Cây sanh 30 tỷ, cây lộc vừng 8 tỷ không bán
Một cây sanh trên 300 tuổi, từng được vua Bảo Đại chơi đang khiến giới chơi cây xôn xao. Theo chủ nhân của “siêu cây” này, đây là “vua” của các cây sanh. Nó là cây sanh đầu tiên được các nghệ nhân xưa trồng, uốn nắn từ nhỏ.
Cây sanh có từ đời vua Gia Long và từng được vua Bảo Đại chơi. |
Cây sanh này có đường thân rất độc đáo, hình dáng của cây giống như một chiếc nỏ, từ thân cây "phóng" ra các cành giống như các mũi tên của "nỏ thần". Thời điểm 'sốt', cây sanh này được định giá trên 30 tỷ đồng.
Một cây sanh cổ thụ khác được coi là cây dáng “Long” đẹp nhất Việt Nam" cũng khiến giới chơi cây chú ý.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, 60 tuổi (TP. Hải Dương), chủ sở hữu cây sanh “Long chúa” cho biết, ông mua cây sanh cách đây 16 năm. Vào thời điểm đó, ông đã phải bỏ ra hơn 8 tỷ đồng mới có thể mua được cây. “Tôi vừa mua xong, đã có một vị đại gia trả 15 tỷ nhưng tôi không bán. Nếu tính ra, 15 tỷ đồng thời đó ngang với khoảng 20 lô đất mặt đường lớn”, ông Cường nói.
Một cây lộc vừng cổ thụ được trồng ngay cổng nhà anh Phan Văn Toàn (TP. Việt Trì, Phú Thọ) cũng được nhiều người quan tâm. Cây cao khoảng 5m nhưng kỳ lạ phần gốc phình to ra bất thường, đường kính gốc lến đến 2,2m.
'Cụ' lộc vừng 'tích tụ phát lộc' trả 8 tỷ không bán. |
Anh Toàn cho biết, cây lộc vừng có tên “tích tụ phát lộc” vì đến mùa hoa, hoa đùn từ dưới gốc lên đến ngọn. Cây có tuổi đời trên 300 năm. Theo anh Toàn, đã có người trả 8 tỷ đồng nhưng anh không bán.
Lục bình mây tre cao 5m, giá hàng trăm triệu
Làng nghề Phú Vinh ở xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) nổi tiếng bao đời nay với nhiều sản phẩm mây tre đan độc đáo.
Mới đây, anh Nguyễn Phương Quang, một nghệ nhân trong làng, đã đan thành công chiếc lọ lục bình cao tới 5 mét, đường kính đáy lên đến 1,2 mét, nặng 120 kg bằng mây tre đan. Để hoàn thành sản phẩm này, anh phải thực hiện trong vòng 2 năm. Tác phẩm được xác lập kỷ lục là bình hoa sen bằng mây lớn nhất Việt Nam. Do muốn lưu giữ sản phẩm tâm huyết trong đời, có nơi trả giá 300 triệu lọ lục bình này nhưng anh không bán.
Lọ lục bình cao đến 5m, nặng 120kg bằng mây “khủng”, được xác lập kỷ lục cao nhất VN |
Bên cạnh lọ lục bình “khủng” của anh Quang phải kể đến cuốn thư cổ thời Lý độc nhất vô nhị đan thủ công bằng mây tre dài 1,8m, cao 80cm của anh Trần Văn Cửu. Anh Cửu cho biết, cuốn thư này được khách đặt từ trước, có giá dao động 55-60 triệu đồng.
Nắng cháy, nước ép hoa quả bán đầy vỉa hè
Thông thường, những ly nước ép hoa quả nguyên chất bán tại các nhà hàng, quán cà phê giá từ 35.000-60.000 đồng/ly. Song, những ngày gần đây, người dân ở Hà Nội có thể mua các loại nước ép hoa quả nguyên chất như nước cam, dứa, ổi, cà rốt tại khắp các chợ, con phố với giá chỉ 15.000-20.000 đồng/chai tùy loại to nhỏ.
Các loại nước ép hoa quả nguyên chất đang bày bán tràn ngập ở Hà Nội |
Các loại nước hoa quả này rất hút khách, nhờ vậy, dân buôn thường thu tiền triệu mỗi ngày.
Cũng giống như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang trải qua những ngày nắng nóng đến khó thở. Chính vì thế, những thức uống giải nhiệt, thanh lọc cơ thể bán rất đắt hàng.
Trong đó, chè tuyết yến nhựa đào được làm từ hạt chia, táo đỏ, nhựa đào, kỉ tử, long nhãn... đang trở thành “cơn sốt” tại TP.HCM. Thậm chí, có người ở nhà bán online cũng thu lãi gần 100 triệu đồng chỉ trong chưa đầy 1 tháng.
Món ăn nhà nghèo bỗng thành đặc sản
Vài tháng trở lại đây, ngô nếp bung Điện Biên được rao bán khá phổ biến ở Hà Nội với giá dao động từ 60.000-90.000 đồng/kg. Theo đó, loại đặc sản này đang rất hút khách, trở thành món ăn sang chảnh trên mâm cơm của người Hà thành.
Ngô nếp bung - món ăn cứu đói của nhà nghèo một thời nay thành đặc sản ở Hà thành |
Đây là món ăn phổ biến của nhà nghèo thời xưa, nhà thiếu gạo thường phải ăn cơm độn ngô hay ăn ngô bung trừ bữa.
Ngoài ngô nếp bung, một số món ăn cứu đói của nhà nghèo thời xưa nay bỗng thành đặc sản như: tóp mỡ, bì trâu xào rau muống, hoa chuối, rau tập tàng, tép rang khế chua, ngọn sắn muối...
Phú Yên: Ồn ào chặt chém 1 đĩa sò điệp 680 ngàn
Câu chuện một nhóm khách này đi ăn hải sản tại Quán Hương Giang (đường Bạch Đằng, Phú Yên) và gọi món SEO (sò điệp), sau khi tính tiền nhóm khách này cho rằng mình bị “chặt chém” khi đĩa sò bị tính giá lên tới 680.000 đồng gây xôn xao dư luận.
Phiếu tính tiền của khách hàng, món SEO (sò điệp) có giá 680.000 đồng. |
Theo chủ quán Hương Giang, cho biết sự việc xảy ra vào chiều 14/4 (ngày giỗ Tổ), giá ông bán là đúng chứ không hề có việc “chặt chém” du khách.
Giám đốc sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên cũng khẳng định không có việc “chặt chém” khách du lịch. Theo vị này, quán Hương Giang có niêm yết giá, so sánh giữa các quán trong địa bàn thì quán này bán sò điệp còn có khi thấp hơn, trung bình nằm từ 680.000-700.000 đồng.
Bí ẩn loại gạo chỉ để được 1 tuần
Gạo có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, xát xong ăn ngay và thường chỉ ăn trong tuần. Đó là “gạo tươi”, không chỉ tươi mà còn sạch, giữ được vị ngọt thơm và chất dinh dưỡng nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Gạo lứt tươi hiện được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng |
“Gạo tươi” là gạo được xát ra trực tiếp từ lúa và đem về tiêu dùng chứ không thông qua công đoạn nào khác. Hạt gạo tươi khá “mộc”, có màu trắng đục tự nhiên, còn nguyên lớp cám bên ngoài; màu sắc khác biệt so với màu trắng tinh của hạt gạo công nghiệp đã qua chế biến.
Hiện mỗi ký gạo tươi có giá từ 35.000 đến 50.000 đồng.
Dưa hấu Việt dán tem Trung Quốc
Khoảng một tuần qua, nông dân tại xã Tam Phước, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) bước vào mùa thu hoạch dưa hấu. Thương lái đến tận nơi để thu mua sản phẩm của bà con. Nhưng dưa xuất bán phải dán tem có chữ Trung Quốc (TQ).
Dưa hấu dán tem có chữ Trung Quốc để xuất khẩu qua đường chính ngạch. |
Nhiều người thắc mắc: Dưa hấu cũng như một số nông sản Việt Nam dán tem TQ là đúng hay sai?...
Ông Đoàn Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận việc nông dân dán tem có chữ TQ nhằm đáp ứng yêu cầu của TQ về truy nguồn gốc, xuất xứ. Ông Sơn khẳng định phía doanh nghiệp hoàn toàn có quyền sản xuất loại tem này và việc dán tem không làm mất thương hiệu dưa VN do thông tin trên tem vẫn cho kết quả xuất xứ từ VN.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Muộn cho biết trên báo Pháp luật TP.HCM: “Về góc độ của nhà nhập khẩu TQ thì không sai. Đây là quy định của TQ buộc mình phải đáp ứng yêu cầu.".
Hạnh Nguyên