Với tình trạng xe quá tải hiện nay, đường dù tốt mấy cũng chẳng chịu nổi, lại tốn tiền sửa chữa trong khi nợ công quốc gia đã chạm trần.
LTS: Hôm 21/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng) dẫn đầu đoàn kiểm tra tại Bộ Giao thông vận tải. Ông kể, "Mới đây Thủ tướng đi công tác ở Tuyên Quang đã chứng kiến hàng đoàn xe hổ vồ chạy nườm nượp, nhiều xe chở xi măng đến 180 tấn. Nếu để thế này thì hạ tầng mấy năm nữa hỏng hết".
Tuần Việt Nam đăng tải bài viết này nhằm góp thêm một góc nhìn lý giải vì sao sau một thời gian im ắng, giờ đây xe quá tải lại bùng phát trên các cung đường, gây bức xúc dư luận?
Những tưởng "quốc nạn" xe quá khổ, quá tải đã có những chế tài để ngăn chặn rốt ráo khi nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng từng đề cập từ năm 2012, rồi chính thức tuyên chiến từ năm 2013. Năm 2014, ông Thăng đã ra tối hậu thư cho Tổng cục Đường bộ là phải làm cho được để sớm đi vào quỹ đạo, đúng kỉ cương phép nước trong năm 2015.
Vậy mà chỉ 1 năm sau vấn nạn này lại bùng phát.
Để rồi hôm 21/3 mới đây, khi truyền đạt lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về 9 nội dung Thủ tướng yêu cầu cần giải trình rõ thêm và để Bộ GTVT đưa ra giải pháp xử lý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tình trạng xe quá khổ, quá tải đang làm cho Thủ tướng thấy hết sức lo lắng. Với tình trạng này, đường dù tốt mấy đi nữa thì cũng chẳng được mấy nả, lại sẽ rất tốn tiền sửa chữa trong khi nợ công quốc gia đã chạm trần cho phép...
Trên đường đi công tác trên Tuyên Quang gần đây "Thủ tướng đã chứng kiến hàng đoàn xe hổ vồ chạy nườm nượp, nhiều xe chở xi măng nặng đến 80 tấn. Nếu để thế này thì hạ tầng mấy năm nữa sẽ hỏng hết", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Hình ảnh xe quá tải làm sập cầu |
Khi tìm hiểu chuyện này, tôi được một chuyên gia am tường lĩnh vực đăng kiểm cho biết, việc các chủ xe tải tìm cách đối phó với cơ quan đăng kiểm khi đến kỳ khám xe rất đơn giản. Thùng xe đúng chuẩn để "làm phép" và qua mắt đăng kiểm thông thường bằng cách tháo bỏ phần “cơi nới” thùng hàng hoặc thay bằng thùng hàng đúng với hồ sơ đăng kiểm. Khi họ kiếm được mảnh giấy xác nhận kiểm tra xong, họ lại ghép lại phần “cơi nới” hoặc "xếp kho" chiếc thùng chuẩn và thay vào đó là thùng xe tự đóng cao thành...
Bên cạnh đó còn có hiện tượng lái xe sử dụng sai mục đích thiết kế của nhà sản xuất đối với loại xe có cầu xe nâng hạ. Khi xe đầy tải thậm chí quá tải, lái xe lại cố tình nâng bánh xe không để tiếp xúc với mặt đường ở cầu có cơ cấu nâng hạ chỉ để giảm mức độ mài mòn của lốp. Điều này làm tăng áp lực lên mặt đường ảnh hưởng đến chất lượng của mặt đường.
Chất lượng thi công đường của chúng ta kém, hiện đi vào sử dụng chưa được bao lâu mà đã có nhiều đoạn chúng đã lún nặng, mòn vẹt đến mức có vệt bánh dài dọc đường. Điều này góp phần khiến cho đường càng thêm mau xuống cấp nhanh hơn bình thường.
|
Một chiếc xe tại thời điểm chứng nhận khi nhập khẩu (trên) và sau khi đã “cơi nới” |
Xe quá tải còn tiềm ẩn sự nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn. Đó là, xe không còn phát huy được hiệu quả sử dụng như nhà sản xuất công bố như: hiệu quả phanh không đảm bảo (phanh không ăn, quãng đường phanh lớn), khả năng leo dốc kém (không lên được dốc dẫn đến trôi xe…), mất ổn định vận hành khi xe vận hành…; Xe bị quá tải trọng trục, khả năng chịu tải của lốp dẫn đến gãy trục, nổ lốp làm mất hướng và mất an toàn cho chính chiếc xe và người, phương tiện cùng tham gia giao thông…
Thực ra chính chủ xe cũng không muốn xe chở quá tải (vì hại xe), nhưng vì các xe được kiểm soát không đồng đều dẫn đến bất bình đẳng trong hoạt động vận tải. Do đó, vì để có công việc, khách hành và lợi nhuận mà hiện tượng này vẫn xảy ra.
Để “triệt tiêu” được “quốc nạn” xe quá tải, cần sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, các hiệp hội vận tải, các cơ quan thông tấn báo chí để tăng cường công tác kiểm soát từ nguồn xếp hàng, xử lý một cách đồng bộ và công bằng đối với phương tiện trên đường và công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp hiểu.
Hình ảnh loại xe có cầu nâng hạ |
Mặt khác, một mình cơ quan đăng kiểm, cứ cho là thật nghiêm túc trong khâu kiểm tra định kỳ đi nữa, nhưng khi xe lưu thông, thùng xe hoán cải mới được họ lắp lại thì làm sao"trị" nổi? Việc này muốn làm được phải có sự vào cuộc của liên ngành Công an và GTVT (trong đó Tổng cục Đường bộ và Thanh tra Giao thông là những đơn vị đã được bộ trưởng GTVT giao nhiệm vụ) .
Tôi còn nhớ đã có hồi 2 bộ trên đã có cuộc làm việc của 2 vị bộ trưởng để phối hợp thực thi nhiệm vụ. Khi đó, hiệu quả nhìn thấy rất rõ. Còn giờ sự phối hợp được thực hiện đến đâu?
Để làm tốt công việc này như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo, không thể nào khác là các cơ quan được giao phần việc của mình phải làm tròn vai, làm hết trách nhiệm của các vị trí.
Quốc Phong