Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu đề nghị quan tâm, chú trọng hơn đến các giải pháp để phát triển kinh tế biển, phát triển nghề cá bền vững góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và của cả nhiệm kỳ.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng), cần chú trọng đến kinh tế biển, phát triển nghề cá. Mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm là nội dung không chỉ về phát triển kinh tế mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu rõ, Nghị quyết số 36-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra chủ trương rất đúng đắn, vấn đề đặt ra là triển khai thực hiện như thế nào.
Theo đại biểu, có 3 vấn đề cốt lõi của ngành là ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường nhưng hiện nay các nội dung này vẫn nằm chung trong “lồng” chính sách tam nông trong khi phương thức sản xuất, công cụ sản xuất, tư liệu sản xuất là khác nhau, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, việc thể hiện vào trong các chính sách không thấy được nét đặc thù của lĩnh vực này, các quy định về hỗ trợ cũng còn mờ nhạt. Do đó, đại biểu đề nghị tách hệ thống chính sách cho ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường để có giải pháp mang tính hệ thống và đột phá cho lĩnh vực này.
Đại biểu kỳ vọng có được nghị quyết ở tầm Trung ương về vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường ở Việt Nam để giải quyết một cách lâu dài, căn cơ từ gốc rễ.
Theo ông Nguyễn Chu Hồi, cần suy ngẫm mối quan hệ của vấn đề ngư dân, ngư kiểm một cách chặt chẽ trong cách tiếp cận làm chính sách và hành động để nghề cá có những bước thay đổi mang tính cách mạng.
Đại biểu TP Hải Phòng đề nghị cần có một sự can thiệp ở cấp cao hơn để nhìn nhận một cách hệ thống ba vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần vào thực hiện kế hoạch của năm 2024 đồng thời cũng để giải quyết những vấn đề về dài hạn cho kinh tế biển nói chung, trong đó có kinh tế thủy sản nói riêng.
Có cùng vấn đề quan tâm, một số Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có giải pháp chuyển đổi mô hình ngành thủy sản, có như vậy mới bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm đời sống cho ngư dân và thực hiện các mục tiêu về an ninh quốc gia, chủ quyền trên biển.
Thời gian tới Chính phủ sẽ có kế hoạch chi tiết từng bước, để có giải pháp đồng bộ giải quyết những khó khăn của ngành, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và có trách nhiệm ngành thủy sản.