Sau khi ký Thỏa thuận Chi trả dịch vụ Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam được lợi kép. Bởi, chúng ta sẽ có nguồn tiền để phát triển rừng, giữ rừng, đồng thời góp phần vào chống biến đổi khí hậu.
Trong báo cáo về tình hình thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT nêu rõ, ERPA được ký vào ngày 22/10/2020 giữa cơ quan này và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) với tư cách là Bên được ủy thác của Quỹ Đối tác Các-bon Lâm nghiệp (FCPF).
ERPA nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho FCPF thông qua WB, với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD.
Khoảng 95% kết quả chuyển nhượng sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào cam kết của Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 (COP21).
Ngoài ra, WB có quyền mua bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 từ Báo cáo kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 với đơn giá 5 USD/tấn CO2 theo cơ chế ERPA đã ký. Kết quả GPT được xác định chung cho cả vùng Bắc Trung Bộ.
Thời điểm tính kết quả giảm phát thải từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2024. WB sẽ thực hiện chi trả dựa trên kết quả qua 3 kỳ báo cáo của Bộ NN-PTNT.
Ngày 11/12, Bộ NN-PTNT đã ký các văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới.
Bộ NN-PTNT cho biết, đầu tháng 8 vừa quan, WB đã thanh toán tiền ERPA đợt 1 là 41.200.000 USD (tương đương 997,040 tỷ đồng), tương ứng với 80% kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký.
Số tiền còn lại 10.300.000 USD tương đương 249,26 tỷ đồng, Bộ sẽ phối hợp với WB thực hiện các thủ tục thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2.
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam là cơ quan đầu mối tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tiền từ ERPA và thực hiện điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức… được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên; chi cho các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến GPT khí nhà kính để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Bộ NN-PTNT cũng thông tin, WB đã xác nhận kết quả giảm phát thải toàn vùng Bắc Trung Bộ kỳ 1 (1/1/2018-31/12/2019) đạt 16,21 triệu tấn CO2 (tương đương 16,21 triệu tín chỉ). Trong đó, lượng chuyển nhượng theo ERPA đã ký là 10,3 triệu tấn CO2.
Còn lại 5,91 triệu tấn CO2, WB muốn mua bổ sung 1 triệu tấn CO2. Còn 4,91 triệu tấn CO2, Bộ này sẽ xây dựng phương án trao đổi, chuyển nhượng, thương mại để tạo nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại vùng Bắc Trung Bộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ NN-PTNT đề xuất được tiếp tục xây dựng báo cáo kết quả giảm phát thải kỳ 2 (1/1/2020-31/12/2022) và kỳ 3 (1/1/2023-31/12/2024) gửi WB thẩm định. Trường hợp có lượng GPT bổ sung, Bộ sẽ tìm kiếm đối tác đàm phán, đề xuất trao đổi, chuyển nhượng.