{keywords}
Nhân viên giao hàng tại Hàn Quốc hoạt động hết công suất trong mùa dịch. (Ảnh: DongA)

Từ mua sắm trực tuyến, đặt đồ ăn trực tuyến đến chatbot, khám bệnh từ xa, công nghệ kỹ thuật số kích thích sự phát triển của các dịch vụ giảm tối đa tương tác trực tiếp. Tại Hàn Quốc, một trong các cường quốc công nghệ mạnh nhất thế giới, họ có một từ để mô tả điều này, đó chính là “untact” (không tiếp xúc).

Là thuật ngữ được dùng đầu tiên bởi những người làm tiếp thị, dịch vụ không tiếp xúc nay được triển khai rộng rãi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế của Hàn Quốc. Trong sáng kiến Digital New Deal trị giá 62 tỷ USD của Tổng thống Moon Jae In, dịch vụ untact được nhắc đến không ít lần. Digital New Deal tìm cách thúc đẩy các ngành công nghiệp không tiếp xúc, bao gồm xây dựng 18 bệnh viện thông minh để khám bệnh từ xa, cung cấp dịch vụ chăm sóc kỹ thuật số cho người cao tuổi và nhóm người yếu thế, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thiết lập hội thảo trực tuyến và hỗ trợ bán hàng qua mạng cho doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, còn có các khoản đầu tư vào công nghệ kích hoạt dịch vụ untact như robot, drone, Internet tốc độ cao.

Dịch vụ untact tại Hàn Quốc tăng tốc mạnh mẽ trong đại dịch, một phần do khuyến cáo giãn cách xã hội và vấn đề vệ sinh. Mô hình xét nghiệm Covid-19 trên xe hơi (drive-through) nhanh chóng được áp dụng sang các lĩnh vực khác, từ đó mô hình mua sắm drive-through cũng ra đời. Chẳng hạn, các chợ hải sản lớn tận dụng bãi đỗ xe để cung cấp dịch vụ drive-through, nơi khách hàng đặt món ngay trên xe hơi khi họ vừa đến chợ và người bán hoàn thành đơn hàng ngay lập tức. Các siêu thị cũng giao sản phẩm đặt trước cho khách hàng tại bãi đỗ xe. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác như cho mượn sách, bán nông sản, cho thuê đồ chơi…

Hầu hết các dịch vụ giao đồ ăn và bưu phẩm đã chuyển từ dịch vụ cá nhân sang phương pháp untact. Lớp học tại các cấp chuyển sang hình thức trực tuyến. Công ty sửa chữa ô tô cũng cung cấp tùy chọn “nhận hàng và giao hàng đặc biệt”, bảo đảm mọi dịch vụ không tiếp xúc, hỗ trợ khách hàng e ngại đến trung tâm bảo hành do dịch bệnh.

{keywords}
Thông tin đơn hàng cập nhật liên tục tới người mua/

Với hoạt động chuyển phát thông thường, quy trình tương đối đơn giản: sau khi người dùng đặt hàng qua ứng dụng hoặc website, thông tin đơn hàng sẽ được cập nhật liên tục (bao gồm thời gian dự kiến giao hàng). Nhân viên giao hàng sẽ đặt đơn hàng trước cửa nhà, trong một tủ đồ riêng hoặc một điểm thống nhất với người nhận. Các tòa nhà hầu như đều có tủ chứa đồ hoặc buồng chứa đồ. Cuối cùng, nhân viên giao hàng chụp ảnh và gửi tin nhắn thông báo đã giao xong. 

Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cũng thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn bằng máy bay không người lái. Trong chuyến bay thử nghiệm tại thành phố Sejong, 5 drone giao đồ ăn và mặt hàng khác đến nhà của mọi người cách đó 2 tới 3km, bay qua một hồ nước và những tòa nhà cao tầng chỉ trong 10 phút.

Doanh nghiệp tư nhân triển khai các dịch vụ untact đặc biệt phục vụ khách hàng trong mùa dịch. Chẳng hạn, tại chuỗi đồ uống Dal.komm Coffee, một robot có thể pha chế 90 cốc nước mỗi giờ, trong khi Lab 101, một cửa hàng bán lẻ không nhân viên, lại tự động mở cửa khi khách hàng quẹt thẻ tín dụng ở cửa ra vào. Chuỗi đồ ăn nhanh Lotteria đặt ki-ốt tại hơn 800 cửa hàng, còn KFC lắp đạt thu ngân điện tử tại tất cả các điểm. Những cửa hàng mỹ phẩm tại Seoul trang bị gương thông minh, dùng công nghệ thực tế tăng cường.

Ngay cả một cửa hàng bán salad nhỏ cũng cảm thấy áp lực cung cấp dịch vụ không tiếp xúc. Khách hàng đến đây bỏ qua màn chào hỏi từ trước mà tiến thẳng đến ghế trống, nhắn tin đơn hàng và số bàn bằng ứng dụng KakaoTalk. Việc này không chỉ giảm tỷ lệ trao đổi trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng mà còn loại bỏ nhu cầu phải có nhân viên ghi đơn, đồng nghĩa với việc vận hành chỉ cần 1 hoặc 2 người.

Bưu điện Hàn Quốc phát triển ứng dụng triển khai mạng lưới “bưu cục di động” tự động. Theo đó, các bưu cục di động này tự di chuyển tới cửa nhà khách hàng theo thời gian chỉ định. Khách hàng mở cửa bưu cục bằng mã số được cấp rồi nhận gói hàng, tương tự như khi bưu tá đến chuyển phát.

Nhìn chung, các dịch vụ không tiếp xúc, mà nổi bật nhất là giao hàng không tiếp xúc, là một trong các biện pháp được Hàn Quốc sử dụng để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian giãn cách, vừa đảm bảo được an toàn và giảm nguy cơ lây nhiễm.

Du Lam (Tổng hợp)

 

Bộ TT&TT đề xuất cho shipper hoạt động, doanh nghiệp phải quản lý đảm bảo an toàn

Bộ TT&TT đề xuất cho shipper hoạt động, doanh nghiệp phải quản lý đảm bảo an toàn

Xuất phát từ quan điểm cần cho phép hoạt động các shipper có doanh nghiệp quản lý, chịu trách nhiệm về phòng dịch, Bộ TT&TT đã đề xuất duy trì hoạt động đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) tại các tỉnh, thành đang giãn cách.