Ngày 18/9, Trung Quốc đã gửi công hàm CML/63/2020 đáp trả công hàm chung Pháp - Anh - Đức gửi Tổng thư ký LHQ trước đó 2 ngày thể hiện quan điểm của mình đối với 7 công hàm Phái đoàn Trung Quốc đề nghị lưu hành tại LHQ liên quan đến hồ sơ mở rộng thềm lục địa của Malaysia trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ (CLCS) ngày 12/12/2009.

Đi ngược lại luật quốc tế

Trong công hàm chung, 3 nước nhấn mạnh tính chất toàn cầu và nhất quán của UNCLOS trong việc thiết lập một khung pháp lý xác định các vùng biển và thực thi các hoạt động biển trên toàn thế giới. Công hàm nhấn mạnh sự toàn vẹn thống nhất của Công ước trên phạm vi toàn cầu. 

Ngược lại, Trung Quốc cho rằng UNCLOS không phải là tất cả. Ngoài UNCLOS còn có luật quốc tế chung. Khoản 8 Lời nói đầu của UNCLOS ghi nhận “các vấn đề không quy định trong Công ước sẽ tiếp tục được điều chỉnh bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung”. Luận điểm này đã được Trung Quốc phát triển sau Phán quyết Biển Đông 2016 và được Thứ trưởng Ngoại giao La Chiến Huy phát biểu chính thức tại hội thảo quốc tế về “Biển Nam Trung Hoa từ viễn cảnh hợp tác” tổ chức ở đảo Hải Nam ngày 2/9. 

{keywords}
Tàu chiến HMS Argyll của Hải quân Anh tham gia diễn tập với Hải quân Mỹ ở Biển Đông hồi tháng 1/2019. Ảnh: US Navy

Công hàm ngày 18/9 của Phái đoàn Trung Quốc chính thức đưa lập luận này vào tranh chấp Biển Đông trên diễn đàn LHQ. Công hàm này nêu đàm phán hiện tại về văn kiện pháp lý bảo tồn và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học biển trong các vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) mà Trung Quốc tích cực tham gia như một ví dụ về sự phát triển và hoàn thiện của UNCLOS. 

Thực tế, UNCLOS là một hiến chương về biển, bao gồm các quy định chung cho tất cả các vùng biển và các lĩnh vực hoạt động biển. Lời nới đầu của Công ước về các đàn cá di cư xa năm 1995 và văn bản đàm phán BBNJ từ năm 2018 đều nêu rõ các tài liệu này được lập trên cơ sở của UNCLOS, trong khuôn khổ do UNCLOS quy định, phù hợp với UNCLOS và không làm phương hại đến các quyền, thẩm quyền và các nghĩa vụ của các quốc gia theo UNCLOS. 

Vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia được xác định trên cơ sở phân định rõ các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển phù hợp với các quy định của UNCLOS. Các vấn đề đường cơ sở và quy chế của các đảo, thực thể nổi là những vấn đề đã có quy định của UNCLOS sau 9 năm đàm phán. UNCLOS là một giải pháp cả gói, đòi hỏi sự nhất quán trong giải thích và áp dụng và không chấp nhận ngoại lệ riêng. 

Công hàm phái đoàn Trung Quốc khẳng định Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ và các quyền về biển được xác lập trong quá trình lịch sử  lâu dài và có sự nhất quán của các chính quyền kế tiếp, phù hợp với luật quốc tế bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS.  

Tuy nhiên, Sách trắng Trung Quốc năm 1980 lại viết ngư dân Trung Quốc là những người phát hiện, đặt tên và quản lý sớm nhất các quần đảo ở Biển Đông. Điều này đi ngược lại luật quốc tế khi quy định chỉ những hành động chiếm hữu thực sự, liên tục và hòa bình của chính quyền mới mang lại danh nghĩa chủ quyền. 

Quan điểm của Pháp - Anh - Đức 

Trong lịch sử các chính quyền Trung Quốc đều nhận điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Tới năm 1909, Trung Quốc mới tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và 1935 cái tên Nam Sa còn đang đặt cho quần đảo chìm dưới nước Trung Sa. Việc sử dụng vũ lực tại Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988 không phải là biện pháp tạo lập danh nghĩa chủ quyền được Hiến chương LHQ xác nhận.   

{keywords}
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh được cho là sẽ đến thăm Biển Đông vào năm tới. Ảnh: Reuters

Công hàm ngày 18/9 cho rằng Trung Quốc đánh giá cao tầm quan trọng của các điều khoản của Công ước và các điều kiện áp dụng cho việc vẽ đường cơ sở lãnh hải. Đồng thời Trung Quốc cũng cho rằng thực tiễn được xác lập lâu dài trong luật quốc tế liên quan đến các quần đảo xa bờ của quốc gia ven biển cần được tôn trọng. 

Điều này có nghĩa là Trung Quốc cho rằng đã có một tập quán quốc tế sử dụng đường cơ sở thẳng quần đảo cho các đảo xa bờ này và quốc gia ven biển vừa có thể áp dụng đường cơ sở thẳng theo điều 7 phần II vừa áp dụng đường cơ sở quần đảo theo điều 47 phần IV của UNCLOS để có lợi tối đa. 

Công hàm Pháp - Anh - Đức lại có quan điểm ngược lại. Phần II của Công ước áp dụng cho các quần đảo và thực thể biển thuộc một quốc gia ven bờ. Phần IV chỉ có thể áp dụng cho quốc gia quần đảo. Không có cơ sở pháp lý nào để không tôn trọng các quy định liên quan của Phần II hay cố tình áp dụng Phần IV cho các quần đảo và thực thể biển của quốc gia ven biển. 

Lập luận của Trung Quốc dựa trên nghiên cứu 2018 của Hội luật quốc tế Trung Quốc nhằm bác bỏ phán quyết Biển Đông. Nghiên cứu này đã viện dẫn 19 quần đảo xa bờ được áp dụng đường cơ sở thẳng. Trong số này, Pháp, Anh, Australia đều được nêu (Pháp với các quần đảo Kerguelen Islands; Guadeloupe và New Caledonia; Australia với Houtman Abrolhos Islands và  Furneaux Group; Anh với Turks, Caicos Islands và quần đảo tranh chấp Falkland Islands). 

Nhưng chính các nước này lại phản đối việc Trung Quốc áp dụng cách vẽ đường cơ sở thẳng quần đảo cho quần đảo Hoàng Sa và dự tính áp dụng tiếp cho Nam Hải chư đảo. Công hàm của các nước này là bằng chứng cho thấy không có một tập quán quốc tế về việc áp dụng các đường cơ sở thẳng quần đảo cho các quần đảo xa bờ  của quốc gia ven biển như Trung Quốc đưa ra. 

Cuộc chiến pháp lý chưa đến hồi kết 

Công hàm của Trung Quốc không trả lời điểm 4 và 5 công hàm Pháp - Anh - Đức về quy chế các đảo và yêu sách quyền lịch sử. Công hàm 3 nước khẳng định các hoạt động cải tạo đất hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nhân tạo nào đều không thể thay đổi được các đặc tính của một thực thể biểntheo UNCLOS. Công hàm phái đoàn Trung Quốc chỉ nhắc lại chủ quyền lãnh thổ và các quyền về biển của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không bị phương hại dưới bất kỳ hoàn cảnh nào do phán quyết bất hợp pháp về Biển Đông. 

Điểm 4 công hàm Trung Quốc thông báo Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua tham vấn hữu nghị với các nước có liên quan trực tiếp. Trung Quốc và ASEAN cam kết thực hiện toàn bộ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC. 

Thế nhưng thực tế cho thấy, DOC đã không phát huy được tác dụng kiềm chế không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không ngăn được các hoạt động mở rộng chiếm đóng và cải tạo đất. Sự thất bại của DOC buộc các nước phải tìm đến một COC mới nhưng đàm phán vẫn diễn ra rất khó khăn trong khi các tàu cá của Việt Nam, Philippines luôn gặp nạn, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển các nước ven biển vẫn luôn bị đe dọa. 

Cuộc chiến công hàm khởi đầu từ Malaysia tháng 12/2019, đến nay đã có 23 công hàm và công thư (Trung Quốc - 8, Philippines - 2, Malaysia - 3, Việt Nam - 3; Indonesia - 2, Mỹ - 1, Australia - 1, Pháp - Anh - Đức - 3). 

Brunei và một số nước khác cũng ra tuyên bố thể hiện lập trường. Hầu hết các nước đều ủng hộ các kết luận của phán quyết Biển Đông bác bỏ yêu sách quyền lịch sử, không cho các thực thể nổi ở Trường Sa có vùng biển rộng hơn 12 hải lý và không được áp dụng đường cơ sở quần đảo cho quần đảo Trường Sa như một đơn vị thống nhất. 

Ngày càng nhiều nước có một lập trường chung, các kết luận này có thể tạo ra hiệu ứng erga omnes (áp dụng cho tất cả). Trung Quốc vẫn đang tìm mọi lập luận mới để bác bỏ các kết luận của Tòa cũng như có cách diễn giải mới về các điều khoản của UNCLOS. Cuộc chiến pháp lý tại Biển Đông vẫn chưa đến hồi kết.  

Nguyễn Hồng Thao

Công hàm chung Pháp, Anh, Đức và cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông

Công hàm chung Pháp, Anh, Đức và cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông

Pháp, Anh và Đức gửi công hàm chung thể hiện quan điểm với 7 công hàm phái đoàn Trung Quốc đề nghị lưu hành tại Liên hợp quốc.