- Tôi đi giữa dòng người và nhận thấy, đó là những dòng năng lượng khổng lồ, trẻ trung, tươi mới – dòng năng lượng tích cực khác xa so với chính nó trên các tuyến phố đông nghẹt, tắc nghẽn hàng ngày.

Sáng Chủ Nhật vừa rồi, chỉ một tối sau khi đôi tuyển đoạt cup vô địch ở sân Mỹ Đình, tôi có cơ hội giáp mặt thầy Park Hang Seo khi ông là khách mời đặc biệt tại lễ công bố điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai và kỷ niệm 15 năm Thaco Trường Hải tại Quảng Nam.

Thật khó mà mô tả cảnh người hâm mộ vây kín quanh ông trước và sau buổi lễ. Mọi người xin chụp ảnh, bắt tay, nói lời chúc mừng, thậm chí cố để được chạm vào người ông!

Những thành tích bóng đá Việt Nam đã đưa thầy Park lên đỉnh vinh quang mà chưa một huấn luyện viên nước ngoài nào trước ông có được. Bên cạnh đó, ông còn được báo chí Hàn Quốc bầu chọn là 'Nhân vật của năm' ở xứ Kim Chi.

Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hết lời ca ngợi ông: “Chiến thắng đó thể hiện một tinh thần quả cảm, tạo cảm xúc lớn lao cho toàn thể người hâm mộ Việt Nam, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của cả dân tộc”.

Trước trận chung kết, Thủ tướng còn viết thư động viên đội tuyển: “Dưới cờ oai nghiêm sao vàng bay, hãy bình tĩnh, tự tin, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc Việt Nam thân yêu”.

Tôi chú ý đến một chi tiết nhỏ trong buổi lễ ở Chu Lai: khi thấy ông Park ngồi cách mình một chiếc ghế trống, Thủ tướng đã chủ động đứng lên chuyển sang ngồi cạnh ông.

Đó chỉ là những câu chuyện nhỏ. Ở mọi thành phố, từ Hà Nội đến TP.HCM hay bất kỳ địa phương nào, người dân thuộc mọi lứa tuổi đổ ra tràn ngập đường phố với dòng người ken đặc, tay trong tay, cờ đỏ sao vàng rợp trời, tiếng hò reo dậy đất, những khuôn mặt rạng rỡ.

Tôi đi giữa dòng người và nhận thấy, đó là những dòng năng lượng khổng lồ, trẻ trung, tươi mới – dòng năng lượng tích cực khác xa so với chính nó trên các tuyến phố đông đúc, tắc nghẽn hàng ngày.

Phải cám ơn thầy Park, cám ơn đội tuyển lần nữa!

{keywords}

Nhìn những dòng người tràn ngập trên phố, chúng ta cần đặt ra câu hỏi, làm sao để kích thích, giải phóng khối năng lượng khổng lồ đó cho phát triển?

Mấy hôm nay, đọc một số bài bình luận về tinh thần dân tộc nhân sự kiện đội tuyển bóng đá nước nhà nâng cao cúp vô địch AFF, tôi không thể không đồng cảm.

Việt Nam là một đất nước trẻ trung với hơn 24 triệu người, tức hơn một phần tư dân số, đang độ tuổi đi học. Chúng ta cũng đang thuộc giai đoạn dân số vàng mà nhiều nước đã đi qua. Con số đó khô khan nhưng cực kỳ ấn tượng, đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức.

Nhìn những dòng người tràn ngập trên phố, chúng ta cần đặt ra câu hỏi, làm sao để kích thích, giải phóng khối năng lượng khổng lồ đó cho phát triển?

Từ nhiều năm nay, người Việt Nam vẫn được cho là thông minh, khéo tay, ham học hỏi. Chẳng hạn, Việt Nam luôn có tên danh sách các quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục trong Bảng xếp hạng PISA do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện trong nhiều năm gần đây.

Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. Nhiều tổ chức tính toán, dân số Việt Nam đạt cơ cấu vàng trong 30 năm (2009-2039), trong đó tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt ở mức cao nhất khoảng 65% tổng dân số trong giai đoạn 2015-2025. Cơ cấu “vàng” sẽ kết thúc từ năm 2040.

Đây rõ ràng là cơ hội vô cùng lớn cho phát triển mà có quốc gia trên thế giới đã tận dụng được và cũng có nhiều quốc gia khác đã bỏ lỡ một cách đáng tiếc.

Về thành tựu kinh tế, Việt Nam cũng đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc sau Đổi mới và mở cửa hơn 30 năm trước. Ngân hàng Thế giới ghi nhận, hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế. Con số này là rất khó hình dung nếu so với tỷ lệ 59% dân số sống đói nghèo những năm đầu thập kỷ 90.

Một điểm đáng chú ý là có tới 13% người Việt Nam đã tiến lên tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tầng lớp này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Tất cả những những nền tảng nêu trên, và còn nhiều hơn nữa, cho thấy, xu thế phát triển vẫn đang trên đà hứa hẹn; không gian, nguồn nhân lực và đòi hỏi cho tăng trưởng là rất lớn.

Những con số đó thậm chí gây ngạc nhiên cho nhiều người bên ngoài.

Trong cuộc phỏng vấn với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione hôm qua, ông cũng nói một cách đầy cảm xúc về tình trạng này. “Trong ký ức hồi nhỏ của tôi, Việt Nam là quốc gia nghèo đói có nạn thuyền nhân nhưng 5 năm trước, trước khi đến Việt Nam, tôi mới biết Việt Nam phát triển lớn mạnh như vậy. Việt Nam đang thay đổi tích cực, đó là điều cần phải khẳng định”.

Nhưng ông cũng đặt ra hàng loạt các câu hỏi và tự trả lời luôn: “Vấn đề là Việt Nam có phát triển nữa không? Có! Việt Nam có cần cải cách nữa không? Có! Việt Nam có cần đi nhanh hơn không? Có!”. “Việt Nam tiến nhưng các quốc gia khác trong khu vực còn tiến nhanh hơn”, ông bổ sung thêm.

Tôi tin, ý kiến của ông Oussmane sẽ được đại đa số người Việt Nam đồng tình.

Tôi không phải phóng viên thể thao, nhưng trong một bài viết cách đây 15 năm về chuyện các doanh nhân, đặc biệt  là ông bầu Đoàn Nguyên Đức, bắt tay vào làm bóng đá, tôi từng đoán là bóng đá Việt Nam sẽ thu nhiều kết quả. Lý do đơn giản là trước đó với một số đội bóng của nhà nước như Thể Công, Công an Hà Nội, Công an TP.HCM,… mà bóng đá mãi không thể tiến lên chuyên nghiệp, với đầy rẫy tiêu cực, nay có tư nhân làm bóng đá sẽ thúc đẩy cạnh tranh, rộng mở cơ hội phát triển. Thực tế mấy chục năm qua, ở lĩnh vực kinh tế, nơi nào nhà nước rút đi, “nhường” người dân và tư doanh tự chủ, thì chỗ đấy, hầu như kinh doanh thành công.

Từ thành công trong bóng đá, trong cái nhìn của mỗi người, một nguồn năng lượng tràn trề, tích cực, tươi mới của đất nước phát lộ.

Nhưng vẫn cần trả lời câu hỏi: Làm sao để giải phóng nguồn năng lượng đó cho phát triển? 

Tư Giang

Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?

Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?

Để có thể đạt được điều mong ước, khát vọng và quyết tâm làm cho bằng được là điều tiên quyết Việt Nam cần phải có.

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?

Vì sao Việt Nam tụt hậu?

Vì sao Việt Nam tụt hậu?

Câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không những không đạt được mục tiêu đề ra trong hai chính sách lớn tôi nêu ở đây, mà ngược lại?