Đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng, do đó rất nhiều doanh nghiệp phải thích ứng theo. Từ việc buộc phải lên online, các doanh nghiệp Việt giờ đây đứng trước cơ hội bán hàng khắp tỉnh thành và trên toàn cầu.
Duy Lợi, doanh nghiệp thuần Việt có lịch sử hơn 20 năm, bắt đầu lên thương mại điện tử vào cuối năm 2020 do bán lẻ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi giãn cách. Suốt hai thập kỷ kinh doanh thông qua hệ thống bán lẻ, việc quyết định đưa hàng hoá lên Lazada, Shopee, Tiki và bán qua website của công ty không hề dễ dàng.
“Chúng tôi xác định kinh doanh online là điều bắt buộc ngay từ thời điểm chớm dịch, vì việc mua bán trực tiếp không còn dễ dàng như trước”, bà Phạm Bảo Ân, Phó giám đốc công ty, nói với VietNamNet.
Sau hai năm lên sàn thương mại điện tử, bà Ân cho hay mức tăng trưởng trên kênh này ở mức hai chữ số, do các sàn có chính sách hỗ trợ nhà bán mới và doanh nghiệp Việt.
Theo báo cáo của các sàn thương mại điện tử lớn, hàng hoá Made in Vietnam được khách hàng nhiệt tình đón nhận.
52% người Việt được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt, đặt lòng tin nơi thương hiệu Việt nhiều hơn, theo khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến người dùng khu vực Đông Nam Á của Lazada và Milieu Insight năm 2022.
Trong lễ hội mua sắm 12/12 năm ngoái, Shopee cho hay số lượng người mua hàng của các nhà bán nội địa chiếm đa số. Cứ 10 người dùng thì 9 người chọn mua sắm từ các nhà bán hàng địa phương.
Theo Lazada, các thương hiệu nội địa Việt Nam ngày càng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng vànguồn gốc xuất xứ, cùng giá thành phù hợp trong giai đoạn thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, các thương hiệu nội địa cũng tích cực đổi mới sáng tạo, mang đến nhiều sản phẩm phù hợp và ứng dụng cao cho người Việt.
Đơn cử, Duy Lợi được biết đến như doanh nghiệp “quốc dân” ở mảng võng xếp, ghế xếp nhưng gần đây tung ra các sản phẩm phơi quần áo làm từ nhựa. Việc sử dụng vật liệu nhựa giúp giảm giá thành sản phẩm, phù hợp với chi tiêu của nhóm khách hàng thành thị đang ở trọ hoặc sở hữu căn hộ nhỏ. Sản phẩm có thể xếp được nên dễ sử dụng trong tủ đồ của các ngôi nhà lớn.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt có tiếng tăm đều đã thành lập gian hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử nhằm khẳng định thương hiệu và bản quyền. Sau những bước đầu thành công ở nội địa, các công ty trong nước đang trên hành trình chinh phục thế giới.
Với lợi thế là kênh online, các sàn thương mại điện tử có thể đưa hàng hoá Việt ra khu vực và toàn cầu. Các trang như Lazada, Shopee hiện nay đều có các nhà bán Việt Nam và quốc tế, vận chuyển xuyên biên giới.
Trao đổi với VietNamNet, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho hay doanh nghiệp Việt có thế mạnh ở các mảng như đồ thủ công, trang trí nội thất, quà tặng, đồ dùng trong gia đình,… Các mặt hàng này hoàn toàn có thể cạnh tranh với hàng hoá 5 châu.
Những doanh nghiệp Việt tiêu biểu từng bán hàng thành công trên Amazon có: gốm sứ Minh Long, LAFOOCO – sản xuất và kinh doanh nhân điều, Hector – đông trùng hạ thảo, ChicnChill – thủ công mỹ nghệ, AnEco – nhựa thuỷ phân sinh học,… Trong năm 2022, thống kê cho thấy khoảng 10 triệu sản phẩm Made in Vietnam đã ra toàn cầu qua Amazon.
Trước xu hướng này, phía Duy Lợi cho biết đang có kế hoạch làm việc với Amazon để đưa sản phẩm lên sàn. Những quốc gia tiềm năng sử dụng các sản phẩm gia dụng, giá phơi có thể kể đến như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,… Một số nước cũng là thị trường xuất khẩu của công ty.
Theo số liệu của Amazon năm 2021, số doanh nghiệp Việt Nam vượt mốc doanh số 100.000 USD bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng doanh nghiệp vượt mốc 500.000 USD tăng hơn 53%. Số doanh nghiệp vượt mốc doanh thu 1 triệu USD tăng hơn 40%.
“Với lợi thế về hàng hóa xuất khẩu, nguồn lao động và năng lực sản xuất, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để tạo ra những đột phá quan trọng trong ngành thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Gijae Seong nhận định.
Hải Đăng