Sức chống đỡ yếu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2020 có 34.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 24.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và 30.600 doanh nghiệp không hoạt động, tất cả đều tăng cao so với cuối năm 2019.

Trong số 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống,...

{keywords}
8 tháng năm 2020, đã có 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy, chỉ có 3% số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tỷ lệ doanh nghiệp phải giải thể chiếm 2% tổng số tham gia khảo sát. Tỷ lệ doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 20%. Có tới 75% số doanh nghiệp vẫn hoạt động, nhưng không cân đối được thu - chi, tức là dòng tiền vào nhỏ hơn chi phí.

Dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp. Cũng theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, có tới 81% số doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất là không có đơn đặt hàng trong vòng 6 tháng tới, 72% số doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn,... Ngoài ra, còn thiếu tiền để trả lãi vay ngân hàng, mua nguyên liệu, thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng,... Sức chống chịu của phần lớn doanh nghiệp hiện rất yếu, đặc biệt là dòng tiền để duy trì hoạt động đang vô cùng khó khăn.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành da giày vẫn chưa tìm được sản phẩm thay thế; dệt may dù chuyển hướng sang một số sản phẩm phòng, chống dịch (như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ,... ) nhưng đơn hàng rất khan hiếm. Du lịch, lữ hành hoàn toàn tê liệt.

Chỉ số sản xuất công nghiệp mấy tháng qua vẫn trên đà giảm, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm sâu. Nếu 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 2,71% thì 7 tháng còn 2,6% và 8 tháng còn 2,2% (so với cùng kỳ năm trước), thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thường trực nỗi lo phá sản

Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay tới cuối năm là thời điểm cực kỳ quan trọng, liên quan tới sự tồn tại của rất nhiều doanh nghiệp. Việt Nam là nền kinh tế mở,  kim ngạch xuất nhập khẩu trên 520 tỷ USD, gấp đôi GDP. Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên thế giới, nhu cầu hàng hóa giảm mạnh, kinh tế giảm sâu. Vì vậy, tình hình càng khó hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một khi các đối tác kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,... vẫn đang vất vả đối phó với dịch bệnh, nhu cầu hàng hóa sẽ giảm. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu, dự báo số người mất việc, thất nghiệp còn tăng.

{keywords}
 Rất nhiều DN đang chật vật đối phó với khó khăn, không biết có trụ nổi không.

Bộ LĐ-TB&XH đã tính đến kịch bản xấu nhất, thời gian tới, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên đến 70%, số lao động mất việc làm có thể lên tới 60.000-70.000 người mỗi tháng, còn số lao động bị tạm ngừng việc, giãn việc, giảm việc là 3,5-5 triệu người.

Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, điều mong mỏi nhất hiện giờ là phải giữ cho doanh nghiệp “sống” được. Rất nhiều đơn vị đang chật vật đối phó với khó khăn, không biết có trụ nổi không.

Dự báo của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, 6 tháng cuối năm 2020, Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của một số yếu tố cộng hưởng, đặc biệt từ sự bất định và suy giảm mạnh của kinh tế thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, theo các dự báo, sớm nhất cũng phải tới năm 2022 kinh tế thế giới mới trở lại bình thường như trước dịch.

Theo ông Steven Bùi, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam - Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp đã giảm đáng kể doanh thu, thua lỗ, phải cắt giảm hoạt động kinh doanh, giảm số lượng lao động, song đến nay vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Hầu hết các công ty đã kiệt lực, không còn sức chống chịu, chỉ quan tâm làm cách nào tiết giảm dòng tiền chi ra.

Hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này trở thành vấn đề cấp bách. Doanh nghiệp mong Chính phủ sớm đưa ra các chính sách như miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản chi. Cụ thể, như các khoản phải nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện... các khoản thuế và tiền thuê đất năm 2020. Đặc biệt, họ nóng lòng được vay từ gói ưu đãi lãi suất thấp.

Xét về phương diện hỗ trợ bằng nguồn tiền ngân sách, Việt Nam so với nhiều nước còn rất thấp do nguồn lực có hạn. Dư địa dùng ngân sách để hỗ trợ không lớn. Chúng ta vẫn áp dụng giải pháp tình thế, trong khi tác động của Covid-19 không dừng lại ở những gì đang thấy. Do đó, cần có gói hỗ trợ đủ mạnh để giúp các DN chờ giải thể, dừng hoạt động có thể trở lại sản xuất kinh doanh, giảm tối đa việc sa thải lao động.

Các chính sách ban hành phải được thực thi nhanh, thuận tiện và đồng bộ. Cần có chế tài mạnh, với các khâu thực thi đi ngược chủ trương “tạo thuận lợi” của Chính phủ. Nếu không sẽ có nhiều DN phải ngưng hoạt động, giải thể, phá sản trước khi nhận được hỗ trợ.

Trần Thủy