng thể thì năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) vẫn không đáp ứng yêu cầu.

Rất nhiều biện pháp mang tính cải cách đã được triển khai như định ra tiêu chuẩn CBCCVC, xác định vị trí việc làm, thi công chức, thi nâng ngạch, chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng...

Đặc biệt phải kể đến những kết quả to lớn, mang lại những tác động đáng kể trong xây dựng và phát triển đội ngũ thông qua việc xem xét, xử lý hàng loạt vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong 3, 4 năm trở lại đây. Chưa có bao giờ cán bộ, công chức lãnh đạo, kể cả lãnh đạo ở cương vị Bộ trưởng, Phó Thủ tướng bị xử lý hành chính, bị xử lý hình sự nhiều như mấy năm vừa qua.

Nhưng dường như vẫn chưa đủ hoặc nói cách khác là chưa bắt đúng mạch để tạo sự chuyển biến thực sự trong đội ngũ. Bộ phận CBCCVC không đủ năng lực, trình độ để làm việc, nhưng vẫn tiếp tục kiên trì trụ lại trong bộ máy và bộ phận thoái hóa, biến chất, tham nhũng có vẻ vẫn gia tăng là những minh chứng rõ nét cho kết quả yếu kém nhất trong cải cách thời gian qua.

Nguyên nhân một phần cơ bản lại nằm ở những câu chuyện dang dở, không dứt khoát trong triển khai kiểu như thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý; xơ cứng trong định tiêu chuẩn CCVC; xác định vị trí việc làm không thực chất; đánh giá, phân loại CCVC chỉ cần đạt trên 70% nhiệm vụ được giao đã coi là hoàn thành nhiệm vụ; nhân tài thì ít, giả tài thì nhiều trong công vụ.

Thể chế quản lý đội ngũ chưa ngon lành, ra rồi triển khai cầm chừng cộng với lợi ích nhóm, tham nhũng đã là mảnh đất tốt ươm mầm, nảy nở vô vàn cây cỏ độc hại mà ngay một lúc khó diệt trừ.

Ước có tư lệnh vác thượng phương bảo kiếm đi muôn nơi   

Thấy được cái được và cái kém nhất trong cải cách chính là để xem mươi năm tới nên thế nào để hành chính thực sự là phục vụ. Mỗi hoạt động lớn hay nhỏ của chính quyền từ cấp trung ương cho đến cấp cơ sở đều cần phải được soi rọi dưới con mắt vì ai, mang lại lợi ích cho ai.

{keywords}
Vỉa hè Hà Nội được 'thay áo' bằng gạch bê tông vân đá, tháng 4/2019. Ảnh: CAND

Chỉnh trang đô thị, làm cho thành phố đẹp hơn bằng cây xanh, cỏ đẹp, hè phố gọn gàng, sạch sẽ... Quá tốt, nhưng hãy xem cứ loanh quanh vài năm vỉa hè Hà Nội lại được cậy lên, lát lại thì sao nhỉ. Mà việc đó có liên quan tới CCHC không mà đưa ra xem cơ chứ! Quá liên quan, vì đó chính là biểu hiện trực tiếp của năng lực quản lý của chính quyền, là câu chuyện lát lại vỉa hè vì ai. Chỉ ao ước, chí ít không được như các nước cỡ 20, 30 năm thì mình độ 10 năm mới lại lát lại vỉa hè là đã quá tốt rồi.

Rồi mới đây lại nghe tin Thanh tra Bộ Xây dựng vào TP.HCM xem câu chuyện các dự án xây chung cư, biệt thự quá dày đặc, ví dụ như đoạn đường Nguyễn Văn Cảnh dài độ hơn 3km thì tính trung bình cứ khoảng 500m có một dự án xây dựng.

Nếu thế khỏi phải đi xa như vậy, cứ đến ngay đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Tuân ở Hà Nội là rõ ngay. Kiểu quản lý của ta là ông cấp phép xây dựng nhà cứ cấp phép, còn chuyện giao thông đi lại, trường học, bệnh viện... là việc của ông khác. Ai làm việc đó, rất đúng nguyên tắc quản lý. Sau đó kẹt xe ư, đã có ông giao thông lo, cháy nổ nguy cơ cao ư, đã có ông chữa cháy lo... Tính đồng bộ, phối hợp trong làm việc của các cơ quan ngay dưới cái mái nhà chung là UBND TP hầu như không có.

Rồi đến trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thủ tướng có hô hào, chỉ đạo CCHC quyết liệt đến đâu mà bên dưới không chuyển thì cũng coi bằng không. Hôm rồi ghé thăm người quen đang chữa bệnh tại bệnh viện (BV) ngành công an tại thủ đô mới thấm thía một cách “đơn sơ” tác động của CCHC.

Người quen tôi kể từ vài năm nay ông khám, chữa bệnh tại BV này vì bản thân là người của ngành. Mỗi lần đến BV lại phải làm thủ tục ban đầu giống hệt nhau với đủ loại giấy tờ.

Cũng trong khoảng thời gian đó, ông phải đến BV 108 rất nhiều lần. Duy nhất lần đầu là thủ tục đòi hỏi các loại giấy tờ có liên quan, còn từ lần thứ 2 trở đi là hết sức đơn giản vì dữ liệu đã được lưu và quản lý trên máy của BV rồi. Kết luận của ông là không thể hiểu vì sao cùng là BV nhưng một bên cải cách, một bên không mà cũng chẳng sao cả.

Nói chuyện CCHC kiểu này chắc còn nói dài dài được. Vào bộ này bộ kia ở Trung ương, vào sở này sở kia ở địa phương chắc còn khối chuyện để bàn. Điều quan trọng là 10 năm tới làm CCHC thực chất hơn, lấy kết quả phục vụ dân, doanh nghiệp, xã hội làm thước đo căn bản, hết sức tránh hình thức, khẩu hiệu hoa mỹ trong triển khai.

Giá như có một vị tư lệnh nhiệt huyết giúp Thủ tướng vác thanh thượng phương bảo kiếm đi khắp muôn nơi, vào đâu cũng được để săm soi, đốc thúc và trảm ngay tại chỗ những chức sắc, những công chức trong bộ máy đang cố tình cản trở công cuộc CCHC. Nếu vậy, chí ít câu chuyện cải cách cũng tươi ngon hơn chút đỉnh.

Kỳ tới: Cải cách hành chính: Nhân sự là cốt lõi

Đinh Duy Hòa

Cải cách bộ máy từ chính sách tăng lương 30% mỗi năm

Cải cách bộ máy từ chính sách tăng lương 30% mỗi năm

Ngay khi lên cầm quyền năm 1961, cố Tổng thống Park đã dành ưu tiên số một và quyết tâm chính trị cao độ cho việc cải cách nhân sự.