Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các cơ quan hành chính trực thuộc Bộ.

Theo đó, triển khai Quyết định 2328/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông ban hành Chỉ số cải cách hành chính của các Cục trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và Quyết định số 2326/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông ban hành Chỉ số cải cách hành chính của các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, ngày 13/1/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-BTTTT triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Cục và các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ. Kết quả đạt được cụ thể như sau:

Năm 2022, giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 11 Cục là 80,07%, giảm 1,87% so với năm 2021. Có 7/10 Cục có Chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm 2021.

Trong đó, Cục có chỉ số giảm nhiều nhất là Cục Viễn thông với 7,65%, giảm 2 bậc trong bảng xếp hạng và là đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính thấp nhất năm 2022. Cục Bưu điện Trung ương giảm 7,21%, giảm 5 bậc trong bảng xếp hạng (từ bậc 1 xuống bậc 5). 

Cục Xuất bản, in và phát hành có Chỉ số cải cách hành chính tăng nhiều nhất 4,63%. Cục Chuyển đổi số quốc gia tăng 4,27%. Cục An toàn thông tin có chỉ số tăng 4,07%. Cả ba Cục trên đều tăng hai bậc so với năm 2021.

Cục Thông tin đối ngoại có chỉ số giảm 3,13% so với năm 2021 nhưng tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng, là đơn vị có kết quả cải cách hành chính tốt nhất năm 2022. Cục Thông tin cơ sở giữ nguyên vị trí thứ 2.

anh chup man hinh 2023 11 06 luc 104707.png
Bảng chỉ số cải cách hành chính 2022 của các Cục trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một số lý do dẫn đến các đơn vị có kết quả Chỉ số cải cách hành chính thấp là do hoàn thành chậm tiến độ yêu cầu các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; không có sáng kiến trong cải cách hành chính; chưa hoàn thành hoặc hoàn thành chậm tiến độ đăng ký các văn bản quy phạm pháp luật được giao thực hiện; chậm thực hiện việc công bố thủ tục hành chính theo quy định; không hoàn thành dự toán thu chi năm 2022. Không xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số của các đơn vị; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đạt yêu cầu đặt ra. Kết quả cải cách hành chính năm sau không tiến bộ hơn so với năm trước; kết quả cải cách hành chính của đơn vị làm ảnh hưởng đến kết quả cải cách hành chính của Bộ.

Về Chỉ số cải cách hành chính tổng hợp năm 2022 của các đơn vị khối cơ quan Bộ: Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của các Vụ, Văn phòng, Thanh tra năm 2022 tăng so với năm 2021 (tăng 0,94%).

Năm 2021 có 4/11 đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính đạt trên 90%, năm 2022 chỉ số 2/8 đơn vị đạt trên 90% (gồm Văn phòng Bộ và Vụ Khoa học và công nghệ). Tuy nhiên, điểm số của các đơn vị không đồng đều.

5/8 đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm 2021; chỉ có 3/8 đơn vị có chỉ số tăng so với năm 2021 (gồm Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Kế hoạch tài chính).

Văn phòng Bộ là đơn vị có chỉ số cao nhất, giảm 0,34% so với năm 2021, tuy nhiên tăng 1 bậc so với năm 2021 và là đơn vị dẫn đầu năm 2022.

Tổng quan kết quả cải cách hành chính 2022 của các đơn vị khối cơ quan Bộ cho thấy, kết quả cải cách hành chính của các đơn vị khối cơ quan Bộ cao và tương đối đồng đều giữa các đơn vị cả về điểm thẩm định và điểm điều tra xã hội học (8/8 đơn vị có kết quả điều tra xã hội học đạt trên 90%).

Về công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính năm 2022 của các Cục trực thuộc Bộ: Năm 2022 giá trị trung bình chỉ số lĩnh vực chỉ đạo điều hành cải cách hành chính của các Cục tăng 5,23% so với năm 2021. Có 2/10 Cục có chỉ số lĩnh vực chỉ đạo điều hành cải cách hành chính đạt trên 90% và có 2/10 đơn vị có kết quả lĩnh vực đạt dưới 70%. 

Đơn vị có chỉ số tăng nhiều nhất là Cục Báo chí với 26,43%, tăng 5 bậc so với năm 2021.

Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính năm 2022 của các đơn vị khối cơ quan Bộ tăng mạnh so với năm 2021 (14,53%). Có 7/8 đơn vị có kết quả tăng so với năm 2021. Trong đó, Văn phòng Bộ là đơn vị có kết quả thẩm định đạt điểm tối đa và vẫn giữ vị trí thứ nhất lĩnh vực này. Thanh tra Bộ là đơn vị có chỉ số tăng cao nhất và tăng 5 bậc.

Chỉ số lĩnh vực cải cách thể chế năm 2022 của các Cục giảm so với năm 2021 là 2,85%. Có 8/11 Cục không phát sinh nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong năm. Có 3/3 Cục hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong năm.

Cục Viễn thông, Cục Bưu điện Trung ương, Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông là đơn vị bị trừ điểm thẩm định lĩnh vực này.

Đối với các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, chỉ số cải cách thể chế năm 2022 tăng nhẹ so với năm 2021. Có 6/7 đơn vị có kết quả thẩm định đạt điểm tối đa. Trong đó, Vụ Khoa học và công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ là hai đơn vị có kết quả chỉ số lĩnh vực cao nhất lần lượt là 93,71% và 93,56%.

Đối với chỉ số lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính năm 2022 của các Cục trực thuộc Bộ tăng 3,95% so với 2021.

Có 5/7 Cục có kết quả chỉ số tăng so với 2021 là Cục Xuất bản, in và phát hành, Cục An toàn thông tin, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.

Có 3/8 Cục đạt điểm tối đa lĩnh vực này là Cục Thông tin đối ngoại, Cục Xuất bản, in và phát hành và Cục An toàn thông tin. Trong đó, Cục An toàn thông tin là đơn vị có kết quả chỉ số tăng cao nhất so với 2021 và cũng là đơn vị xếp thứ nhất.

Lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước năm 2022 của các Cục trực thuộc Bộ tăng nhẹ 0,91% so với 2021. Có 8/11 đơn vị đạt điểm tối đa trong lĩnh vực này. 

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước năm 2022 của các đơn vị khối cơ quan Bộ tăng cao, chỉ số trung bình đạt 97,51%. Có 8/8 đơn vị có kết quả thẩm định đạt điểm tối đa.

Lĩnh vực cải cách tài chính công của các Cục tăng nhẹ. Ở các cơ quan hành chính của các đơn vị khối cơ quan Bộ có 8/8 đơn vị có chỉ số lĩnh vực đạt 88,33% do thực hiện thanh quyết toán các nhiệm vụ chuyên môn chậm tiến độ quy định.

anh chup man hinh 2023 11 06 luc 104937.png
Chỉ số cải cách hành chính lĩnh vực xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số năm 2022 của các Cục trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính lĩnh vực xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số năm 2022 của các Cục trực thuộc Bộ giảm 8,36%. Có 7/10 Cục có kết quả chỉ số giảm so với năm 2021.

Trong đó Cục Viễn thông giảm nhiều nhất. Cục An toàn thông tin là đơn vị có chỉ số lĩnh vực tăng nhiều nhất với 15,36% .

Đối với các đơn vị khối cơ quan Bộ giảm 15,41% so với năm 2021. Có 7/8 đơn vị đều có chỉ số giảm lớn hơn 10% so với năm 2021. Vụ Kế hoạch tài chính là đơn vị duy nhất có chỉ số lĩnh vực này tăng 5,07%.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kết quả cải cách hành chính hàng năm của các đơn vị có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của Bộ. Vì vậy, để đảm bảo nâng cao chất lượng cải cách hành chính của Bộ, trong thời gian tới, Bộ yêu cầu các đơn vị rà soát đánh giá rút kinh nghiệm về quá trình triển khai kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của đơn vị. Từ đó, tìm ra nguyên nhân, yếu tố ảnh hưởng và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân đơn vị đối với kết quả cải cách hành chính. Có giải pháp nâng cao kết quả cải cách hành chính của đơn vị mình.

Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tập trung cải cách thể chế, trong đó trọng tâm là hoàn thiện và tổ chức triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát, công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo đúng tiến độ và kịp thời.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thông qua việc nâng cao chất lượng tuyển dụng đào tạo, tinh giản biên chế, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, chú trọng nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình thanh toán trực tuyến…

Thuý Lê