Lời tòa soạn: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam. Mời quý độc giả gửi bài viết về tuanvietnam@vietnamnet.vn

Chiều 27/11/2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua đề án này với những chỉnh lý quan trọng. Cuộc thí điểm này không chỉ đơn thuần là "không tổ chức HĐND phường", mà rộng hơn, đó là "thí điểm tổ chức mô hình chính quyển đô thị" của thành phố Hà Nội.

Trong thảo luận tại Quốc hội, đã có ý kiến cho rằng không chỉ thí điểm tại thành phố Hà Nội mà cần mở rông thêm tới một số thành phố khác như Đà Nẵng, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã kiên trì về đổi mới chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ trước của Quôc hội.

Tuy nhiên, vì cho rằng việc thí điểm này là rất hệ trọng, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nên Quốc hội đã biểu quyết chỉ tiến hành tại Hà Nội.

Sự cân nhắc này là dễ hiểu, bởi 10 năm trước đây, Quốc hội cũng đã từng cho thí điểm không tổ chức HĐND với qui mô toàn diện và rất lớn, tại 473 đơn vị cấp phường, 32 đơn vị cấp quận,  67 đơn vị cấp huyện trên địa bàn 10 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương trong 6 năm (từ tháng 4/2009 đến tháng 6/2015). Cuộc thí điểm này đã không đạt được kết quả mong muốn.Năm nay, mặc dù đã được thông qua tại Quốc hội, nhưng việc thí điểm của Hà Nội vẫn đang đặt ra nhiều thách thức cần vượt qua để không rơi vào kết quả như cuộc thí điểm năm 2009 trên đây.

Thứ nhất, thách thức về tính chất cuộc thí điểm. Đề án của Hà Nội chỉ đề xuất về không tổ chức HĐND phường, còn theo phê chuẩn của Quốc hội lại là thí điểm về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội.

{keywords}
Việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội là thí điểm về một mô hình còn đang để ngỏ của hiến pháp lâu nay và cả Hiến pháp năm 2013 đang có hiệu lực thi hành. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sự chỉnh lý này của Quốc hội đòi hỏi Hà Nội không chỉ không tổ chức HĐND phường mà còn là thí điểm về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) phường, của HĐND và UBND quận, thị xã khi không còn HĐND phường, và của HĐND cùng UBND thành phố khi các đầu mối quận, thị xã không còn như xưa, tức không còn HĐND phường.

Đây là thách thức về bảo đảm tính hệ thống khi một bộ phận trong hệ thống đó được đổi mới. Đã không hiếm bài học thất bại trên thực tiễn về việc bảo đảm này không được coi trọng tại nhiều tỉnh và ngay tại Hà Nội.

Thứ hai, thách thức về tổ chức và hoạt động cùa hệ thống chính trị tại cấp phường. Trong những năm qua, phường là cấp chính quyền cơ sở, có HĐND và UBND cùng hệ thống chính trị hoàn chỉnh về Đảng, Mặt trận tổ quốc và các Đoàn thể chính trị-xã hội. Nay bỏ HĐND phường thì hệ thống chính trị tại cấp phường sẽ được tổ chức và hoạt động ra sao? Đây là vấn đề chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải có sáng tạo trong quá trình thí điểm.

Thứ ba, thách thức về tổ chức lại chính quyền cấp cơ sở. Vì không còn HĐND, chỉ có UBND do cấp quận chỉ định nên phường không còn là cấp chính quyền cơ sở nguyên nghĩa như Hiến pháp qui định: "HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương".

Từ đây, cấp quận sẽ mặc nhiên trở thành chính quyền cấp cơ sở. Vậy HĐND quận  cần được tổ chức lại như thế nào, trong đó: Số lượng đại biểu HĐND quận sẽ tăng thêm bao nhiêu; Có cơ cấu đại biểu theo đơn vị phường không; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được sửa đổi, bổ sung thế nào cho phù hợp với một tổ chức vừa tương đương với HĐND huyện, vừa thay thế tất cả các HĐND phường trong quận.

Dễ thấy nhất là việc tiếp dân. Khi còn HĐND phường thì cùng một ngày, 15-20 phường trong một quận đều có thể tiếp dân. Khi không còn HĐND phường thì quận có thể cùng một ngày tiếp dân trong hàng chục phường như xưa không?

Thứ tư, thách thức về việc hoàn thiện chính quyền cấp thành phố của Hà Nội để phù hợp với hệ thống 3 cấp ở nông thôn và 2 cấp ở đô thị. Sự khấp khểnh này sẽ dẫn đến những khấp khểnh trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của thành phố, trước hết là về qui hoạch-kế hoạch, thu-chi-quyết toán ngân sách nhà nước, thanh tra-kiểm tra-giám sát sự tuân thủ pháp luật trên địa bàn.

Để sửa những khấp khểnh đó, phải sửa đổi, bổ sung hàng loạt văn bản pháp luật hiện hành, trong đó có loại thuộc thẩm quyền của cấp thành phố Hà Nội, nhưng có loại lại thuộc thẩm quyền của Trung ương. Việc sửa đổi bổ sung này đòi hỏi phải có ngay từ thời điểm bắt đầu cuộc thí điểm, chậm một ngày, thí điểm sẽ chậm hàng tháng, hàng quí.

Thứ năm, thách thức về hiệu quả cuộc thí điểm. Hiệu quả dễ thấy nhất trong đề án của Hà Nội là giảm bộ máy, giảm  biên chế, giảm chi thường xuyên của ngân sách nhà nước.

Về việc này, cuộc thí điểm của 10 năm trước đây tại 10 tỉnh và thành phố về không tổ chức HĐND ở một số cấp chính quyền địa phương tuy đã đạt được hiệu quả về bộ máy, biên chế và chi ngân sách, nhưng vẫn bị coi là không đạt được hiệu quả chung của thí điểm, do vậy đã bị dừng lại ngay tại chặng cuối. Đây là bài học rất bổ ích đối với thí điểm của Hà Nội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị sẽ bắt đầu tiến hành vào năm 2021.

Một trong những hiệu quả chung được mong đợi, đó là sự thống nhất, thông suốt, không còn chồng chéo, sơ hở, triệt tiêu lẫn nhau giữa các cơ quan công quyền và trong hệ thống chính trị tại Thủ đô. Toàn diện hơn, đó là hiệu quả tổng thể về một chính quyền của dân, do dân, vì dân tại thủ đô Hà Nội. Rõ ràng rằng đây là thách thức cơ bản trong triển khai cuộc thí điểm đã được phê duyệt này.

Việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội là thí điểm về một mô hình còn đang để ngỏ của hiến pháp lâu nay và cả Hiến pháp năm 2013 đang có hiệu lực thi hành. Việc này chưa được tiến hành bao giờ mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi xướng từ nhiều năm trước đây. Nay Hà Nội đã tự nguyện đề nghị Trung ương cho đi đầu, làm thí điểm trước trong cả nước nhằm tạo lập những căn cứ lý luận và thực tiễn có sức thuyết phục để có thể mở rộng áp dụng cho tất cả các thành phố trực thuộc trung ương nếu thí điểm tại Hà Nội thành công.

Để chắc chắn thành công, cuộc thí điểm của Hà Nội sẽ buộc phải vượt qua nhiều thách thức đang ở phía trước, trong đó cụ thể là những thách thức trên đây. Việc vượt qua các cửa ải này không hề dễ dàng, nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Hà Nội có trên 7-8 triệu dân, trong đó không chỉ có dân phường, dân quận, dân thành phố, mà còn có gần như toàn bộ dân trung ương trên địa bàn.

Nhân tài Hà Nội không hiếm, trí tuệ Hà Nội đang cao, cơ sở hạ tầng Hà Nội đã khá, quyết tâm chính trị Hà Nội luôn quyết liệt, những yếu tố đó đủ để bảo đảm vận hành cuộc thí điểm đến thành công nếu tất cả được hội tụ lại tại Tổng hành dinh cuộc thí điểm.

TS Đinh Đức Sinh