Từ đại dịch đến bệnh đặc hữu
Gần đây liên tiếp xuất hiện các bài báo đáng chú ý liên quan đến quan điểm thay đổi của lãnh đạo thế giới về dịch bệnh Covid-19 trên tờ Nhân Dân và báo điện tử Chính phủ.
Theo đó, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO được tường thuật nói rằng: “Sars-Cov-2 sẽ tồn tại cùng chúng ta và sẽ biến đổi giống như virus gây ra đại dịch cúm”. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định: “Một ngày nào đó đại dịch toàn cầu này sẽ lắng xuống nhưng tôi không mong đợi Covid-19 sẽ biến mất. Nó sẽ ở lại với loài người và trở thành một căn bệnh đặc hữu. Virus này sẽ tiếp tục hiện hữu với người dân toàn cầu trong nhiều năm tới”.
Như vậy, đại dịch có khả năng tồn tại cùng chúng ta khi Sars-Cov-2 tiếp tục đột biến ở các quốc gia chưa được tiêm chủng và hy vọng tiêu diệt hoàn toàn virus này đang giảm dần.
TP.HCM đang chuẩn bị chính sách "thẻ xanh vắc xin" và đẩy nhanh tiêm vắc xin. Ảnh: Thanh Tùng |
Kỳ vọng trước đây về “miễn dịch cộng đồng” nhờ tiêm vắc xin đã bị chối bỏ sau khi chủng Delta với tốc độ lây lan quá mạnh xuất hiện. Trạng thái “bình thường mới” không phải là “miễn dịch cộng đồng”, không phải là “zero-Covid” mà có lẽ là “sống chung với virus”.
Từ nhận thức đó, nhiều quốc gia thay đổi các hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh và lưu thông, và đời sống xã hội theo hướng dần trở lại bình thường trong điều kiện vẫn tồn tại dịch bệnh ở mức độ nhất định.
Đương nhiên, không thể “sống chung với đại dịch” vì đại dịch làm chết nhiều sinh mạng, làm hệ thống y tế quá tải. Vấn đề là các quốc gia đang đưa ra các chính sách để thích nghi với tình trạng dịch bệnh theo hướng kiềm chế được mức độ dịch bệnh, không cho vượt quá năng lực điều trị của hệ thống y tế. Thích nghi để sống chung với virus Sars-Cov-2 để biến đại dịch thành bệnh đặc hữu theo nghĩa đó trên nền tảng phủ vắc xin.
Chuẩn bị chính sách "thẻ xanh vắc xin"
Quan điểm trên của các nhà lãnh đạo trên thế giới rõ ràng đang dần thâm nhập vào Việt Nam với chính sách khá kiên định “truy vết”, “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng” để tiến tới tình trạng “zero-Covid”.
Ở TP.HCM, hơn 110.000 F0 đã được tự cách ly tại nhà bởi một điều đơn giản: Không thể đủ nguồn lực để xây các trung tâm cách ly tập trung, hay bệnh viện để kịp với tiến độ lây nhiễm tới hơn 7.000 người mỗi ngày gần đây, trong đó 80% là không triệu chứng và nhẹ.
Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 7/9 là 6.884.159, trong đó, tổng số mũi 1 là 6.175.513, mũi 2 là 708.646, tương ứng đạt tỷ lệ bao phủ hơn 84% mũi 1 và 6% mũi 2. Dự kiến, TP.HCM sẽ tiêm được hơn 90% mũi 1 và 33% mũi 2 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đến 15/9 - mốc thời gian Chính phủ yêu cầu dịch bệnh được kiểm soát.
Lãnh đạo TP đang chuẩn bị chính sách "thẻ xanh vắc xin" và đẩy nhanh tiêm vắc xin và gấp để mở cửa, duy trì kinh tế. TP đang cân nhắc theo hướng sẽ nới lỏng yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm 1 - 2 mũi.
Sức ép thôi thúc
Theo nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế - Luật, kể từ khi làn sóng dịch lần 4 xảy ra rộng và nghiêm trọng, tuyệt đại đa số trong 288.333 doanh nghiệp với 3,2 triệu lao động tại TP.HCM phải ngừng hoạt động. Chỉ có 717 trong tổng số 1.527 doanh nghiệp ở KCN cao, KCN, KCX duy trì hoạt động ở mức khác nhau với khoảng 65.000 lao động còn đi làm trong tổng số 345.000 lao động.
Đội ngũ shipper đi chợ hộ người dân những ngày giãn cách ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng |
Trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu du lịch, và chỉ số sản xuất công nghiệp giảm rất sâu, lần lượt là -59,4%, -92,3%, và -49,2%. Tương tự như vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 43,6%, doanh nghiệp thành lập mới giảm 17,5% về số lượng và 30,3% về vốn đăng ký.
Trường Đại học Kinh tế - Luật tính toán, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 9, trạng thái “bình thường mới” được thiết lập trong khoảng nửa sau muộn của tháng 10 thì ước tính GRDP 2021 theo giá hiện hành giảm sâu khoảng 13,48% so với năm ngoái. “Các tổn thương kinh tế hết sức nghiêm trọng, nền kinh tế rất dễ rơi vào vòng xoáy suy thoái”, trường này cảnh báo.
TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6h sáng đến 18h hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.
Cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hằng ngày.
Đó là những tín hiệu rất đáng mừng.
Sau gần 3 tháng phong tỏa rất khắc nghiệt, đã đến lúc thảo luận về điều chỉnh từng bước giãn cách xã hội, hay nói chính xác hơn là nới lỏng các biện pháp chống dịch hiện hành ở mức độ nào đó để cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân dễ thở hơn trên nền tảng vắc xin đã được phủ nhiều. Tất cả đều phải học và chuẩn bị kỹ năng chống dịch, tự bảo vệ trong hoàn cảnh mới.
Tư Giang
Chống dịch Covid-19: Không bỏ quên phần chìm
Tôn Tử nói: "Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng"; còn cách nói nôm na theo kiểu bóng đá là "Phải biết đọc trận đấu".