Mở rộng quy mô và nhu cầu nền tảng số mới
Thành lập năm 1991, Wilmar International - một trong những tập đoàn kinh doanh nông sản hàng đầu châu Á. Sau 32 năm phát triển, Wilmar đã xây dựng hơn 500 nhà máy sản xuất trên toàn cầu với chi nhánh và mạng lưới phân phối tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Wilmar CLV (Campuchia - Lào - Việt Nam).
Chỉ tính riêng Việt Nam, hiện tại đang có 8 công ty thành viên trực thuộc Wilmar CLV trong đó có Công ty TNHH Dầu Thực Vật Cái Lân (Calofic) với các thương hiệu dầu ăn nổi tiếng như Neptune, Simply, Meizan, Kiddy, Olivoila,…
Số lượng nhà máy “khủng" và quy mô không ngừng mở rộng, Wilmar đứng trước bài toán xây dựng một hệ thống công nghệ mới mạnh mẽ, linh hoạt hơn.
Theo chia sẻ của ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc công nghệ (CTO) Wilmar, nếu thực hiện việc lưu trữ dữ liệu tại chỗ (On Premises) như trước đây, khi có dự án Wilmar phải làm thủ tục đặt thiết bị từ các hãng Dell, Lenovo,... để mua máy chủ. Quá trình đặt hàng nhanh nhất cũng phải mất 8 tuần.
Với chiến lược chuyển đổi sang “nhà máy thông minh" cùng tốc độ phát triển nhanh chóng như hiện nay, Wilmar phải sử dụng một nền tảng truy xuất, lưu trữ trên “mây” ổn định, linh hoạt hơn để có thể đáp ứng việc kiểm soát và vận hành sản xuất.
Là công ty đa quốc gia, Wilmar cũng sử dụng nền tảng của các nhà cung cấp dịch vụ Cloud quốc tế như AWS, Microsoft Azure. Tuy nhiên trở ngại là chi phí cố định trên các nền tảng này khá tốn kém và đôi khi không linh hoạt cho nhân viên IT khi triển khai ứng dụng. Sau thời gian cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng, Wilmar đã lựa chọn giải pháp CMC Cloud của CMC Telecom cho hệ thống quản lý phân phối DMS (Distributor Management System) của tập đoàn Wilmar và hệ thống quản lý sản xuất WPP (Wilmar Palm Products) cho công ty Calofic.
Với lợi thế phát triển trong nước, CMC Cloud đáp ứng được những yêu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế đồng thời còn là đơn vị kết nối trực tiếp với cloud của các hãng lớn như AWS, Google, Microsoft hay Oracle. Việc đảm bảo yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Wilmar cũng hoàn toàn được tuân thủ.
“Một nền tảng tốt đối với Wilmar phải là một nền tảng có công nghệ hiện đại, bảo mật cao, khả năng mở rộng linh hoạt với chi phí hợp lý. Quan trọng nhất là độ ổn định và dịch vụ hỗ trợ. Nhà máy luôn hoạt động 24/7, sự cố có thể xảy ra bất chợt vào giữa đêm, chúng tôi cần đội kỹ thuật phản hồi ngay lập tức để phục hồi hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa thời gian chết của hệ thống. Bên cạnh đó, IT sẽ sử dụng nhiều hệ điều hành như window, linux,… Hạ tầng máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo cung cấp máy chủ tương thích với tất cả các hệ điều hành đó. CMC Cloud đã đáp ứng được toàn bộ những yêu cầu này của chúng tôi”, Giám đốc công nghệ của Wilmar chia sẻ về lý do lựa chọn CMC Cloud của CMC Telecom.
Tiết kiệm tới 25% chi phí nhờ “đám mây nội"
Trong nhà máy có mùa cao điểm, giờ cao điểm nên cần có sự co giãn linh hoạt của hệ thống máy chủ để tối ưu chi phí sử dụng. Khi quy mô sản xuất càng lớn, lượng truy cập vào các phần mềm quản trị hệ thống càng cao sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đường truyền truy cập dữ liệu. Nền tảng CMC Cloud tích hợp dịch vụ Auto Scaling sẽ tự động tăng hoặc giảm số lượng máy chủ ảo được phân phối cho ứng dụng vào tất cả thời điểm theo nhu cầu sử dụng.
Định kỳ 5 phút/lần, hệ thống sẽ tự động kiểm tra, đưa ra cảnh báo để đảm bảo không bị quá tải VM. Kết hợp với tính năng Elastic Load Balancer, dữ liệu sẽ được cân bằng tải giữa các máy chủ hiệu quả, đảm bảo hiệu suất vận hành ổn định.
Portal của CMC Cloud cũng được áp dụng theo phương thức tính phí "Pay as you go” tính theo ngày thay vì theo tháng như các nhà cung cấp khác trên thị trường. Việc sử dụng CMC Cloud đã giúp tiết kiệm đến 25% chi phí so với việc Wilmar tự vận hành hệ thống cũ.
An ninh an toàn thông tin của dữ liệu cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu khi Wilmar lựa chọn nền móng cho hạ tầng công nghệ. Với lợi thế từ nhà cung cấp hạ tầng viễn thông, CMC Cloud được xây dựng và vận hành tại hệ sinh thái trung tâm dữ liệu được đánh giá là hiện đại và an toàn hàng đầu tại Việt Nam. Các Data Center được thiết kế theo tiêu chuẩn Uptime Tier III quốc tế có chứng chỉ PCI DSS, TVRA, ISO… cùng cơ chế High Availability, Disaster Recovery ở mức cao nhất. Để nâng cao bảo mật hơn nữa cho hệ thống của Wilmar, đội ngũ kỹ thuật của CMC Telecom còn triển khai tích hợp thêm phần mềm Checkpoint Firewall vào nền tảng CMC Cloud.
Hiện tại Wilmar đã chuyển sang sử dụng CMC Cloud phiên bản nâng cấp mới. Được biết đây là nền tảng điện toán đám mây Make in Vietnam đầu tiên chuyển sang thế hệ thứ 2.
“Ở phiên bản mới nâng cấp, CMC Cloud đã tiến một bước xa trong việc cung cấp dịch vụ điện toán đám mây với nhiều tính năng vượt trội. Các doanh nghiệp sản xuất nói chung và Wilmar nói riêng sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi triển khai những ứng dụng theo mô hình mới trên nền tảng CMC Cloud theo kiến trúc mới Microservices với các dịch vụ như container hay kubernetes”, ông Cường khẳng định.
Thúy Ngà