Doanh thu công nghiệp phần mềm Việt Nam năm 2018 tăng trưởng hơn 13% | Xuất khẩu phần mềm Việt Nam năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD doanh thu

Công nghiệp phần mềm Việt Nam năm 2018 tiếp tục là ngành duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao - 13,8%, với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD (Ảnh minh họa).

Bộ TT&TT cũng cho biết, trong năm qua, công nghiệp phần mềm của Việt Nam tiếp tục là ngành duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao - 13,8% với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. Tổng số doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hiện nay là khoảng 10.000 doanh nghiệp với lực lượng nhân lực toàn ngành là 120.000 người.

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế hiện nay của ngành phần mềm Việt Nam, đó là Việt Nam hiện vẫn chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp phần mềm lớn, thiếu các sản phẩm phần mềm áp dụng công nghệ cao có tính đột phá sáng tạo.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào quá trình thiết kế, phát triển phần mềm mà chỉ tham gia vào công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công lập trình phần mềm. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài đang có ưu thế trong thị trường các sản phẩm phần mềm cao cấp đòi hỏi độ chuyên nghiệp cao, chẳng hạn như trong lĩnh vực banking, logistic, các giải pháp liên quan đến kết nối tự động hóa trong sản xuất…

Theo kinh nghiệm quốc tế, trong các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ mới nổi, các quốc gia đều xây dựng chiến lược phát triển và có các hoạt động đầu tư, thực thi, hỗ trợ. Cụ thể, dự kiến một số xu thế phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2018 sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2019 là sự phát triển mạnh của các giải pháp, phần mềm ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, blockchain; giải pháp, phần mềm trong lĩnh vực an toàn thông tin; phát triển ứng dụng web cấp tiến; tự động hóa việc lập trình.

Được biết, hiện nay Bộ TT&TT đã chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển những doanh nghiệp công nghệ tiên phong, quy hoạch phát triển một số sản phẩm CNTT trọng điểm, trong đó có phần mềm cho các giai đoạn 2019-2020, 2021-2025. Việc xây dựng và triển khai chiến lược này được Bộ TT&TT xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.

Ở góc độ của tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp phần mềm nước nhà, trước đó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA Trương Gia Bình đã bày tỏ sự kỳ vọng các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam đi nhanh vào chuyển đổi số, tạo vị thế cho Việt Nam trở thành một quốc gia thông thạo về chuyển đổi số, đẩy doanh số tăng trưởng tốc độ cao hơn nữa, sao cho công nghiệp phần mềm Việt Nam 10 năm tới tăng cỡ 10 lần, lên thành 30 tỉ USD và vượt ngưỡng 1 triệu lập trình viên.

Mới đây, tại hội nghị Chiến lược VINASA 2019, Hiệp hội đã xác định mục tiêu trọng tâm trong các hoạt động của Hiệp hội năm 2019 là “Xung kích Chuyển đổi số”. “Hoạt động của VINASA năm 2019 và các năm tiếp theo sẽ tập trung vào xây dựng các mô hình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp phần mềm, làm điển hình thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước; tư vấn và xây dựng thành công các mô hình thành phố thông minh, chính quyền số tại các thành phố, địa phương, hướng tới xây dựng Chính phủ số”, đại diện VINASA cho hay.