Ngày 9/5, đồng sáng lập Facebook Chris Hughes đã đăng tải ý kiến lo ngại về quyền lực của Facebook lên New York Times. Trong bài viết này, ông Hughes cho rằng Facebook đã trở nên quá lớn mạnh, quyền lực nên cần chia nhỏ công ty này.
Giới chính trị gia ủng hộ đề xuất chia nhỏ Facebook
“Facebook đã trở nên quá lớn mạnh và quá quyền lực, và đó là một phần của trào lưu trong nền kinh tế nơi mà các công ty ngày càng tập trung và tăng quyền lực. Tuy nhiên chúng ta có thể sửa chữa bằng cách chia nhỏ Facebook và quản lý nó”, ông Hughes chia sẻ.
Mark Zuckerberg và Chris Hughes là bạn cùng phòng, cùng sáng lập Facebook năm 2004. Ảnh: Polaris. |
Sau khi bài viết được đăng tải, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã lập tức lên tiếng ủng hộ. Bà Warren đang chạy đua cho kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, và một trong những sách lược tranh cử của bà là kiểm soát các công ty công nghệ.
“Ông Hughes nói đúng. Những công ty công nghệ ngày nay có quá nhiều quyền lực đối với nền kinh tế, xã hội và cả nền dân chủ của chúng ta. Họ đã chèn ép đối thủ, sử dụng thông tin của cá nhân để kiếm lợi, xóa sổ các công ty nhỏ và giết chết sự sáng tạo”, bà Warren viết trên Twitter.
Trong bài viết của mình, ông Hughes cho rằng Ủy ban thương mại Mỹ FTC đã phạm sai lầm khi cho phép Facebook mua lại Instagram và WhatsApp. Theo ông Hughes, ở thời điểm được Facebook mua, Instagram và WhatsApp đều đã là những dịch vụ rất được ưa chuộng, dù chưa đạt được doanh thu đáng kể.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người liên tục kêu gọi phải kiểm soát các công ty công nghệ lớn đang sử dụng sách lược này để tranh cử tổng thống Mỹ. Ảnh: Getty. |
Hạ nghị sĩ Ro Khanna cũng đồng ý với những ý kiến của ông Hughes, và cho rằng Facebook đúng ra không được phép mua lại WhatsApp và Instagram.
“Tôi tin rằng con đường đúng đắn trong tương lai là xem xét thật kỹ những vụ mua bán và đảm bảo không công ty nào có một đặc quyền về nền tảng để chèn ép sự cạnh tranh. Lịch sử của thung lũng Silicon được tạo nên khi những gã khổng lồ của quá khứ như AOL, Yahoo, Cisco hay thậm chí Microsoft nhường chỗ cho những gã khổng lồ mới. Chúng ta cần những bộ luật được biên soạn chặt chẽ để đảm bảo điều đó tiếp tục trong tương lai”, ông Khanna bình luận.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cũng có ý kiến tương tự. Trong bài phỏng vấn với CNBC, ông cho rằng thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp cần phải bị xem xét lại, và Bộ Tư pháp Mỹ cũng phải tiến hành các biện pháp chống độc quyền.
“Trở thành một công ty lớn không phải là điều vi phạm pháp luật. Tuy nhiên tận dụng quy mô và sức mạnh trên thị trường như Facebook để mua lại các công ty sáng tạo trước khi họ có thể đạt đến mức độ trưởng thành, hay sao chép những công nghệ để chèn ép cạnh tranh và sự sáng tạo là sai trái”, ông Blumenthal chia sẻ.
Nhà báo công nghệ nổi tiếng Walt Mossberg cũng lên tiếng ủng hộ bài viết của ông Chris Hughes.
“Tôi hoàn toàn đồng ý với bài viết thẳng thắn và thông minh của ông Chris Hughes về việc phải chia nhỏ công ty khổng lồ và tệ hại này, đồng thời phải quản lý thật chặt chẽ những đơn vị còn lại dưới một bộ luật về quyền riêng tư thật nghiêm khắc”, ông Mossberg nói trên Twitter.
Facebook phản hồi gì?
Phản hồi về bài viết của Chris Hughes, người phát ngôn của Facebook Nick Clegg cho rằng những ý kiến không hoàn toàn chuẩn xác.
“Chúng ta không thể áp đặt trách nhiệm bằng cách yêu cầu chia nhỏ một công ty Mỹ thành công. Trách nhiệm của những công ty chỉ có thể đến qua quá trình lâu dài, kỹ lưỡng để đưa ra bộ luật mới cho Internet. Đó cũng chính là những gì Mark Zuckerberg yêu cầu”, ông Nick Clegg cho biết.