Ngày 24/12, Sở du lịch tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tỉnh Quảng Bình năm 2022.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình; về tiềm năng phát triển bền vững du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của khu vực; đề xuất các sản phẩm du lịch, khuyến nghị các cơ chế chính sách để thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm du lịch với trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Trong chương trình, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình ra mắt kênh Tiktok Du lịch Quảng Bình có tên gọi “Visit Quang Binh” để đẩy mạnh quảng bá du lịch, đặc biệt là các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số và khu vực miền núi của tỉnh.
Theo báo cáo tại sự kiện, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Bình có diện tích khoảng 3.845km2, chiếm hơn 47% diện tích toàn tỉnh và dân số hơn 45 nghìn người, chiếm khoảng 4,98% số dân. Đây là địa bàn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình bao gồm dân tộc Bru - Vân Kiều (với các nhóm Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong) và dân tộc Chứt (bao gồm các nhóm, Sách, Mày, Rục, Arem, Mã liềng), sinh sống tập trung theo cộng đồng trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Với hơn 40 sản phẩm du lịch hiện đang khai thác tại địa bàn, các sản phẩm du lịch tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh và xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại xã Thượng Hóa; khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời, Bãi Đạn; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn – hang Rục Mòn...
Hội nghị nêu ra, việc phát triển du lịch khu vực miền núi của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm du lịch còn thiếu đa dạng. Sự tham gia và lợi ích của người dân còn hạn chế.
Để thực hiện được "mục tiêu kép" vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trước tiên tỉnh cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.
Đồng thời, Sở Du lịch Quảng Bình cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo trong xây dựng các sản phẩm du lịch ở khu vực này; đồng thời tham mưu cho tỉnh dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới gắn với bảo tồn nét văn hóa, phong tục độc đáo của đồng bào.
Thanh Hùng, Thu Hà, Mai Hương, Huy Linh