Tham vọng
Ngày 26/10, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) đã công bố thương hiệu Heo ăn chay BaF Meat. Theo giới thiệu, heo ăn chay là đàn heo chỉ ăn thức cám được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật. Công thức cám chay loại bỏ thành phần chứa gốc đạm động vật.
Chủ tịch HĐQT BaF – ông Trương Sỹ Bá cho biết, tới quý IV/2023, khi tất cả các trang trại đi vào hoạt động, lúc đó tổng đàn heo của BaF dự kiến sẽ đạt khoảng trên 1 triệu con heo so với 300.000 con hiện tại. BaF không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt.
Đại diện Siba Food, đơn vị phân phối thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt của BaF cho hay, đơn vị đang vận hành 50 siêu thị và 250 điểm Meatshop phân bố chủ yếu ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng. Kế hoạch năm 2023, nhà phân phối này sẽ mở rộng thêm 100 siêu thị và 1.000 BaF MeatShop.
Trước đó, hồi giữa tháng 9, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng đã ra mắt cửa hàng bán thịt heo ăn chuối BapiFood đầu tiên tại TP.HCM. Mục tiêu đến cuối năm 2023, số lượng cửa hàng bán thịt đạt khoảng 1.000 điểm, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Hoàng Anh Gia Lai tham vọng cung ứng 1 triệu con heo ăn chuối thông qua chuỗi cửa hàng trên và ứng dụng hỗ trợ.
Sự xuất hiện của “heo ăn chay” tiếp nối ngay sau “heo ăn chuối” như tín hiệu cho cuộc đua chiếm thị phần thị trường thịt heo nội địa.
Chủ tịch BaF đánh giá, thị trường thịt heo nội địa tiềm năng rất lớn nhưng có tới 90% sản lượng được phân phối tại các chợ truyền thống và chợ dân sinh. Quá trình giết mổ thủ công nên không thể kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Các mô hình khép kín sẽ giám soát các khâu từ con giống, thức ăn chăn nuôi, cho đến giết mổ, phân phối, chế biến sâu.
Càng nhiều đơn vị tham gia mô hình chăn nuôi 3F công nghiệp thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm nhiều lựa chọn.
Cuộc đua tranh giành thị trường 8,9 tỷ USD
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định, dư địa của thịt heo 3F còn nhiều, không gian còn rộng cho các doanh nghiệp phát triển. Đây mới là điểm mở đầu cho công cuộc chuyển trạng thái tiêu dùng các sản phẩm thịt từ chợ sang dùng các sản phẩm thịt ở hệ thống phân phối hiện đại.
Công ty Nghiên cứu thị trường IPSOS đánh giá, phân khúc thịt lợn thương hiệu tại Việt Nam còn dư địa tăng trưởng khoảng 10-15% mỗi năm, phân khúc này hiện chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Do vậy, đây vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt đi theo câu chuyện thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng.
Cùng với nhóm doanh nghiệp nước ngoài, thị trường sản xuất và chế biến thịt lợn đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp trong nước như Hoàng Anh Gia Lai hoặc BaF. Trước đó, Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) đã ra mắt thị trường vào cuối năm 2019.
Dữ liệu từ VNDirect, giá trị thị trường ngành thịt Việt Nam ước tính đạt 8,9 tỷ USD vào năm 2021. Sân chơi tỷ USD này đang có sự tham gia của nhiều công ty lớn như CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina, Dabaco và Masan Meatlife. Trong đó, CP Việt Nam - công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan, là doanh nghiệp sản xuất thịt lớn nhất Việt Nam với thị phần thịt lợn ước tính khoảng 17-18%.
Bà Trần Khánh Hiền – Giám đốc Phân tích VNDirect nhận định, thịt lợn là loại thịt thiết yếu ở Việt Nam, chiếm 66% tổng lượng thịt tiêu thụ, theo sau là thịt gia cầm và thịt bò. Các sản phẩm thịt sạch là đầu ra của mô hình 3F (Feed – doanh nghiệp tự sản xuất thức ăn chăn nuôi, đảm bảo dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của động vật; Farm - trang trại chăn nuôi ở quy mô công nghiệp, khép kín, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh; Food – thịt được kiểm soát nghiêm ngặt bởi nhà sản xuất).
Bà Hiền nhấn mạnh, xu hướng chuộng 3F phát triển mạnh ở khu vực thành thị nhờ sự phát triển của kênh thương mại hiện đại. Thị trường thịt lợn Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng và các doanh nghiệp áp dụng mô hình 3F sẽ hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi nhu cầu sang thịt sạch ở khu vực thành thị.