Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Công Hinh cho biết, nếu để những xuất bản phẩm nội dung được xem là có sai sót và không phù hợp được đưa vào nhà trường thì trách nhiệm thuộc về giáo viên và thủ trưởng các cơ sở giáo dục.
Trách nhiệm thuộc hiệu trưởng, giáo viên
Ngày 7/2, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Công Hinh trả lời VietNamNet liên quan đến phản ánh của giáo viên về những bất cập trong bộ sách thực hành kĩ năng sống của học sinh tiểu học do NXB Giáo dục xuất bản.
Trả lời về việc hiện nay Bộ có quy định nào về kiểm duyệt và cho phép đưa sách kỹ năng sống vào trường học, ông Hinh cho biết:
Thông tư số 21/-BGDĐT 2014/TT ngày 07/07/2014 của Bộ GDĐT quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (Thông tư 21) đã hướng dẫn những yêu cầu về nội dung của tài liệu tham khảo, đồng thời hướng dẫn quy trình tổ nhóm chuyên môn đề xuất, hiệu trưởng thành lập hội đồng đánh giá làm căn cứ cho hiệu trưởng xem xét quyết định lựa chon tài liệu tham khảo dùng trong nhà trường.
Riêng đối với Tài liệu dạy kỹ năng sống, tại Điều 6 Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa đã quy định:
“Có đủ giáo trình, tài liệu do Bộ GD-ĐT ban hành hoặc phê duyệt. Nếu giáo trình, tài liệu tự lựa chọn hoặc tự xây dựng thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động hoặc cơ quan xác nhận đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Quy định này chấp thuận; đảm bảo yêu cầu, có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, không trái với các quy định của pháp luật”.
Ông Hinh cho biết: “Đối với những xuất bản phẩm mà nội dung được xem là có sai sót do NXB Giáo dục xuất bản thì NXB Giáo dục phải chịu trách nhiệm.
Đối với những xuất bản phẩm mà nội dung được xem là có sai sót và không phù hợp được đưa vào nhà trường thì theo khoản 1 Điều 5 và khoản 5 Điều 6 của Thông tư 21 nêu trên, trách nhiệm thuộc về giáo viên và thủ trưởng các cơ sở giáo dục”.
TS Phan Quốc Việt trong một buổi dạy kĩ năng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trước đó, trả lời VietNamNet, ông Phan Quốc Việt, chủ biên bộ sách thực hành kĩ năng sống cho học sinh tiểu học thừa nhận nội dung bộ sách còn một số sai sót. Ví dụ như nội dung yêu cầu học sinh kể tên 5 hoa hậu thế giới trong 5 năm vừa qua hay kể tên 5 người đoạt giải Nô-ben năm 2012. Tuy nhiên sách sẽ sớm có sửa chữa, bổ sung.
Không ép buộc học sinh học kỹ năng sống
Liên quan đến nội dung dạy kĩ năng sống trong nhà trường, ngày 28/1/2015 Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống yêu cầu các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, dựa vào điều kiện thực tế của trường, địa phương và tâm lý lứa tuổi của học sinh để tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống.
Công văn do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký yêu cầu các trường tránh tổ chức hình thức, quá tải, khiên cưỡng, không gây áp lực, không ép học sinh tham gia.
Bộ nhấn mạnh, người học phải được giáo dục những kỹ năng cơ bản hướng tới hình thành thói quen tốt, phù hợp thực tiễn, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, vừa đảm bảo hội nhập quốc tế. Nội dung phải phù hợp từng lứa tuổi và rèn luyện theo mức độ tăng dần.
Với học sinh tiểu học, cần tập trung vào kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, như xây dựng tình bạn đẹp, kiên trì trong học tập, đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, đồng cảm để tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về lực học và đạo đức.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với đơn vị có chương trình giáo dục kỹ năng sống; tích hợp vào các môn học và tăng ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức dạy kỹ năng sống.
Văn Chung