Anh Đ.T.B (43 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) cùng chị H. nên duyên vợ chồng từ năm 2008. 15 năm chung sống, họ có 2 đứa con, từng sống trong căn nhà chỉ 9 mét vuông, trời nắng thì nóng mà mưa thì dột. Gom góp vay mượn được chút tiền, anh chị đổi sang căn nhà rộng hơn, đủ che mưa che nắng thì biến cố ập đến.

Năm 2015, chị H. phát hiện vấn đề ở tuyến giáp, phải điều trị tại bệnh viện ung bướu. Năm ngoái, bác sĩ nói bệnh của chị đã phát triển thành ung thư tuyến giáp, phải điều trị liệu pháp i-ốt phóng xạ.

Một buổi sáng giữa tháng 8, chị H. đang điều trị tại bệnh viện thì nhận tin dữ: chồng chị xuất huyết não, tim đã ngừng đập.

"Anh B. sáng hôm ấy vẫn đi chở hàng như thường ngày, khi đang ngồi nghỉ ở nhà người quen thì bỗng dưng ngã gục, được đưa đi cấp cứu thì bác sĩ nói bị chẩn đoán xuất huyết não, tim đã ngừng đập rồi", chị kể lại. 

Cú sốc quá lớn đến với người vợ đang điều trị ung thư, chị vội vàng bắt xe về để nhìn chồng lần cuối. Chị nhớ hồi năm 2009, mới cưới nhau được gần 1 năm, khi vợ chồng chị cùng nhau xem phóng sự người chết não hiến tạng, anh đã nhắn nhủ: "Nếu sau này có mệnh hệ gì anh cũng muốn được hiến tạng cứu người".

Người vợ (giữa) xin tư vấn hiến tạng cho chồng ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BVCC

Người phụ nữ hiểu tâm nguyện của chồng. Chị kể thêm khi đang điều trị ung thư, chị cũng biết chuyện rất nhiều người đi đăng ký hiến tạng, có người bệnh ung thư giai đoạn cuối, chờ 3 năm không có tạng để ghép nên đành lìa xa cõi đời... Nghĩ vậy, chị càng vững vàng hơn quyết định hiến tạng, mạnh mẽ vượt lên điều tiếng và sự can ngăn của họ hàng, người thân, quyết định chuyển anh lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để xin được hiến tạng.

Có người nói chị làm như vậy anh ra đi không nguyên vẹn, đau đớn, chị mỉm cười, bảo đó là tâm nguyện khi còn sống của anh, chị thay anh làm điều tốt đẹp. 

Ngày 13/9, Thạc sĩ Phạm Thị Đào, Trưởng Đơn vị Tư vấn và Điều phối Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết từ nguồn tạng hiến gồm trái tim, lá gan và hai thận, các bác sĩ đã ghép và cứu sống 4 bệnh nhân. Hiện, sức của của 4 bệnh nhân đều ổn định, dần hồi phục. 

Gần 1 tháng từ ngày mất chồng, chị H. trở thành trụ cột chính của gia đình, chỗ dựa của hai con nhỏ, đối mặt với nhiều đợt điều trị ung thư tiếp theo. Khó khăn sẽ nối tiếp khó khăn, nhưng chị đã từ chối lời đề nghị xét vào diện hộ nghèo... 

30 năm qua, Việt Nam đã thực hiện hơn 7.400 ca ghép tạng thành công, riêng năm 2022 có hơn 1.000 ca. Nếu trước đây chỉ là các bệnh viện lớn như: Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Trung ương Huế, Chợ Rẫy (TP.HCM) mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng thì đến nay nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống người mắc bệnh hiểm nghèo.

Số lượng đăng ký hiến tạng cũng tăng nhanh chóng, từ  265 người năm 2014 lên hơn 73.000 người tính đến cuối tháng 6/2023.

GS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối và ghép tạng quốc gia, cho hay thách thức lớn nhất của ngành ghép tạng không phải kỹ thuật khó, mà là sự khan hiếm nguồn mô tạng hiến. Hiện 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ 5% ca ghép từ người cho chết não. Điều này ngược với xu hướng chung của toàn thế giới khi nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não.