Mới đây, Bộ Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước cho sĩ quan thứ hai của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở LHQ và tổng kết nhiệm kỳ công tác của 9 sĩ quan tại các phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB) ở Nam Sudan và CH Trung Phi.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có những đánh giá về lực lượng.  

Sĩ quan Việt Nam rất khác biệt

Thưa Thượng tướng, ông đánh giá như nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ tại thực địa của 9 sĩ quan tại 2 phái bộ GGHB LHQ?

Chúng ta nhiều lần đón các đồng chí trong đội hình GGHB LHQ ở châu Phi về nước. Mỗi lần như thế, chúng ta lại ghi nhận thêm những thành công, đóng góp của các sĩ quan Việt Nam. Tuy nhiên, lần này rất đặc biệt khi đại dịch Covid xảy ra trên toàn cầu. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể cả với các hoạt động trong nước và hoạt động GGHB LHQ. 

Tôi rất phấn khởi trước kết quả công tác của 9 đồng chí. Kết quả đó thể hiện rằng, lực lượng của ta tham gia GGHB đã hoàn thành nhiệm vụ kép mà Đảng, Nhà nước đặt ra.

9 đồng chí đã trở về sau một nhiệm kỳ rất dài, có người đến 10 tháng, 8 - 9 lần phải hoãn và điều chỉnh lịch về nước nhưng đều khỏe mạnh, phấn khởi, tự tin. Các đồng chí vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của LGQ cũng như nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng giao phó.  

{keywords}
Chung tay cùng người dân châu Phi chống dịch Covid-19

Quân nhân Việt Nam một lần nữa nêu gương sáng Bộ đội Cụ Hồ, vừa khắc phục khó khăn của mình, vừa giúp các lực lượng khác tại phái bộ, lại có những hành động rất tự giác, nhân văn.

Điển hình như Trung tá Nguyễn Thị Liên, nữ sĩ quan Việt Nam được LHQ tặng bằng khen vì thành tích đặc biệt, truyền cảm hứng cho cộng đồng về phòng, chống dịch Covid-19.

Trải qua nhiệm kỳ rất dài mà không biết được chính xác ngày về, cán bộ, chiến sĩ GGHB Việt Nam vẫn giữ tư tưởng vững vàng, hoàn thành nhiệm vụ một cách rất bình thản, giản dị nhưng rất hiệu quả. Nhiều bạn bè quốc tế đều nói sĩ quan Việt Nam rất khác biệt.

Cơ quan tham mưu cao nhất của LHQ có sĩ quan Việt Nam

Chúng ta tiếp tục tự hào khi Trung tá Trần Đức Hưởng trở thành sĩ quan thứ hai của Việt Nam trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở LHQ. Thượng tướng muốn nhắn gửi gì tới các quân nhân tham gia hoạt động GGHB?

Chủ trương đưa các cán bộ của chúng ta vào làm việc tại các cơ quan của LHQ đã có từ lâu, nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Quốc phòng từ nhiều năm, nhưng thực hiện được hay không tôi cho rằng do chính các đồng chí đó.

{keywords}
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định của Chủ tịch nước cho Trung tá Trần Đức Hưởng. Ảnh: TTXVN

Các đồng chí phải có trình độ, năng lực ở tầm quốc tế mới vượt qua được một kỳ thi rất nhiều nước tham gia, mỗi vị trí đến 150 - 200 ứng viên. Cơ quan tham mưu cao nhất của LHQ đã xuất hiện hình ảnh bộ quân phục của quân đội Việt Nam, có sự góp mặt của sĩ quan Việt Nam.

Chúng ta luôn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh môi trường quốc tế. Có sĩ quan vào làm việc tại cơ quan của LHQ điều rất tốt cho GGHB nói riêng cũng như các hoạt động hội nhập quốc tế của đất nước và quân đội nói chung.

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tham gia lực lượng GGHB LHQ. Điều này cho thấy cam kết gì của Việt Nam với cộng đồng quốc tế?

Trước hết, đây là nguồn động viên cho cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị tham gia hoạt động GGHB. Thứ hai, nó thể hiện cam kết rất mạnh mẽ của đất nước về tính lâu dài, bền vững trong hoạt động GGHB, mở rộng ra là tính lâu dài, bền vững của việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chúng ta đã nói là làm, và làm với một sự tính toán lâu dài, đưa vào luật.

Tôi được biết, Quốc hội đã thông qua nghị quyết này với tỷ lệ 100% phiếu thuận. Nhiều bạn bè quốc tế đặt câu hỏi tại sao ta lại đạt được sự thống nhất cao khi bỏ phiếu về một hoạt động nhạy cảm, khó khăn. Tôi cho rằng nguyên nhân là do chúng ta nhận thức được lợi ích của hoạt động này đối với đất nước.

{keywords}
 Quân nhân gìn giữ hoà bình đưa hình ảnh của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Ảnh: Cổng TTĐT Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

Đồng chí Trần Đức Hưởng lên đường sẽ là lần xuất quân đầu tiên sau khi Quốc hội có nghị quyết. Các đồng chí như đồng chí Hưởng sẽ lên đường với tư cách một sĩ quan thực hiện mệnh lệnh của quân đội Việt Nam, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng đồng thời là thực hiện luật pháp Việt Nam trong môi trường quốc tế. Đây là điều tạo vị thế, tâm thế rất vững vàng cho sĩ quan ta khi thực hiện nhiệm vụ.

Bạn bè quốc tế hỗ trợ

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở châu Phi, Thượng tướng có thể chia sẻ lý do chúng ta vẫn tiếp tục cử bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (2.3) lên đường?

Bệnh viện dã chiến 2.2 đã trải qua khoảng thời gian đặc biệt với nhiệm kỳ cực kỳ gian khổ. Đội hình vài chục người, có số lượng trang bị lớn nên việc cách ly, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến nhân sự để thực hiện nhiệm vụ. Mỗi người phải làm gấp đôi, gấp ba trách nhiệm của mình.

Đến nay, các quân nhân của bệnh viện dã chiến 2.2 chậm về nước 4 tháng so với thời hạn nhiệm kỳ, nhưng không đồng chí nào từ chối nhiệm vụ hoặc tỏ ra dao động. Bộ Quốc phòng đã rất cân nhắc về thời điểm đưa bệnh viện số 2 về nước, triển khai bệnh viện số 3.  

Thời gian dài, cường độ công việc lớn, bản thân sức khỏe của các đồng chí cũng có mức độ. Nhưng quan trọng hơn là vật tư y tế, vật tư đảm bảo... có thể nói là không còn.

Vừa qua thế giới gần như ngừng trệ về vận tải hàng không, chúng ta chỉ có thể chuyển sang một số thuốc hạn chế qua hành lý của những sĩ quan sang trả phép. Nhưng vật tư y tế cho một bệnh viện phức tạp và yêu cầu rất nhiều. Vì vậy, chúng ta hạ quyết tâm chuẩn bị cho bệnh viện dã chiến 2.3 lên đường.

{keywords}
Thành viên bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ

Cho đến giờ này, không một đồng chí nào của bệnh viện số 3 lưỡng lự hoặc từ chối nhiệm vụ. Tất cả đều sẵn sàng lên đường.

Bên cạnh đó, chúng ta hết sức ghi nhận sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Trong tình hình hiện nay, Australia vẫn đồng ý bố trí cho ta 2 chuyến bay C17 để sang Nam Sudan đưa và đón quân. Việc này gặp khó khăn hơn rất nhiều bởi bối cảnh dịch bệnh do chi phí và thủ tục phức tạp hơn. Tôi được biết, Australia đã phải đưa vấn đề này ra Quốc hội để được thông qua.

Đến thời điểm này, chia sẻ về lực lượng GGHB, Thượng tướng kỳ vọng gì ở họ?

Trong tương lai tôi mong muốn hoạt động và lực lượng GGHB của Việt Nam tại LHQ sẽ trở nên chuyên nghiệp. Hoạt động này sẽ là một nội dung, một mặt công tác thường xuyên của quân đội, mang tính chất, mục tiêu rõ ràng là để bảo vệ hòa bình cho đất nước bằng việc tham gia GGHB thế giới.

Tôi tin và tôi mong rằng tính chuyên nghiệp của chúng ta sẽ ngày càng cao hơn, ngày càng đi vào đời sống bình thường của xã hội, của quân đội để mỗi đồng chí lên đường chúng ta không làm lễ xuất quân. Mọi người sẽ đi như những cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác ở biên giới, hải đảo.... 

Tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp tục gửi lực lượng GGHB sang một số địa bàn khác để màu cờ Việt Nam phủ rộng hơn trên bản đồ gìn giữ hòa bình thế giới.

Thái An

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về chiến lược quốc phòng trong tình hình mới

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về chiến lược quốc phòng trong tình hình mới

Nhờ vị thế, nỗ lực của đất nước mà các nước lớn cùng chấp thuận, không đứng ngoài sân chơi - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao đổi với Tuần Việt Nam.