Tại Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp TP.HCM năm 2022” diễn ra sáng 31/8 (có sự tham dự trực tiếp của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.HCM), bà Hồ Thị Thu Uyên - Chi Hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu Công nghệ cao TP.HCM (SBA) đã nêu ra hàng loạt bất cập mà cộng đồng DN tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) gặp phải trong 2 năm qua.
Cụ thể, đối với việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch, nhiều quy định gần đây thay đổi theo hướng đi ngược, từ “một cửa” trở lại cơ chế “nhiều cửa”. Từ khâu tiếp nhận thủ tục, cơ quan có thẩm quyền giải quyết chính là Ban quản lý SHTP đã thiếu phối hợp, góp ý cùng các cơ quan liên đới. Hệ quả, DN không nhận được hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, phải chạy theo ý kiến và yêu cầu của nhà chức trách, làm mất nhiều thời gian bổ sung hồ sơ. Quá trình này rất dễ phát sinh tiêu cực.
Đại diện SBA nêu ví dụ, thời gian qua có tình trạng DN tiến hành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể, dù là điều chỉnh cục bộ trong SHTP nhưng vẫn mất khoảng 2 năm mới xong, trong khi, trước đây chỉ mất từ 3-6 tháng. Những hướng dẫn từ Ban quản lý SHTP hay đơn vị liên quan thường chưa đầy đủ, chưa chính xác cập nhật, do đó quy trình giải quyết tới đâu lại phát sinh thêm thủ tục, yêu cầu mới từ cơ quan công quyền.
Đơn cử, theo Quyết định số 5625 của UBND TP.HCM về duyệt đồ án quy hoạch chi tiết SHTP giai đoạn II tỷ lệ 1/2000, tại quận 9 cho phép mật độ xây dựng đối với khu vực quản lý - dịch vụ là 40%. Một số DN có nhu cầu xây dựng thêm hạng mục dịch vụ nhỏ hay công trình phụ trợ (kios, mái che, khu vực để xe, nhà vệ sinh, nhà chuyển tiếp chất thải công nghiệp,... ) để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho người lao động cũng như tiến độ sản xuất. Dẫu vậy, DN gặp nhiều khó khăn do Ban quản lý SHTP phải lấy ý kiến Thanh tra Sở Xây dựng, thậm chí Sở Quy hoạch kiến trúc và chính quyền địa phương trước khi được chấp thuận. DN phải chờ đợi cấp phép xây dựng nhà vệ sinh (cải tạo hoặc xây mới) trong nhà máy hiện hữu của mình.
Đây là ví dụ điển hình về khâu thủ tục và phân quyền của các cơ quan hành chính, dẫn đến nhu cầu cơ bản cho người lao động bị trì hoãn, khiến công nhân bất bình về điều kiện lao động, trong khi nguyên nhân không phải từ phía các DN gây ra.
Các bước thẩm định phi kỹ thuật, mang nặng tính hành chính này góp phần kéo dài thời hạn giải quyết thủ tục, tăng thời gian chờ đợi, đội vốn chi phí dự án do yếu tố lãi suất, lạm phát và ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án, đại diện SBA phát biểu tại hội nghị.
Ngoài ra, các DN cũng cho biết, mặc dù đã có quy định ủy quyền Ban quản lý SHTP về việc duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, thực tế thủ tục, quy trình thẩm định bảo vệ môi trường phức tạp, mất rất nhiều thời gian. DN ngoài việc gửi văn bản, hồ sơ tới Ban quản lý SHTP, vẫn phải chờ đợi sự thông qua của Sở Xây dựng hay Sở TN-MT. Đây như là quy trình cấp phép hai lớp, giấy phép con trong giấy phép lớn. Ở mỗi cấp đều cần nhiều thủ tục, đã nhiều lần Sở TN-MT hay Phòng TN-MT của SHTP đẩy lên, đẩy xuống làm khổ DN cho cùng một vấn đề.
Từ một số vấn đề nổi cộm, SBA kiến nghị UBND TP.HCM cho phép Ban Quản lý SHTP giữ vai trò cơ quan một cửa để hỗ trợ DN nhanh chóng hơn. Trước mắt, các DN mong muốn Ban quản lý SHTP và các Sở, ngành của TP phải có sự thống nhất, phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính, tránh lặp lại tình trạng chậm trễ phê duyệt các thủ tục như thực tế gần 2 năm qua.
Cơ quan nhà nước cũng thấy thủ tục quá phiền hà
Giải đáp thắc mắc từ phía các DN, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý SHTP - cho biết, việc giải quyết thủ tục hành chính, phối hợp giữa Ban và các cơ quan có thẩm quyền còn nhiều hạn chế. Trước đây, tất cả các thủ tục hành chính đều thuộc thẩm quyền của đơn vị này, nhưng do có sự thay đổi nên hiện nay, thủ tục hành chính được thụ lý, giải quyết bởi nhiều cơ quan khác nhau. Sự khác biệt về quan điểm giải quyết gây khó khăn cho DN.
Liên quan đến công tác quy hoạch, trước đây, quy hoạch chi tiết 1/500 thẩm quyền thuộc về Ban quản lý SHTP, còn nay thuộc thẩm quyền địa phương, quận 9 (cũ) và giờ là TP. Thủ Đức. Do sự chuyển đổi chưa nhịp nhàng, đến nay vẫn chưa có cơ chế phù hợp để giải quyết thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian cho DN. Đơn cử, việc xây dựng công trình phụ trợ của công ty trong SHTP, trước đây thuộc thẩm quyền Ban thì giờ phải phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng, Quản lý đô thị địa phương.
Về môi trường, Sở TN-MT sẽ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn giấy phép môi trường thì thuộc địa phương và Ban quản lý SHTP phụ trách. Vấn đề giải quyết thủ tục hành chính đang quá phiền hà cho DN khi thẩm quyền phê duyệt đặt ở nhiều nơi, cơ chế phối hợp phải ứng dụng CNTT mới giải quyết được.
Trưởng Ban quản lý SHTP cam kết sẽ bàn bạc với cơ quan có thẩm quyền để triển khai triệt để cơ chế một cửa liên thông. Trong đó, Ban là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ giải quyết khó khăn của DN.