Không nhân nhượng, không thay đổi đường lối cứng rắn

Trái với lo ngại của công chúng, cho đến nay ông Joe Biden không có nhân nhượng với Trung Quốc, và không thay đổi đường lối cứng rắn đã được vạch ra từ thời tiền nhiệm, chỉ thay đổi cách thức tiếp cận đối phó. 

Tuyên bố báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/2 khẳng định giá trị của tuyên bố ngày 13/7/2020 về “các yêu sách thái quá và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”, cam kết Mỹ sẽ “phối hợp cùng các đối tác và đồng minh” và sẽ “cam kết sâu hơn về vấn đề này”. 

Tuyên bố báo chí nhắc lại những điểm chính:

Lập trường của Mỹ tương tự như các kết luận của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016 về các yêu sách không có cơ sở pháp lý của Trung Quốc trong những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Philippines.

Mỹ phản đối bất kỳ yêu sách vùng nước bên ngoài lãnh hải 12 hải lý của các đảo yêu sách tại quần đảo Trường Sa.

{keywords}
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Kyodo

Việc Trung Quốc xua đuổi hoạt động thăm dò và đánh cá của các nước trong các vùng biển của các quốc gia yêu sách khác, hoặc đơn phương khai thác các nguồn tài nguyên đó là phi pháp. Các vùng biển này được nêu đích danh trong cả hai tuyên bố như vùng Bãi Cỏ Rong (Philippines), Tư Chính (Việt Nam) hay Luconia (Malaysia). 

Đặc biệt, tuyên bố 19/2 dành chú ý nhiều đến quan ngại của các nước về việc Trung Quốc thông qua luật Hải cảnh (LHC) có hiệu lực từ ngày 1/2/2021. Ngay sau khi có hiệu lực, tàu hải cảnh Trung Quốc đã xuất hiện trong khu vực Senkaku/Điếu ngư gây sức ép với Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, lời văn của LHC thể hiện khả năng sử dụng vũ lực, bao gồm cả sử dụng hải cảnh như một lực lượng vũ trang để bảo vệ các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ và biển tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Luật này cho phép hải cảnh Trung Quốc được quyền nổ súng khi thấy cần thiết trong các vùng nước và vùng trời thuộc quyền tài phán của Trung Quốc mà không định nghĩa rõ thuật ngữ “cần thiết” và các vùng thuộc quyền tài phán của Trung Quốc là gì.

Các nhà bình luận quốc tế đều quan ngại luật này cho phép hải cảnh Trung Quốc nổ súng trong các vùng biển tranh chấp, trong phạm vi yêu sách đường 9 đoạn, thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), thực hiện ý định sử dụng luật quốc gia để giải quyết tranh chấp quốc tế, biến hải cảnh, một lực lượng dân sự - cảnh sát thành lực lượng vũ trang. 

Nổ súng tấn công các tàu nhà nước, các lực lượng chấp pháp biển của các nước khác sẽ được coi là một hành động gây chiến.

Bất kỳ sự thiếu kiềm chế nào giữa các lực lượng trong khu vực có thể dẫn tới chiến tranh, làm mất ổn định và ảnh hưởng tới hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực cũng như của thế giới.

Tuyên bố báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng, việc LHC cho phép hải cảnh Trung Quốc phá hủy các cơ sở kinh tế của các nước khác trên các đảo nằm trong vùng biển tranh chấp được coi là thuộc “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” hàm ý rõ ràng sự đe dọa các nước láng giềng.

Quyết liệt trên thực địa

Điểm mới trong tuyên bố 19/2 là khẳng định rõ ràng: Mỹ sẽ bảo vệ các cam kết đồng minh với Nhật Bản và Philippines khi các nước này bị tấn công.

Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc cần tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Hiến chương LHQ kiềm chế đe dọa hay sử dụng vũ lực và các yêu sách biển phải phù hợp với luật biển, đặc biệt là UNCLOS. Mỹ sẽ không nói chuyện với Trung Quốc trước khi có sự tham vấn và phối hợp với các đối tác và đồng minh về vấn đề này.

{keywords}
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt xuất hiện cùng tàu sân bay USS Nimitz tại Biển Đông ngày 9/2/2021. Ảnh: Hải quân Mỹ

Điều này cho thấy Mỹ nhận thức cần phải có sự liên kết các nước chống lại các xử sự thái quá, vi phạm luật quốc tế của một nước, trên cơ sở tôn trọng luật quốc tế, chủ quyền và lợi ích các nước, chứ không phải chính sách “nước Mỹ trên hết” trước kia.

Trên thực địa, chính quyền Biden cũng có những biện pháp quyết liệt. Một ngày sau khi LHC được thông qua ngày 22/1, Mỹ đã triển khai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill, tàu khu trục USS Russell và USS John Finn tiến vào Biển Đông.

Ngày 5/2, tàu khu trục John S. McCain lần đầu tiên di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau đó, nhóm tàu sân bay thứ hai USS Nimitz tiến vào Biển Đông ngày 9/2 tham gia tập trận. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa cùng lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông hoạt động kể từ tháng 7/2020. 

Sau tập trận, ngày 17/2, tàu USS Russell đã đi ngang quần đảo Trường Sa. Nếu chính quyền Trump cần tới 5 tháng để nối lại các hoạt động FONOP sau khi lên cầm quyền thì phản ứng của Tổng thống Biden chỉ cần vài ngày và với số lượng lớn tàu tham gia, thể hiện sự quyết liệt và mạnh mẽ.

Quốc tế hóa vấn đề Biển Đông

Đáng chú ý, các đồng minh của Mỹ cũng có những hoạt động gửi tàu chiến đến bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông như  Anh gửi tàu HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương đi qua Biển Đông tháng 1/2021. Pháp gửi hai tàu, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân tấn công  SNA Emeraude tới Biển Đông. Đức cũng lên kế hoạch đưa tàu tới Biển Đông trong năm 2021.

Tuyên bố của Mỹ và các nước ngoài khu vực thể hiện sự đoàn kết với các nước nhỏ chống lại thái độ cường quyền, yêu cầu cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp Biển Đông.

Điều này chứng tỏ vấn đề quốc tế hóa Biển Đông ngày càng rõ nét và đạt được những bước tiến lớn. Thế giới ngày càng quan tâm, xem xét kỹ lưỡng hoạt động và thái độ của các bên tranh chấp tại Biển Đông, mong muốn các bên kiềm chế, sớm giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương LHQ và UNCLOS.   

Nguyễn Hồng Thao

Luật hải cảnh Trung Quốc làm tăng nguy cơ đụng độ ở Biển Đông

Luật hải cảnh Trung Quốc làm tăng nguy cơ đụng độ ở Biển Đông

GS Carl Thayer của trường ĐH New South Wales nói: “Trung Quốc chỉ đang hợp thức hóa những việc mà nước này làm và nói rằng ‘luật cho phép việc này’”.