Yêu cầu tất yếu của thời đại
Mạng 2G được thương mại hóa lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991 bởi nhà mạng Radiolinja và nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới, tạo nên một cuộc cách mạng về công nghệ viễn thông. Tuy nhiên, theo dòng chảy của công nghệ, các mạng viễn thông mới hiện đại hơn, mạnh mẽ hơn lần lượt được ra đời và phát triển.
Năm 2001, mạng 3G bắt đầu hoạt động, năm 2009 là sự tiếp nối của mạng 4G, đến năm 2018, mạng 5G lần đầu tiên được trình làng, cho thấy sự nhảy vọt cả về tốc độ lẫn dung lượng cho người dùng. Hiện nay, nhiều nước cũng đang rục rịch phát triển mạng 6G khi mà nhu cầu của công nghệ thực tế ảo AR/VR, IoT, chuỗi khối,… ngày càng nhiều và đa dạng.
Sự phát triển của các thế hệ mạng mới mạnh mẽ hơn, mang lại ứng dụng và trải nghiệm khách hàng tốt hơn cũng đồng thời chứng kiến sự lỗi thời của các mạng công nghệ cũ như 2G, 3G.
Năm 2010, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên đặt dấu chấm hết cho mạng 2G. Tiếp đó, nhà mạng KT Corp của Hàn Quốc cũng đã sớm tắt sóng 2G vào năm 2011 trong khi một nhà mạng khác là SK Telecom mới chỉ tắt sóng 2G vào tháng 7 năm ngoái. Tại Đài Loan (Trung Quốc), mạng 2G cũng đã chấm dứt hoạt động vào tháng 7/2017….
Tại Mỹ, nhiều nhà mạng cũng đã, đang lên kế hoạch tắt sóng 2G. Nhà mạng AT&T đã ngừng dịch vụ trên mạng 2G vào năm 2017, trong khi Verizon đóng cửa mạng 2G vào khoảng năm 2020. T-Mobile thì cho biết sẽ tắt mạng 2G GSM vào ngày 2/4/2024…. Thậm chí, một số cơ quan quản lý nước này cũng đang bắt đầu xem xét phổ tần và tiêu chuẩn cho mạng 6G.
Tại Trung Quốc, ba nhà mạng lớn nhất là China Mobile, China Telecom và China Unicom cũng đang trong quá trình tắt sóng mạng 2G và 3G và chuyển đổi khách hàng sang mạng 4G hoặc 5G.
Lý do phổ biến dẫn đến quyết định dừng hoạt động 2G tại các quốc gia cũng như với các nhà mạng lớn trên thế giới hầu hết đều xuất phát từ việc công nghệ của các thế hệ mạng cũ đã không còn phù hợp với xu thế, xu hướng công nghệ. Mặt khác do đặc thù công nghệ cũ vì vậy các thế hệ mạng cũ không đáp ứng với nhu cầu về ứng dụng ngày càng cao từ phía khách hàng.
Câu chuyện về sự thay đổi đó không loại trừ tại Việt Nam…
Tiềm năng về sự phát triển mang tính đột phá
Tại Việt Nam, mạng 2G đã được áp dụng từ năm 1993, là một trong những quốc gia “đi tắt đón đầu” trong việc ứng dụng công nghệ mới giữa thời điểm mạng analog vẫn còn phổ biến. Sự thích ứng và liên tục cập nhật các công nghệ mới đã biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển sôi động và mạnh mẽ. Đặc biệt, từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G thành công với một số ít nhà mạng, bao gồm VinaPhone.
Đến thời điểm hiện tại, mạng 5G đã được thí điểm ở 55 tỉnh, thành phố. Mạng 5G của VinaPhone cũng đã được phủ ở hầu hết các tỉnh thành và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng.
Năm 2024 được đánh giá sẽ là năm Việt Nam thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp. Thực tế, mạng 5G đã đem đến những trải nghiệm khác biệt chưa từng có đối với người tiêu dùng Việt.
Cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng các đô thị thông minh và sự hội nhập của các công nghệ như AR/VR, IoT, Blockchain… yêu cầu chất lượng dịch vụ mạng di động tại Việt Nam ngày càng cao. Thậm chí, năng lực cung cấp dịch vụ ở mạng 3G, 4G đối với một vài ứng dụng do hạn chế về công nghệ nên vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng kịp nhu cầu. Cùng với đó là sự ngày càng hạn chế của các thiết bị công nghệ sử dụng mạng 2G, việc thay đổi đã, đang trở thành tất yếu. Khi các thiết bị 2G cũ không còn đáp ứng được sự an toàn cũng như nhu cầu, việc chuyển đổi lên 4G, 5G sẽ đem lại quyền lợi lớn cho người dân và khách hàng.
Đứng trước bối cảnh mới, bài toán về việc tắt sóng 2G để tối ưu việc quy hoạch tần số và tối ưu hạ tầng mạng lưới và tối ưu chi phí cũng được đặt ra, đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, đưa người dân bước lên môi trường số.
Theo lộ trình, đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên cả nước, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Điều này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 15 triệu người đang dùng điện thoại “cục gạch” sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh… Tuy nhiên, để không người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng cùng các nhà mạng cũng đã đều chuẩn bị các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng.
Là nhà mạng đầu tiên triển khai mạng di động 2G trong nước, quá trình gắn bó với sóng 2G hàng chục năm qua, VinaPhone đã luôn nỗ lực đem đến cho khách hàng những dịch vụ số tốt nhất, tối ưu nhất và hiện đại nhất.
Theo đại diện VinaPhone, để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý về việc dừng sóng 2G, nhà mạng cũng đã sẵn sàng lộ trình phù hợp và truyền thông rộng rãi tới khách hàng, đồng thời có các chính sách hỗ trợ khách hàng chuyển đổi.
“Với tôn chỉ hoạt động hướng tới khách hàng và quan niệm "Khách hàng là những người thân yêu nhất" vì vậy trong mọi trường hợp, VinaPhone đều chuẩn bị sẵn các phương án nhằm đảm bảo quyền lợi và không ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng khi thực hiện tắt sóng 2G”, đại diện nhà mạng khẳng định.
Từ năm 2015, khi 2G vẫn chiếm khoảng khoảng 60% lưu lượng mạng, VNPT đã xác định chiến lược và xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G, triển khai các bài toán 2G kết hợp với triển khai 3G, 4G. Trong 2 năm qua, VNPT đã chủ động tiến hành tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Để làm điều này, VNPT đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực và tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G. VNPT đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G theo chỉ đạo, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngọc Minh