Cả cộng đồng chung tay
Để phòng chống dịch Covid-19 giúp cho bản thân, gia đình và cộng đồng, điều quan trọng nhất đối với mỗi chúng ta là không được sợ hãi và cần tìm hiểu thông tinh đúng về dịch bệnh.
Thiếu hiểu biết mới là điều đáng sợ nhất vì từ thiếu hiểu biết sẽ có hành động phản khoa học và hậu quả là khôn lường, mang lại đại họa cho cả quốc gia, đất nước như Vũ Hán, hay Iran.
Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt, kịp thời, minh bạch về thông tin nên đến hiện nay chưa có ca bệnh nào tử vong do virus này gây ra.
Việc phân loại các F hiện nay cũng khá hợp lý để có phương án thực hiện phòng chống cho phù hợp, hiệu quả. Trong đó nhóm F1 (người đã tiếp xúc gần với F0-người bệnh), F2 (người đã tiếp xúc với F1) người không tiếp xúc với người bệnh là nhóm có nguy cơ thấp theo cấp độ giảm dần cũng đã được cơ quan y tế cho khai báo để nắm và cách ly tại nhà 14 ngày. F1 là nhóm được đưa vào nguy cơ có thể nhiễm nên phải cách ly tập trung và làm xét nghiệm, F2 nguy cơ nhiễm thấp hơn cách ly tại nhà để theo dõi nếu có triệu chứng như người bệnh thì khám bệnh làm xét nghiệm.
Tình yêu thương chứ không phải kỳ thị mới giúp qua nạn dịch |
Trên thực tế, không phải ở đâu, khi nào cũng có đủ cơ sở vật chất để thực hiện cách ly, thậm chí với FI. Việc cách ly tập trung đối với F1 và tại nhà đối với F2 hiện nay nhìn chung là tốt, nhiều nghĩa cử của người dân trong khu phố như gọi điện hỏi thăm, quan tâm giúp đỡ mua hộ thức ăn đồ dùng cho gia đình người đang cách ly, tuyên truyền vận động dân cư phối hợp với ytê địa phương để chung tay cùng chống dịch.
Tuy nhiên, không phải phường nào, địa phương nào cũng làm được như vậy, những vấn đề nẩy sinh phức tạp, từ hiểu biết chưa đầy đủ của một số người dân sống trong khu dân cư có người thuộc diện cách ly, đặc biệt là sự sợ hãi thái quá của cộng đồng, từ đó có những hành xử thiếu văn minh, mất đi nét đẹp văn hóa, tính cộng đồng của người Việt. Hơn thế là làm cho công tác phòng dịch bị cản trở, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng từ việc dân cư kỳ thị với nghững người F1 và gia đình F1, với F2.
Do tắc trách và không đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, hàng loạt danh sách F2 được chia sẻ lên mạng xã hội với thông tin tên tuổi, nơi công tác, nơi ở,… làm cho cuộc sống, tinh thần của F2 bị khủng khoảng và xáo trộn, người dân xung quanh lo sợ, công việc phòng dich bị cản trở.
Sự kỳ thị và sợ hãi của cộng đồng đối với F1 và F2 đang bắt đầu mạnh lên, làm cho người đã tiếp xúc với F1 sẽ không muốn khai báo trung thực vì sẽ bị đưa lên mạng xã hội, sẽ bị cộng đồng tẩy chay, vì thế rất khó để quản lý, theo dõi.
Tình yêu sẽ tỏa nắng
Ở khu dân cư nơi tôi ở hay nơi mà một số đồng nghiệp tôi cư trú, thường nhận được những các hành xử thái quá của cộng đồng. Họ sợ hãi đến mức khi trao quyết định và Bản cam kết cho người cách ly mà thiếu vắng tổ trưởng dân phố và Bí thư chi bộ. Cán bộ y tế phường đến đưa cho bản quyết định và ký bản cam kết rồi đi bặt vô âm tín, không hỏi thăm, không hướng dẫn. Bên ngoài thì dân tình bàn tán xôn xao, sợ hãi.
Con trai tôi là F3 của tôi (F2) khi nghe hàng xóm xì xào, nhìn như nhìn con bệnh, hỏi tôi đầy lo lắng: “Liệu họ có đốt nhà mình không mẹ ơi?”
Con tôi trình bày rất thuyết phục: “Covid-19 chỉ có thể lây khi người bệnh ho, hắt hơi, xì mũi mà giọt bắn dịch vào người đối diện cách 1-2m, bắt tay khi trực tiếp tiếp xúc với người bệnh mà tay người bệnh có chứa virus sau đó lại đưa tay lên mũi và miệng của mình. Mẹ bây giờ chưa phải là con bệnh, mới chỉ là F2, F2 thì phải được F1 của mình cho biết thông tin thường xuyên, nếu F1 dương tính thì F2 sẽ thăng hạng lên F1, lúc này nguy cơ nhiễm bệnh của mẹ được nâng lên một mức, đúng chưa mẹ?” Tôi đáp: “Đúng”.
Con lại hỏi tiếp, mẹ có được F1 của mình cung cấp thông tin thường xuyên không? “Rất thường xuyên con ạ, bác F1 của mẹ rất tuân thủ nguyên tắc và trung thực trong cung cấp thông tin cho F2, hiện giờ bác ấy đang âm tính”, tôi đáp. “Vậy thì mẹ càng không phải lo, chỉ cần chờ 14 ngày cách ly để cho cộng đồng dân cư khỏi sợ hãi thôi mẹ ạ”, con tôi an ủi.
Từ ngày có dịch, bao giờ tôi cũng tuân thủ chỉ dẫn của Bộ Y tế để bảo vệ mình và con và gia đình. Đó là trách nhiệm, là tình yêu thương cho người thân. Tình yêu cho đi sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi nhà, mọi người và cả cộng đồng. Còn sự kỳ thị và sợ hãi sẽ giết chết mọi xúc cảm nhân văn, sẻ chia và tạo ra những tình huống bi hài thật cay đắng.
Câu chuyện bi hài
Đồng nghiệp tôi khi chưa là F2 cuối tuần nào cũng về quê chồng không xa Hà Nội là mấy. Vừa rồi, cô về quê từ tối 6-8 tháng 3. Khi biết cô là F2, y tế địa phương đến phun thuốc khử trùng, còn cả làng cả xã thi nhau chửi: mày có học thế mà lại về quê trốn dịch à?
Đồng nghiệp tôi thanh minh: “Em về quê từ khi ông ấy còn chưa biết dương tính hay không, làm sao em biết được mà người ta quy kết vậy. Mấy ngày nay hết người này đến người khác đồn thổi về em và gia đình chồng em như là con bệnh, mang dịch về cho cả làng, cả xã rồi. Thật là khổ cho bố mẹ chồng em”.
Cô kể, cô là đối tượng F2, không có biểu hiện gì của người bệnh, mà cả khu phố bắt phải đi cách ly bằng được, bắt phải xét nghiệm, khi xét nghiệm âm tính rồi họ mới đồng ý cho cô về cách ly tại nhà. Cô than vãn: “Để cho yên cửa, yên nhà, yên khu phố em phải làm theo yêu cầu của họ chị ạ, không biết khi hết thời hạn cách li rồi họ có nhìn em như con hủi nữa không?”
Cô kể, danh sách F2 có ở khắp nơi: được dán ở khu chung cư, được đăng tải trên Facebook với cả ngày tháng năm sinh, cơ quan làm việc, nơi ở, cả nước đều biết đến. Mọi người thi nhau gọi điện, nhắn tin đau hết cả đầu.
Không chỉ sợ người, đến đồ vật cũng bị ghẻ lạnh, hắt hủi. Bạn tôi kể, xe máy của bạn được yêu cầu mang đi nơi khác, chứ không được gửi đây vì sợ lây virus. Bạn đang cách ly thì làm sao mang xe đi đâu được, mà mang đi đâu?
Đồng nghiệp tôi lo lắng: “Không biết hết cách ly rồi, con mình có được vào lớp học không, có bị bạn bè ghẻ lạnh không?”
Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn về giảm cách ly tập trung’ sau 3 ngày cách ly tập trung đã có xét nghiệm âm tính thì có thể cách ly tại cộng đồng. Đó là một bước tiến.
Ai cũng có thể nhiễm virus corona nếu chúng ta thiếu kiến thức, không tuân thủ biện pháp phòng chống dịch, thiếu trách nhiệm để dịch tràn lan, không kiểm soát được.
Thay vì đưa thông tin làm nhiễu loạn cộng đồng để câu like, thay vì sợ hãi một cách thái quá và thiếu hiểu biết thì hãy tìm hiểu kỹ thông tin, xem lại trách nhiệm của mình để hành xử đúng mực, để lan tỏa yêu thương và trách nhiệm của từng người để chung tay cùng cả nước phòng chống dịch.
Trong đại dịch này ai cũng có rủi ro trở thành F nào đó, lúc đó mới thấu hiểu nỗi đau. Nhưng tôi tin, tình yêu thương, sự sẻ chia của đồng loại chứ không phải sự ghẻ lạnh, kỳ thị mới giúp cho tất cả chúng ta, cho cộng đồng vượt qua nạn dịch này.
Hải Nam