“Em từng có suy nghĩ rằng, du học chỉ dành cho những bạn khá giỏi hoặc khá giả. Do vậy, con đường du học với em sẽ rất khó chạm tới”, Nguyễn Mậu Đức Bình, sinh năm 2003, quê Đồng Hới (Quảng Bình), nhớ lại.
Năm 11 tuổi, ba Bình mất vì xuất huyết não. Trước đó nửa năm, mẹ em không may bị tai nạn phải nghỉ làm. Quãng thời gian đó với Bình vẫn làm nỗi ám ảnh mỗi khi nhớ lại. Cũng kể từ ấy, Bình bắt đầu ý thức hoàn cảnh, tranh thủ đi chụp ảnh thuê để kiếm tiền.
Vốn sáng dạ, Bình thi đỗ vào lớp chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp. Mùa hè năm lớp 10, nam sinh Đồng Hới nhận được một suất học bổng toàn phần của chương trình trại hè HVIET được tổ chức bởi các sinh viên Đại học Harvard.
“Cơ hội ấy như một bước ngoặt làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của em về câu chuyện du học”, Bình nói.
Trong vòng 10 ngày tại TP.HCM, Bình được tham gia các lớp học trau dồi khả năng tư duy phản biện, đàm thoại với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, được tìm hiểu về các tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên nam sinh Đồng Hới biết đến khái niệm giáo dục khai phóng (Liberal arts).
Như được truyền động lực, Bình mạnh dạn chia sẻ câu chuyện và mong ước của bản thân. Một người bạn của Bình tại trại hè khuyên em nên thử tìm hiểu về học bổng của Trường Liên kết Thế giới (United World College - UWC).
Khi trở về, lời khuyên ấy khiến Bình băn khoăn. “Nếu không thử, mình sẽ không bao giờ biết bản thân có thể làm được những gì”. Vì thế, nam sinh quyết định thử nộp hồ sơ, dù cũng không có nhiều kỳ vọng.
Để giành một suất học bổng của UWC, ứng viên phải trải qua 4 vòng gồm hồ sơ, phỏng vấn online, làm việc nhóm, phỏng vấn với hội đồng.
Bình thừa nhận hồ sơ của mình không có quá nhiều hoạt động, nhưng những điều em làm đều là những thứ em rất tâm huyết.
Bình là đồng sáng lập Câu lạc bộ Tranh biện thành phố Đồng Hới. Nam sinh từng thực hiện một cuộc khảo sát về mức độ ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình đến tư duy phản biện của học sinh và giành giải Ba cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh.
Trong hồ sơ và các vòng phỏng vấn, Bình đều bày tỏ mong muốn đồng nhất là có thể góp phần giảm sự bất bình đẳng giàu nghèo trong học tập và tư duy phản biện.
“Em từng tự ti vì mình không thể cạnh tranh được với các bạn có xuất phát điểm tốt hơn. Nhưng chính xuất phát điểm ấy đã đẩy em ra khỏi vòng an toàn từ sớm nên em không ngại thử. Từ việc thử xin chụp ảnh thuê, thử xin tài trợ vé máy bay đi trại hè, đến việc thử xin học bổng đi du học. Em mong rằng có thể tiếp thêm động lực cho nhiều bạn khác vốn có xuất phát điểm không thuận lợi như em dám đam mê và tiến về phía trước”, Bình nói.
Vượt qua tỷ lệ chọi gắt gao với hơn 1.000 hồ sơ, Bình trở thành 1 trong 12 học sinh Việt Nam được UWC lựa chọn để trao học bổng toàn phần trong vòng 2 năm tại Singapore.
Đại diện UWC cho biết, điều khiến ban tuyển chọn ấn tượng với Bình là tinh thần tự lập, suy nghĩ lý trí để giải quyết các vấn đề xã hội. Đằng sau đó là sự quan tâm của em với cộng đồng của mình.
Còn Bình lại nghĩ rằng bản thân được lựa chọn là nhờ sự tò mò tìm hiểu về thế giới và mong muốn được trở thành một công dân toàn cầu.
Chuyến đi vòng quanh thế giới
Quyết định đi du học Singapore khi đang học lớp 11, mẹ Bình kiên quyết phản đối. “Em hiểu tính mẹ nên không mấy bất ngờ. Nhưng khi ấy, em đã sắp xếp mọi thứ, xin cả vé máy bay. Trường cũng rất chu đáo, chuẩn bị đầy đủ cho học sinh nên mẹ không cần phải lo gì hết. Em nói rằng cơ hội chỉ có một lần và đây chính là tấm vé giúp em vươn ra thế giới. Cuối cùng, mẹ cũng đồng ý cho em đi”, Bình nhớ lại.
Tuy nhiên những ngày đầu du học với Bình không hề dễ dàng. “Em áp lực khủng khiếp vì xung quanh mình đều là những bạn rất giỏi và có điều kiện. Chẳng hạn người bạn cùng phòng của em được xem là một thiên tài toán học, hay một bạn khác từng lập ra một tổ chức phi chính phủ với rất nhiều hoạt động có sức ảnh hưởng. Còn em không có gì hết”.
Suốt một năm đầu “bấp bênh”, phải đến lớp 12, Bình mới bắt đầu thay đổi suy nghĩ tích cực hơn. “Mình không cần phải so sánh với ai ngoài việc phải tốt hơn bản thân mình mỗi ngày”.
Đó cũng là lần đầu tiên Bình dám đứng lên tổ chức một đêm trình diễn văn hóa Việt Nam ngay tại ngôi trường của mình, trước 2.000 học sinh tới từ hơn 30 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, Bình cũng xuất bản một tập san cho trường về việc sử dụng kỹ năng đa phương tiện mà em vốn có…
2 năm tại Singapore, với Bình đáng nhớ bởi quãng thời gian ấy đã khiến em trưởng thành hơn rất nhiều. Em cũng có được những người bạn ở khắp năm châu - như cách Bình nói, “dù đi tới đất nước nào em cũng có bạn bè để giúp đỡ”.
Sau 2 năm tại UWC, Bình nhận được tin trúng tuyển 6 ngôi trường đại học tại Mỹ. Nam sinh Đồng Hới sau đó quyết định theo học hai ngành là Hóa và Chính sách công tại ngôi trường khai phóng Davidson College với học bổng 8 tỷ đồng.
Chuyển tới Mỹ sau 2 năm học tập tại Singapore, lần này Bình thích nghi nhanh chóng. Ở Davidson College, vì không muốn mẹ bận tâm, ngoài giờ lên lớp, Bình còn làm thêm một vài công việc như bưng bê, cố vấn, thu thập dữ liệu và tiếp tục chụp ảnh thuê.
Sau 1 năm, nam sinh quyết định bảo lưu 1 kỳ học để bắt đầu chuyến hành trình đi tới hơn 10 quốc gia theo chương trình Semester at Sea, được tài trợ hoàn toàn bởi quỹ học bổng Davis-UWC. Nơi đầu tiên Bình đặt đến là Bỉ, sau đó tới Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Malta, Hy Lạp, Áo, Hungary, Ma Rốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Ấn Độ…Nửa sau của hành trình, Bình quyết định một mình tự đi xuyên lục địa.
Chuyến đi này cũng giúp Bình nhận ra rằng, thế giới thực sự rộng lớn, nhưng bản thân hoàn toàn có thể chinh phục. “Giống như một con cá nhỏ, nỗ lực đã đưa em ra bên ngoài, để biết đại dương bao la đến nhường nào”.
Bình cũng cảm thấy biết ơn quãng thời gian tại UWC đã cho mình những người bạn trên khắp thế giới.
“Thời điểm ở Ấn Độ, em từng gặp tại nạn lật xe giường nằm khi di chuyển từ Udaipur tới Jodhpur. May mắn tại đất nước này, em được ba mẹ của một người bạn tận tình chăm sóc trong suốt nhiều ngày. Đó là điều em luôn cảm thấy hạnh phúc và biết ơn”, Bình nói.
Kết thúc chuyến hành trình đi qua hơn 10 quốc gia, đầu tháng 1/2024, Bình sẽ trở lại giảng đường để bắt đầu cuộc sống sinh viên năm 2 tại Mỹ.
“Từ cậu học trò vùng quê, em hiểu cảm giác khó khăn thế nào để có thể vươn ra ngoài thế giới. Nhưng xuất phát điểm ấy không phải là rào cản để bản thân ngừng phấn đấu. Ngược lại, đó sẽ là động lực để mỗi cá nhân có thể vươn xa”.