Ngày 1/11, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký quyết định phê duyệt Đề án “Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ Việt Nam nhằm góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến của tài năng trẻ Việt Nam; tạo động lực và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ; hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đề án nêu rõ, hằng năm, tối thiểu 70% thanh niên được cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách, các hoạt động phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ trên các lĩnh vực. Đến năm 2025, xây dựng, vận hành Mạng lưới tài năng trẻ Việt Nam toàn cầu và Công viên số Tài năng trẻ Quốc gia.

Đến năm 2030, sau khi được phát hiện tôn vinh, tối thiểu 60% tài năng trẻ được bồi dưỡng, tham gia các hoạt động chia sẻ tri thức, hỗ trợ cộng đồng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội do Đoàn Thanh niên, các bộ, ngành, địa phương tổ chức.

Tổ chức đoàn đại biểu tài năng trẻ Việt Nam thăm Quần đảo Trường Sa 

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của đề án là phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ. Cụ thể, tổ chức các sân chơi học thuật, năng khiếu, tài năng trên từng lĩnh vực để thanh niên có môi trường bộc lộ tài năng.

Đề án cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức các giải thưởng, cuộc thi, hội thi, phát hiện và tôn vinh tài năng trẻ tiêu biểu trên các ngành, lĩnh vực. Chú trọng phát hiện tài năng trẻ là: Lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, vận động viên, văn nghệ sĩ, nghệ nhân truyền thống, lực lượng vũ trang, người dân tộc thiểu số và tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong việc triển khai, tổ chức các giải thưởng, cuộc thi năng khiếu, tài năng; khuyến khích tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài trong mỗi gia đình, dòng họ, cơ quan, tổ chức, địa phương để phát hiện, ươm mầm và phát triển tài năng trong thanh thiếu nhi.

Tổ chức các lớp năng khiếu, hoạt động các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích của hệ thống cung, nhà văn hóa thanh thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu niên các cấp, các trường năng khiếu; liên kết, kết nối với các thiết chế văn hóa cơ sở, cơ sở giáo dục, trung tâm thông tin - thư viện nhằm phát hiện, ươm mầm và bồi dưỡng thanh thiếu nhi có năng khiếu phát triển tài năng. 

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra nhiệm vụ, giải pháp tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ tài năng trẻ. Cụ thể, tổ chức các hoạt động bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến cho các tài năng trẻ thông qua việc tổ chức các hoạt động về nguồn; tham gia hoạt động hướng về biên giới, hải đảo; gặp gỡ, giao lưu với nhân chứng lịch sử,...

Trung ương Đoàn lựa chọn các tấm gương tài năng trẻ tiêu biểu trong và ngoài nước, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn đại biểu tài năng trẻ Việt Nam thăm Quần đảo Trường Sa và các đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Cùng với đó là tổ chức các diễn đàn giữa các nhà khoa học đầu ngành uy tín trong và ngoài nước với các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, sinh viên giỏi, tài năng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học; nghiên cứu đề xuất để hoàn thiện các chính sách đối với tài năng trẻ....