LTS: Ngày 6/8, Thủ tướng đã có chỉ đạo, trường hợp Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc”, việc quy hoạch, xây dựng các hạng mục công trình công cộng thuộc thẩm quyền của tỉnh cũng phải được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực.
Bài viết dưới đây góp một góc nhìn về “bài toán” lựa chọn đầu tư phù hợp đối với một tỉnh nghèo như Sơn La.
Vào những ngày này, thử gõ từ “Sơn La” trên Google, hàng loạt tin hiện ra đầu tiên đều liên quan đến con số 1.400 tỷ đồng, là tổng mức đầu tư dự kiến của đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường thành phố tại thành phố Sơn La. Còn các bài khác về con người, danh lam thắng cảnh của tỉnh đều chịu lùi xuống hàng sau.
Điều làm cho Sơn La bỗng dưng nổi tiếng trong sự việc này là sự “chọi nhau” giữa quy mô của con số 1.400 tỷ với tình trạng nền kinh tế nghèo nàn của tỉnh. Trong bối cảnh như vậy, sự việc này đặt ra một câu hỏi: cần quyết chuyện tiêu tiền ở địa phương như thế nào, cơ quan quyết là Hội đồng nhân dân (HĐND) làm gì, và người đóng tiền là dân cư địa phương có tiếng nói như thế nào trong quá trình ra quyết sách.
Sơn La hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Trong ảnh: một nơi thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Thanhtra.com.vn. |
Tiêu tiền khi mới "tạm đủ ăn"
Một người dân bình thường nhất, chỉ cần tìm trên mạng cũng ra khá nhiều con số cho biết, Sơn La hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước. Ví dụ, toàn tỉnh có 11 huyện và 1 thành phố thì có tới 5/62 huyện nghèo nhất cả nước; đến hết năm 2013, toàn tỉnh còn gần 69.000 hộ nghèo, chiếm 27% tổng số hộ; hơn 30.000 hộ cận nghèo, chiếm gần 12% tổng số hộ; năm 2014 có hơn 31.000 hộ với hơn 141.000 nhân khẩu thiếu đói.
Còn về thu - chi ngân sách, Sơn La là một tỉnh không “dư giả” gì, chỉ tạm “đủ ăn”, chưa nói đến đầu tư để “thoát nghèo”. Tỉnh đang gặp hàng loạt vấn đề như: thiếu cầu đường, việc làm, nước sạch, thiếu các cơ sở phúc lợi xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm xá).
Các đại biểu HĐND tỉnh Sơn La, những người đã xem xét, quyết về dự án nói trên, càng có điều kiện nắm rõ hơn tình hình kinh tế, ngân sách tỉnh mình. Trước vô vàn vấn đề như vậy, lại còn mắc bệnh “viêm màng túi”, quyền quyết chuyện chi tiền có thể chuyển hóa thành cơn đau đầu dữ dội.
Trong tình cảnh như thế, một câu hỏi đặt ra là: với tư cách cơ quan có thẩm quyền quyết định kế hoạch kinh tế-xã hội ở địa phương, đồng thời quyết về ngân sách địa phương, HĐND có thể làm gì với túi tiền hạn hẹp đó để dùng vào đúng việc, đúng cách?
Trước hết, điều quan trọng nhất có lẽ là chọn ưu tiên. Tại sao lại chọn việc xây quảng trường thành phố với quần thể tượng đài? Việc thiếu các công trình này tác động đến địa phương như thế nào? Liệu thiếu công trình này có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đa số người dân? Bao nhiêu người hoặc nhóm người chịu ảnh hưởng? Nếu chỉ tác động đến một số ít người thì cần cân nhắc vì sao đáng ưu tiên? Nếu không xây quảng trường và quần thể tượng đài sẽ dẫn đến hậu quả gì, có trầm trọng không? Quan trọng nhất là đặt trong mối tương quan với các vấn đề khác, việc xây quảng trường và quần thể tượng đài có đáng ưu tiên hơn không, hay là có những chuyện cần hơn? Liệu đây có phải là chuyện mà đa số người dân quan tâm nhất không? Nguồn lực nào?
Thứ nữa, trong điều kiện túi tiền còn mỏng, việc giám sát tiêu tiền khắt khe, riết róng là điều hết sức quan trọng. Trong thực tế, không phải không có những câu chuyện chứng minh rằng, sự giám sát chặt chẽ của HĐND, không chỉ giám sát việc chi tiêu công, mà cả giám sát ngân sách ngay từ khi giao chỉ tiêu có thể mang lại cho ngân sách địa phương rất nhiều. HĐND hãy thử tìm hiểu xem, những dự án tượng đài, quảng trường ở các địa phương khác có giúp cho du lịch tăng hay không, thu về được những gì so với chi phí bỏ ra. Nhất là nhiều tượng đài đã xây rất là xấu và thiếu hồn, chẳng những không làm đẹp mà nhiều nơi còn làm xấu cả cảnh quan chung.
Nếu đặt ra những câu hỏi như vậy, cộng với tâm tư của những người ít tiền trong túi mà phải “đi chợ” cho hơn 1 triệu người dân trong tỉnh, có khi các đại biểu HĐND sẽ phải tính toán kỹ hơn.
Lúc đó, mỗi đại biểu sẽ tâm niệm rằng, làm những việc đáng làm, mang lại lợi ích nhiều cho người dân thì 14.000 tỷ cũng không nhiều, làm những điều chưa cần thiết mà không biết hiệu quả đến đâu thì 1,4 tỷ cũng đắt đỏ. Ngay cả khi với những đồng tiền ít ỏi, trong lúc chờ lên đời thành nhà giàu, chính quyền hãy như một nhà nghèo biết cách xoay xở, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Thế nào là đáp ứng nguyện vọng của dân?
Chính quyền tỉnh Sơn La (và những nơi có những công trình tương tự) nói, việc xây quần thể tượng đài gắn với quảng trường thành phố đáp ứng tình cảm, nguyện vọng, nhu cầu của đồng bào Sơn La (và cả đồng bào vùng Tây Bắc).
Làm sao để biết được nguyện vọng, nhu cầu của dân? Người viết bài này chợt nhớ câu chuyện thu lượm được cách đây không lâu về trưng cầu ý dân ở Thụy Sĩ. Vài tháng trước, Hội đồng thành phố Bern đã phải tổ chức cuộc trưng cầu để cư dân bỏ phiếu biểu quyết xem có cần xây quảng trường thành phố không. Và họ không chỉ vỏn vẹn đưa ra câu hỏi cần hay không cần, mà còn phải có nghĩa vụ in và phát hành tài liệu trình bày rõ ràng, tại sao cần xây quảng trường mà không phải thứ khác, có đáng không, tiền đâu v.v... Cuối cùng, có 62% người tham gia bỏ phiếu chọn phương án cần xây quảng trường, mở đường cho chính quyền thành phố bắt tay vào cuộc. Như vậy là đề án của chính quyền thành phố Bern đã "đáp ứng nguyện vọng của đồng bào Bern".
Nếu có quy định tương tự, HĐND tỉnh Sơn La sẽ phải trưng cầu ý dân về việc có cần xây dựng công trình nói trên hay không. Họ không chỉ phải đưa “nhõn” một câu hỏi là cần hay không cần, mà sẽ phải cung cấp thông tin rõ ràng tình hình thu - chi của tỉnh, tại sao lại phải xây công trình này với một số vốn lớn, mà không phải là trồng lại rừng, xây đường, trường, bệnh viện, thực hiện các chương trình hỗ trợ người nghèo v.v...Với thông tin như vậy mà người dân chọn phương án cần xây, thì lúc đó có vẻ mới nói được là "đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của người dân".
Ngay cả khi không có quy định về trưng cầu ý dân tại địa phương trong dự thảo luật, thì với quy mô vốn lớn, nhất là dù từ nguồn nào thì cũng đều là tiền nhân dân đóng góp. Trong bối cảnh ngân sách nghèo, chính quyền tỉnh vẫn rất cần tiến hành các cuộc tham vấn ý kiến người dân về việc này, với cách thức thực chất, thông tin đầy đủ, rõ ràng như đã nêu.
Tình cảm của đồng bào với Chủ tịch Hồ Chí Minh là sâu đậm. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với nhu cầu xây tượng đài, xây quảng trường, ít nhất tại thời điểm này. Chắc rằng, gần 70.000 hộ nghèo, 30.000 hộ cận nghèo, nhất là hơn 31.000 hộ đói ăn chưa có nhu cầu như vậy. Như ông Tráng A Pao, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói, “Bác Hồ được nhân dân tôn kính nhưng không phải vì thế mà xây tượng đài thật hoành tráng. Theo tôi nghĩ tôn kính Bác, phải học tập làm theo tấm gương của Bác đó là giản dị, tiết kiệm, biết lo cho dân”[1]. Hơn nữa, việc xây tượng đài không phù hợp với lối sống giản dị, luôn nghĩ đến cơm no, áo ấm cho nhân dân, với cốt cách Hồ Chí Minh: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Đến với Sơn La
Sơn La vốn được người dân cả nước biết đến nhờ nhà máy thủy điện, cao nguyên Mộc Châu, hang dơi Mộc Châu, cụm du lịch sông Đà, hồ Tiền Phong, thác Dải Yếm, bản Moòng, hoa ban nở trắng rừng ngày xuân, những cô gái Thái dập dìu những điệu múa, tiếng hát níu lòng khách đến. Nay người dân Sơn La bỗng dưng nổi tiếng vì 1.400 tỷ đồng, và không ai muốn được nổi tiếng theo cách đó.
Người dân nơi đây chắc mong lắm đến một ngày nào đó đón bạn phương xa đến chơi, đứng trên quảng trường thành phố đẹp đẽ, nhộn nhịp, tự hào nói: Dân tỉnh tôi giờ khá giả lắm, khách du lịch đến đông lắm, từ đây bạn có thể dễ dàng thăm thú, thưởng ngoạn nhiều nơi trù phú, phong cảnh hữu tình trong tỉnh. Nhưng đường đến viễn cảnh như vậy khởi đầu bằng sự chắt chiu, sử dụng những đồng tiền có được đúng việc, đúng cách, trước hết là từ phía chính quyền.
Nguyễn Đức Lam
[1] “Tôn kính Bác Hồ không nhất thiết phải xây tượng đài hoành tráng”, Dân trí, 05/08/2015.