Quảng Ninh tiên phong với việc ban hành văn bản hủy bỏ yêu cầu người vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ. Đồng thời, tỉnh cũng dừng luôn quy định, người từ Quảng Ninh ra tỉnh ngoài, cũng phải thực hiện xét nghiệm, khi trở về phải có kết quả xét nghiệm tương tự như trên.

Hà Nội, Hải Phòng - những pháo đài kiên định lâu nay - cũng bỏ các yêu cầu này, tương tự như Quảng Ninh.

{keywords}
Quảng Ninh bỏ xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Phạm Công

Đó là những động thái ở một số tỉnh trọng điểm phía Bắc, trong khi nhiều tỉnh phía Nam, nơi chịu dịch bùng phát vừa rồi, đã thông thương với nhau trở lại và bỏ yêu cầu xét nghiệm cũng như các thủ tục hành chính.

Bước ngoặt trong chống dịch 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong cuộc tiếp xúc trực tuyến với cử tri Cần Thơ cuối tuần qua: “Tinh thần chung, xuyên suốt là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phải thống nhất từ trung ương tới địa phương, không được cát cứ, không được ban hành những gì trái với trung ương”. 

Kết quả này có được là nhờ vào nghị quyết 128 mang tính lịch sử, tạo bước ngoặt trong chống dịch bệnh theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Bằng cách tạm thời chấm dứt các chỉ thị 15,16,19quyết định 2686 và một vài điểm trong các văn bản liên quan khác, nghị quyết 128 đã đặt cột mốc cho nỗ lực từ bỏ chiến lược Zero Covid.

Khi mang tư duy Zero Covid trong hoàn cảnh dịch bệnh đã thay đổi thì thường tiến hành các biện pháp cực đoan, làm tổn thương kinh tế, sinh kế mà chưa chắc đã chống được dịch bệnh.

Xin trích dẫn tổng kết tình trạng này của Tiểu ban Truyền thông: “Không để lạm dụng việc cách ly, ngăn sông cấm chợ đang tác động rất tiêu cực đến tâm lý, cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tránh tình trạng thực hiện chính sách an toàn thì đẩy trách nhiệm xuống bên dưới hoặc bên dưới “làm cao hơn 1 bậc so với quốc gia” dẫn đến nhiều bất cập khi tự quyết định những biện pháp cực đoan, hà khắc hơn cả chính sách chống dịch chung, mà nguyên nhân chủ yếu là do sợ “chế độ trách nhiệm”.

Cần thống nhất nhận thức để triển khai: Công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, việc cách ly tập trung cũng như cách ly tại nhà và điều trị bệnh nhân Covid-19 theo hướng “phân tải” về quy mô nhỏ nhất là các “pháo đài”, tránh để tình trạng lây chéo do cách ly tập trung đông người. 

Cần đánh giá lại cơ sở khoa học của việc “cách ly 14 ngày” đối với những ca “âm tính” khi vào cách ly, vì với chu kỳ lây nhanh của chủng Delta (3 ngày), nếu sau 3 ngày xét nghiệm lại vẫn âm tính thì không thể tiếp tục cách ly đối với “người lành” như hiện nay, khiến nhiều người bị “cách ly nhầm hơn bỏ sót”, cách ly thời gian quá dài, kéo theo nhiều hệ lụy về an sinh, gây tốn kém, quá tải và nguy cơ bị lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly.

{keywords}
Ô tô đi ngang qua tỉnh Bến Tre bị dán giấy niêm phong. Việc này đã chấm dứt cách đây 1 tuần. Ảnh: E.X

Các địa phương không có dịch, không thể duy trì các biện pháp chống dịch cũ theo tinh thần “tuyệt đối hoá” kết quả chống dịch của địa phương mình, cần chuyển các biện pháp chống dịch phù hợp với tình hình chung của cả nước.

Trong định hướng chung như trên của Tiểu ban Truyền thông, cần nhắc lại phát biểu đầy băn khoăn, trăn trở về biện pháp phòng dịch của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM: “Lúc đó chưa có thuốc điều trị, TP tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm Covid-19 (F0). Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì”.

Ra khỏi đại dịch với ít tổn thương nhất

Tôi rất ấn tượng với phát biểu gần đây của Giám đốc CDC Hoa Kỳ Rochelle Walensky: “Chúng ta đã có rất nhiều thành tựu khoa học. Chúng ta đã có vắc xin. Điều mà chúng ta thực sự không đoán định được, đó chính là hành vi con người. Hành vi của con người trong đại dịch này vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn".

Bà cho rằng, đại dịch đã gây chia rẽ: "Chúng ta đang chiến đấu chống lại nhau chứ không phải chiến đấu với kẻ thù chung là virus".

Bà cho rằng, việc đẩy lùi đại dịch phụ thuộc vào việc chính phủ và người dân phối hợp hành động tới đâu.

Nhận xét trên đây quả là thẳng thắn, không chỉ đúng ở Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác, trong đó có chúng ta.

“Thời kỳ đen tối nhất của dịch đã qua”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định trên báo chí. Song, dịch bệnh chắc chắn chưa thể chấm dứt, virus Sars-Cov-2 sẽ còn tồn tại.

Tôi vẫn nghĩ, người dân cần được phân quyền chống dịch, cần chịu trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và gia đình.

Cho dù Hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế còn nhiều điểm cần bàn, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tạo một nền tảng mới sống “thích nghi, an toàn”; chính quyền các địa phương đang rục rịch thay đổi theo hướng đó. 

Bây giờ là lúc mỗi công dân và cộng đồng phải có trách nhiệm với sức khỏe của cá nhân mình, tránh tình trạng "Chúng ta đang chiến đấu chống lại nhau chứ không phải chiến đấu với kẻ thù chung là virus".

Bằng cách đó, chúng ta sẽ ra khỏi đại dịch với ít tổn thương nhất, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Tư Giang

Vắc xin cho đồng bằng sông Cửu Long

Vắc xin cho đồng bằng sông Cửu Long

Trong hoạn nạn mới cần những lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước người dân phải rời bỏ miền đất hứa về quê.