Ea Lâm là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, đây cũng là địa phương có phần lớn là người đồng bào DTTS. 24 năm trước, Ea Lâm được biết đến là xã 7 không (không đường, không trường, không trạm xá, không chợ, không nước sạch, không điện và không trụ sở) của huyện Sông Hinh, với hơn 90% người đồng bào DTTS. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, diện mạo xã Ea Lâm nay đã đổi thay với đầy đủ công trình phúc lợi công cộng và đời sống người dân ngày càng khấm khá.
Chăm lo đến đời sống người dân, huyện Sông Hinh đã đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng công trình trạm bơm thủy lợi cùng kênh mương nội đồng, đồng thời tích cực hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân biết cách trồng lúa nước.
Không chỉ đầu tư hạ tầng cơ sở, nhiều chính sách an sinh xã hội cũng được triển khai đến người dân. Gần đây nhất là 2 công trình trạm bơm thủy lợi với vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng, giúp người dân bơm tưới lúa, ổn định lương thực.
Công trình trạm bơm này khánh thành năm 2022 với công suất tưới đảm bảo cho hơn 70ha lúa 2 vụ. Mục tiêu của công trình nhằm đảm bảo lương thực, ổn định đời sống cho người dân đồng bảo DTTS xã Ea Lâm. Nhờ công trình thủy lợi trạm bơm Ea Lâm 2, cũng từ công trình này, hơn một trăm hộ dân xã Ea Lâm đã có ruộng lúa nước.
Chủ tịch UBND xã Ea Lâm Nay Y Lé cho biết, năm 2022, xã đã vận động bà con nhân dân có đất tại công trình chia sẻ cho nhau, tự bỏ tiền san ủi chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang đất trồng lúa 2 vụ và đã được 24,42ha diện tích lúa được xuống giống trong vụ Hè thu này. Diện tích trên thuộc 104 hộ người đồng bào DTTS tại xã.
“Là xã đặc biệt khó khăn, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, nhất là trong việc sản xuất lương thực, phần lớn các hộ dân phải mua gạo với giá cao vì không có ruộng lúa nước. Có được công trình thủy lợi Trạm bơm Ea Lâm 2, bà con rất phấn khởi, nhất là khi vụ lúa đầu tiên đã được thu hoạch”- Chủ tịch Nay Y Lé, nói.
Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Văn Hải chia sẻ, phần lớn người dân có ruộng tại đây lần đầu trồng lúa nước, vì vậy để hỗ trợ nông dân, Phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện đã xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ thâm canh, trong đó hỗ trợ 70% chi phí giống, phân bón, tổ chức tập huấn, thăm quan học tập kinh nghiệm và cử chuyên viên trực tiếp hướng dẫn người dân từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân, phòng trừ dịch bệnh và đến khâu thu hoạch, bảo quản.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Thời gian qua, huyện Sông Hinh tập trung đầu tư cho vùng DTTS và miền núi như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nước sạch phục vụ đời sống bà con nhân dân. Đời sống đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến, mức sống được nâng lên đáng kể.
Hiện nay, địa phương đẩy nhanh triển khai, lồng ghép chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với các chính sách của huyện đã đề ra, địa phương tin tưởng đời sống kinh tế – xã hội vùng DTTS sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian đến.
Trong thời gian tới, định hướng của huyện là phát triển, khai thác hiệu quả cây lúa nước ở các vùng đặc biệt thiếu diện tích lúa nước để ổn định đời sống cho đồng bào DTTS. Điển hình như ở cánh đồng trạm bơm Ea Lâm 2 này, tinh thần bà con rất đồng tình hưởng ứng. Thắng lợi ngay từ vụ lúa đầu tiên sẽ là động lực để người dân trong buôn mở rộng diện tích, khai thác tối đa công suất công trình thủy lợi, đem lại sự ổn định, phát triển trong đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS Ea Lâm.
Sông Hinh phấn đấu đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 7,22%, đến năm 2025 còn dưới 2%. Đồng thời phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm.
Vùng đất hoang vắng giờ đây đã thành nơi tụ hội tụ của lễ mừng lúa mới.