Bình Định đặt mục tiêu cao về chuyển đổi số
Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy Bình Định về chuyển đổi số của tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, hướng đến năm 2030 xác định tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Trong đó, các lĩnh vực được ưu tiên gồm: Giáo dục, y tế, quản lý hành chính, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế biển, giao thông vận tải và logistics.
Cụ thể đến năm 2030, 100% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% số hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% số thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% số dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; 70% số hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tính đến năm 2021, chỉ số chuyển đổi số chung của tỉnh Bình Định đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Quá trình chuyển đổi số đã nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; bước đầu triển khai các ứng dụng, xây dựng chính quyền điện tử.
VNPT xây dựng hạ tầng số sẵn sàng cho Bình Định số
Để sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, VNPT Bình Định nhấn mạnh hạ tầng số sẽ phải đi trước một bước. Ông Phạm Quốc Trung, Giám đốc VNPT Bình Định cho biết: “Với vai trò, trách nhiệm của một doanh nghiệp cung cấp về dịch vụ viễn thông và CNTT tại địa bàn Bình Định, VNPT Bình Định cam kết luôn đồng hành thực hiện công tác chuyển đổi số cùng cơ quan nhà nước tỉnh Bình Định, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số cho chính quyền và các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bình Định, góp phần vào việc xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số…
VNPT Bình Định đã phát triển hạ tầng viễn thông vươn tới khắp vùng sâu, vùng xa. Đến nay, VNPT đã đầu tư phát triển, xây dựng gần 600 trạm phát sóng di động, phủ sóng trên hầu hết diện tích toàn tỉnh, là cơ sở để triển khai hạ tầng, dịch vụ 5G trong thời gian sắp tới. Dịch vụ Internet băng rộng cố định đã cung cấp tới 100% cơ quan, tổ chức thuộc các cấp chính quyền; đảm bảo kết nối Internet, chất lượng mạng lưới phục vụ giảng dạy và học trực tuyến, sử dụng dịch vụ của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Quốc Trung cho biết, VNPT Bình Định sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng viễn thông và CNTT bao gồm cải tiến mạng lưới viễn thông hiện có, triển khai các công nghệ mới, tăng cường băng thông và tốc độ truyền tải, xây dựng hệ thống quản lý mạng thông minh.
“Chúng tôi sẽ phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng: tiếp tục phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng như truyền hình MyTV, xây dựng mở rộng hệ thống cáp quang Gpon phát triển thuê bao băng rộng, mở rộng vùng phù sóng 3G, 4G và 5G trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung triển khai các giải pháp IoT, các giải pháp phần mềm, dịch vụ đám mây, Bigdata, IOC… để tăng cường giá trị cho các khách hàng”, ông Phạm Quốc Trung nói.
Đại diện VNPT Bình Định cũng nhấn mạnh, với sứ mệnh kinh doanh các dịch vụ Viễn thông - CNTT trên địa bàn Bình Định, để phát triển doanh nghiệp, đồng thời đồng hành đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, VNPT Bình Định cam kết dùng mọi nguồn lực và phát huy hết khả năng, thế mạnh, hợp tác toàn diện với tỉnh nhà, phối hợp với UBND tỉnh, Sở TT&TT và các cơ quan ban ngành của tỉnh triển khai mở rộng hạ tầng viễn thông, CNTT. Đảm bảo cung cấp hạ tầng viễn thông CNTT để phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương trong thời gian tới.