"Với một đời người, những khát vọng đầu tiên trong ngày khai trường đầu tiên ấy chẳng phải là điểm tựa để người ta khôn lớn, trưởng thành sao?".
Trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, tiếng trống trường đã vang lên báo hiệu năm học mới bắt đầu. Ai cũng có một ngày khai trường để nhớ, diễn đàn Khai trường xưa – là nơi để độc giả tua lại một phần ký ức của mình, về kỷ niệm ngày đầu tiên đến trường.
VietNamNet giới thiệu bài viết của thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, về những ngày khai trường đồng thời là bước ngoặt trong cuộc đời. Dưới đây là bài viết của thầy Nguyên Minh:
Ngày khai trường đầu tiên trong đời học sinh...
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.
... Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ” (Tôi đi học – Thanh Tịnh).
Đã từ nhiều năm rồi, mỗi khi tháng 9 về, trông thấy các em học sinh, các bậc cha mẹ náo nức, rộn ràng chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, tâm trí tôi lại vang lên những dòng văn trên của nhà văn Thanh Tịnh. Cũng phải, ai đã từng đi qua thời học sinh cắp sách đến trường mà chẳng tìm thấy tâm trạng của chính mình trong áng văn tha thiết ấy, để hồi ức gọi về bao nhiêu kỉ niệm yêu thương của ngày đầu tiên đi học.
Năm 1989, tôi lên 6 tuổi, đến tuổi vào lớp 1.
Tháng 9 năm ấy, tôi dự lễ khai giảng đầu tiên trong đời học sinh. Tôi không thể nào nhớ kĩ để có thể kể lại một cách tỉ mỉ, cũng không có đủ sự tài hoa để có thể diễn đạt một cách tài tình những kí ức của ngày khai trường đầu tiên như nhà văn Thanh Tịnh.
Chỉ chắc chắn một điều là đối với tôi, ngày khai trường đầu tiên ấy là ngày có ý nghĩa đặc biệt như một điều gì thiêng liêng lắm, in hằn trong kí ức không thể nào quên.
Bên cạnh cảm giác rụt rè, bỡ ngỡ xen lẫn háo hức trước quang cảnh buổi lễ trang nghiêm, trước cô giáo chủ nhiệm và các bạn học sinh cùng lớp, một đứa trẻ 6 tuổi là tôi bỗng cảm thấy như mình lớn hơn, trưởng thành hơn một chút so với những tháng ngày trước đó.
Cảm giác ấy tuy còn mơ hồ, chẳng lấy gì làm rõ rệt nhưng tôi biết rằng ngay sau ngày hôm nay, tôi sẽ phải thức dậy sớm hơn, phải tự mình chuẩn bị mọi thứ tươm tất cho việc đến trường, phải tự mình học bài, chuẩn bị bài, chăm lo cho việc học… Nghĩa là ngày khai trường đầu tiên ấy đã tạo nên một sự thay đổi lớn để một đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ bắt đầu biết lo toan cho cuộc sống của chính mình.
Với tôi, ngày đó còn có ý nghĩa như ngày khởi đầu cho những khát vọng mới, thiết thực hơn chứ không phải những ước mơ ngây thơ như cổ tích trong những tháng ngày rong chơi vô tư lự. Lắng nghe từng lời dặn dò của thầy hiệu trưởng, từng lời hứa quyết tâm của chị học sinh lớp 5 đại diện học sinh lên phát biểu, tôi bắt đầu mơ ước về những điểm mười, những phần thưởng, những lời ngợi khen…
Với một đời người, những khát vọng đầu tiên trong ngày khai trường đầu tiên ấy chẳng phải là điểm tựa để người ta khôn lớn, trưởng thành sao?
... và ngày khai trường đầu tiên trong đời nhà giáo
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tôi được phân công về giảng dạy ở trường chuyên của tỉnh Phú Yên.
Tháng 9 năm ấy, tôi dự lễ khai giảng ở trường. Dù đã trải qua bao nhiêu mùa khai trường từ tiểu học, trung học rồi đại học nhưng đối với tôi đó là một ngày có rất nhiều cảm xúc, một ngày lưu lại trong tâm trí tôi những hồi ức không bao giờ phai nhạt.
Buổi lễ khai trường hôm ấy thật ra cũng diễn ra bình thường với đầy đủ những thủ tục quen thuộc như bao nhiêu buổi lễ khác đã từng diễn ra. Điều đặc biệt có lẽ đến từ bản thân tôi: Đây là lần đầu tiên tôi dự lễ khai trường với tư cách là một nhà giáo.
Ngay ngày hôm sau thôi, tôi sẽ chính thức trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho các em học sinh trường chuyên vốn học giỏi, thông minh, sắc sảo và chỉ kém mình vài tuổi. Trong tiếng trống khai trường rộn rã, một cảm giác thoáng qua khiến tôi không thôi trăn trở. Tôi sẽ là một thầy giáo như thế nào trong mắt học sinh của mình sau những giờ học đầu tiên?
Sau này, đọc một bài báo của Giáo sư Huỳnh Như Phương – một học giả, nhà giáo đáng kính, tôi như tìm thấy tâm trạng của chính mình khi đó: “Ta cứ nói thao thao bất tuyệt mà không biết người nghe nghĩ gì, họ tiếp nhận ra sao, họ chăm chú thật hay chỉ là làm ra vẻ chăm chú mà đầu óc lang thang vẩn vơ đâu đó. Họ tán thành ta hay chửi thầm trong bụng, ta cũng đâu hay…
“Đối tác” của ta là một lớp học mấy mươi người, mặt đối mặt hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng. Nói theo Jean-Paul Sartre, ta là “kẻ bị nhìn” trước mấy chục cặp mắt đối diện, một câu nói nhịu, một cử chỉ lệch chuẩn, một thái độ kẻ cả, bề trên không dễ thoát khỏi sự “kiểm soát” của đối tác”.
Tôi vốn đã sớm ý thức được rằng nghề giáo chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là một nghề nhàn hạ như người ta vẫn nghĩ. Trái lại, nghề giáo là một nghề đầy áp lực. Để có thể được đón nhận trước bao nhiêu cặp mắt vừa chờ đợi lại vừa dò xét như thế quả là một thử thách lớn đối bất cứ một nhà giáo có lương tâm nào. Hành trình trở thành một nhà sư phạm chân chính không bao giờ dễ dàng mà đầy rẫy chông gai.
Từ những trăn trở, băn khoăn trong ngày khai trường đầu tiên của cuộc đời dạy học ấy, tôi bỗng nhiên thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn với mình, với nghề, với các em học sinh đang chờ đón mình trong từng giờ giảng. Ngay trong lúc ấy, tôi bắt đầu tự đặt ra cho mình những mục tiêu, tự vẽ ra cho mình những viễn cảnh ở tương lai và tự nhủ mình phải nỗ lực trong từng phút giây để đạt được.
Đời người có những điều giản dị, đơn sơ, thoảng qua như một làn gió nhẹ nhưng có thể lưu lại những dấu ấn sâu đậm, tạo nên những giá trị cao quý, vĩnh hằng. Hai ngày khai trường đầu tiên trong đời đi học và đi dạy của tôi cũng có ý nghĩa như vậy chăng?
Dù nó đã trôi qua nhiều năm rồi nhưng tất cả đối với tôi chừng như còn vẹn nguyên tâm trí. Để mỗi khi nhớ lại, lòng tôi lại dâng lên bao nhiêu xúc động dạt dào.
Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)
Không giống như lễ khai giảng ở các trường học khác, học sinh Trường PTCS Xã Đàn cũng hát Quốc ca nhưng bằng ký hiệu vì các em đều là học sinh khiếm thính.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) nhắn nhủ tới học sinh – những người trẻ “phải biết mình ở đâu, biết phải làm gì và làm như thế nào” nhân dịp năm học mới.