Cách đây hơn 5 tháng, mặc dù đại dịch đã bắt đầu, đa số người Pháp tuyên bố không chấp nhận “ẩn” đi gương mặt của mình sau cái khẩu trang. Phía sau mảnh giấy, mảnh vải che đi 2/3 gương mặt, ai cũng như ai, nhận nhau không ra, cảm xúc như đóng băng.

Và 5 tháng sau, dù muốn hay không, dịch Covid-19 đã đem khẩu trang vào “văn hoá” đường phố ở đây, vào luật khẩn cấp chống đại dịch. Từ khuyến khích, thành bắt buộc. Khẩu trang đã trở thành hành trang không thể thiếu khi ra ngoài, giống như điện thoại di động, thẻ tàu điện ngầm, thẻ tín dụng…  

{keywords}
Bastille. Ảnh: Võ Trung Dung

Paris tháng 8, trời mùa hè rực nắng, đường phố vắng người, ngoại trừ vài khu du lịch. Và ngoại trừ mấy con virus vẫn tiếp tục lan tràn. Tình hình dịch Covid-19 trở nóng bất chợt từ 10 ngày qua. Số người tử vong vẫn thấp - 19 người, nhưng lượng người mới bị nhiễm virus SARS-Cov-2 của vùng thủ đô nước Pháp lại tăng đột biến gấp 6 lần so với tháng 7, khi Chính phủ gỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn diện. Ở thủ đô, hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Hơn 3.000 ca trên toàn quốc. Làn sóng đại dịch thứ hai không còn là giả thuyết. 

Vở múa vỉa hè

Ông Paul, 72 tuổi, đi cùng vợ là bà Anne, 65 tuổi, cả hai làm nghề sửa chữa đàn violin, tay cầm giỏ đồ đi chợ, chia sẻ: “Theo các chuyên gia dịch tễ, độ tuổi của chúng tôi nằm ở nhóm nguy cơ cao nếu bị nhiễm bệnh. Vì vậy, khi chúng tôi đi ở đây, nơi có khá đông người qua lại, xuôi ngược, chúng tôi cố gắng lách, né để khoảng cách không quá gần. Cẩn thận, có lẽ hơi thái quá, nhưng thôi kệ vậy!”. 

{keywords}
Ngoại trừ thời điểm đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, đây là lần đầu tiên trong lịch sử đương đại nước Pháp, người dân mang khẩu trang ngoài đường. Ảnh: Võ Trung Dung

Trước nhà hát lớn quốc gia “Opera Bastille”, đóng kín cửa vì dịch bệnh, dòng người qua lại, né tránh nhau, đã biến vỉa hè thành sân khấu múa. Một sân khấu đường phố. 

Thay cho những nam nữ diễn viên là hơn 20 cư dân “mắc cạn” mùa hè sải bước nhanh, vài gia đình du khách ngơ ngác, đẫm mồ hôi và dăm ba cặp tình nhân đi chậm, mắt trong mắt nhau. Thay cho trang phục của vở “Hồ thiên nga” của Tchaikovsky là những khẩu trang giấy trắng, xanh, là những khẩu trang vải đen, hồng, thân thiện môi trường, vì tái sử dụng được. 

Bà Anne tiếp lời chồng: “Mỗi lần có ai đi gần quá một mét, lề đường chật, không tránh được, tôi phải nín thở đi qua. Mấy cái khẩu trang này chưa chắc lọc được hết virus. Ở trên đài, họ nói con virus quái quỷ này có thể lan toả cả vài mét xung quanh người mang bệnh. Mệt quá đi. Trời nóng, mang khẩu trang, thở không nổi!". 

‘Họ lùi ra xa trong sợ hãi’

Ngoại trừ thời điểm đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, đây là lần đầu tiên trong lịch sử đương đại nước Pháp, người dân mang khẩu trang ngoài đường, khi vào các cửa hàng, quán và nơi đông người. Trước đây, ở Paris hay những thành phố lớn, không khí ô nhiễm nhiều như thành phố Lyon, Marseille, chỉ có hai thể loại người mang khẩu trang: người đi xe đạp giữa dòng xe hơi và du khách châu Á.

Cô Sofia, 37 tuổi, chủ tiệm kem Ý ở phố đi bộ Daguerre, quận 14, một trong những khu vực vừa có lệnh bắt buộc mang khẩu trang, ngay cả ở ngoài trời, quan sát: "Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mọi người có phản xạ lùi lại, tạo khoảng cách khi tiếp cận. Trong khi, trước đây, dân Pháp có tập quán đụng chạm, mọi người thân mật chào nhau bằng bắt tay, má chạm má. Bây giờ, tôi thấy ai cũng dè dặt. Khách hàng của tôi gọi kem với khẩu trang trên mặt. Khó nghe lắm. Nhiều lúc tôi không hiểu họ nói gì. Phản xạ tự nhiên, tôi tiến tới họ để nghe rõ hơn. Tôi thấy họ lùi ra xa trong sợ hãi!". 

{keywords}
Phố đi bộ Daguerre, quận 14, Paris. Ảnh: Võ Trung Dung

Trên con đường Daguerre đầy cửa hàng thực phẩm truyền thống, cà phê, quán rượu vang, quán ăn, bình thường náo nhiệt người đi dạo, tụ tập ăn uống, mua bán, trao đổi thân thiện, trạng thái "bình thường mới" đã làm biến mất yếu tố văn hoá sống của người Pháp nói chung, và người dân Paris nói riêng. 

Buổi chiều nay, những người đi bộ trên con đường này như đang tự cách ly. Họ đi sát tường để né tránh người đi bên cạnh và trong dòng ngược lại, những tương tác bởi nụ cười, bởi diễn biến trên mặt đều không còn. Chỉ còn vài nhóm trẻ bất chấp, hồn nhiên, ly rượu vang hay chai bia trên tay, cự ly gần, như duy trì bằng mọi giá cuộc sống bình thường tiền Covid-19. 

Anh Charles, phục vụ bàn của quán cà phê "Điểm hẹn hò" - Le Rendez-vous - nhận xét: "Hồi đầu của lệnh đeo khẩu trang nơi công cộng, tôi cứ phải nhắc nhở khách hàng mang khẩu trang khi vào quán. Một phần để bảo đảm an toàn dịch tễ, một phần để tránh bị phạt, bị đóng cửa hành chính. Vì chúng tôi phải chịu trách nhiệm về việc này. Bây giờ hầu như ai cũng tự giác. 

Nhưng phải công nhận là bất tiện, vừa bất tiện cho sự tương tác với khách, vừa bi hài cho việc bán hàng. Nhiều lần, khách gọi chai bia Corona, tôi lại đem chai Coca".

Chuyển đổi văn hoá giao tiếp xã hội

Với khẩu trang, thông tin và các tín hiệu được truyền tải bởi hơn một nửa khuôn mặt sẽ trở nên vô hình. Những biểu hiện này rất quan trọng để thể hiện cảm xúc của con người và tạo điều kiện cho các tương tác xã hội. Đây là những yếu tố thuộc về thứ được gọi là giao tiếp không lời, thể hiện qua cử chỉ, tư thế, khoảng cách giữa những người đối thoại và tất nhiên, những nét mặt này đóng một vai trò quan trọng trong trao đổi cộng đồng, xã hội. 

{keywords}
Ảnh: Võ Trung Dung

Thể hiện cảm xúc của con người là muốn truyền tải thông điệp. Cảm xúc mang đến cho từ ngữ một dạng dấu phẩy, dấu chấm của câu, giúp làm rõ ý và loại bỏ bất kỳ sự mơ hồ nào. Chúng đóng vai trò tương tự trong cuộc trò chuyện, như các biểu tượng cảm xúc được thêm vào tin nhắn để cho biết là đang nói đùa hoặc ngạc nhiên, và do đó tránh hiểu lầm. 

Nhà nghiên cứu tâm lý học, bà Anna Tcherkassof, PGS trường đại học Grenoble, miền Nam nước Pháp, phân tích: "Các vấn đề giao tiếp với khẩu trang làm nảy sinh sự hiểu lầm, tạo nguy cơ hiểu sai. Ví dụ, điều này có thể củng cố cảm giác sợ hãi một ai đó tình cờ đi ngang, hoặc khi gặp người mà chúng ta chưa biết rõ. Sự sợ hãi này có tính chất phân biệt đã xuất hiện cùng với dịch bệnh. Sẽ khó khăn hơn để có thể trấn an bằng cách sử dụng 'mã' nụ cười như một biểu hiện của sự xoa dịu, ngay cả bên ngoài bất kỳ bối cảnh vui vẻ nào. Các nền tảng tương tác đã bị thay đổi, chúng làm phức tạp, và trở nên phức tạp hơn trong quan hệ xã hội". 

Theo nghiên cứu của bà Anna Tcherkassof, trong văn hoá phương Tây, hành động giao tiếp sử dụng các cơ mặt dưới. Điều này không là yếu tố chính ở các nền văn hóa châu Á, nơi ngôn ngữ giao tiếp không lời huy động phần trên của gương mặt: mắt, trán và lông mày. Đeo khẩu trang khi giao tiếp sẽ buộc người Pháp học những ngôn ngữ không lời mới cho "bình thường mới", học những cách thể hiện cảm xúc thông qua cử chỉ của bàn tay, và nhấn mạnh biểu cảm ở phần trên của khuôn mặt. Bằng cách vận động các cơ vành mắt, nheo mắt hoặc mở rộng mắt, hoặc cơ trán, nhướn hoặc cau mày. Và nụ cười cũng có thể được thể hiện bằng đôi mắt. 

Trên con đường này, người đi, virus vẫn đi, nhưng chắc chắn không có ai có thể ngờ rằng, một con virus vô hình có thể tác động, làm thay đổi cả một nền văn hoá.

Võ Trung Dung (từ Paris)

Chuyến bay đặc biệt với hơn nửa hành khách nghi nhiễm Covid-19

Chuyến bay đặc biệt với hơn nửa hành khách nghi nhiễm Covid-19

Chính sách đặt con người ở vị trí cao nhất, đảm bảo an toàn cho mọi công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch đã khiến mọi người dân tin tưởng và thấu hiểu "Tổ quốc không bao giờ bỏ rơi chúng ta".