Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô ngày 19/7/2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký vừa được gửi đến Quốc hội, cho biết: “Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”.

Sẽ chẳng có chuyện gì nếu như báo chí và dư luận không phát hiện ra một sự thật động trời qua những con số thống kê nói trên.

Cái gọi là “thống kê gần đây nhất” của Bộ Tư pháp không phải cách ngày Bộ trưởng Lê Thành Long ký báo cáo dăm bữa nửa tháng, hay cùng lắm là nửa năm. “Gần đây nhất” của Bộ cách đây những 14 năm! Số liệu này đã từng được công bố rộng rãi trên báo chí từ cuối năm 2005, trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực 8 năm.Một báo cáo trình Quốc hội về một vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự phát triển của thủ đô nói riêng và đất nước nói chung; liên quan đến sinh mệnh của hàng triệu người dân; liên quan đến việc đề ra những quyết sách lớn của Chính phủ và Quốc hội, vậy mà Bộ lại sử dụng số liệu thống kê cũ rích, phi thực tế cho việc đánh giá môi trường không khí thành phố Hà Nội hiện nay.

{keywords}
 

Tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm là không thể chối cãi, biện minh.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho hay báo cáo này mới chỉ là dự thảo và chưa qua thẩm định, khi thẩm định xong Bộ sẽ chỉnh lý các số liệu.

Bảo là “dự thảo” nhưng ngay sau đó Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu lại khẳng định, “Vì Quốc hội yêu cầu gửi báo cáo là báo cáo chính thức”? [1]

Ông Hiếu thừa nhận, bộ phận làm báo cáo của Bộ đã chủ quan trong khâu tổng hợp số liệu: “Khi Bộ Tư pháp thực hiện báo cáo gửi Quốc hội, báo cáo của Bộ Tài Nguyên - Môi trường và báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi đến Bộ không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên anh em tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí. Trong đó, một báo số ra năm 2018 đưa nội dung này nhưng bài báo không dẫn nguồn từ năm nào nên anh em hơi chủ quan đưa vào”.

Một báo cáo ra Quốc hội, tức là báo cáo trước nhân dân, có tầm quan trọng như thế sao lại dùng số liệu trôi nổi trên mạng, rồi đổ lỗi do “anh em chủ quan”?

Dư luận bức xúc thêm thêm một lần nữa với bản Thông cáo báo chí ngày 11/10/2019 của Bộ do ông Nguyễn Quốc Hoàn, phó Văn phòng Bộ ký. Bản thông cáo không hề có một chữ nhắc đến vụ việc, không một lời nhận lỗi, nhận trách nhiệm từ lãnh đạo Bộ. Lời lẽ trong thông cáo cho hay, báo cáo trình Quốc hội không có chuyện gian dối về số liệu thống kê môi trường không khí Hà Nội mà chỉ là “chưa được cập nhật”(!?).[2]

Xin hỏi lãnh, sẽ như thế nào nếu báo chí và dư luận không kịp thời lên tiếng, báo cáo của Bộ được Quốc hội thông qua; những số liệu gian dối về môi trường không khí Hà Nội nêu trong báo cáo sẽ trở thành căn cứ để Nhà nước, Quốc hội chỉ đạo, đưa ra những quyết sách?

Đây là minh chứng điển hình về các cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về; là thói quen làm việc quan liêu, xa rời thực tế của lãnh đạo và cán bộ công chức dưới quyền.

Ý thức, trách nhiệm của họ trước công việc, trước Chính phủ, trước Quốc hội, trước nhân dân ở đâu?

Với tinh thần của một Chính phủ minh bạch, kiến tạo và hành động, những người có trách nhiệm ở bộ nên nhìn thẳng vào sự thật, coi đây là sai lầm nghiêm trọng, nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội và nhân dân để sửa sai, để lấy lại niềm tin của dân, để tiền thuế của dân không bị lãng phí.

Nguyễn Duy Xuân

[1]. https://nguyenduyxuan. net/ca-phe-sang/bao-cao-moi- truong-ha-noi-2019-su-dung-so- lieu-2005-nguyen-nhan-do-dau- 7090.html

[2]. https://moj.gov.vn/qt/ thongbao/Lists/ThongBao/ Attachments/1552/TCBC%20cua% 20Bo%20Tu%20phap.pdf