- 20 tỷ USD từ Trung Quốc vào Việt Nam đã đi đâu - câu hỏi mà cơ quan thống kê Việt Nam cũng không thể giải được. Chỉ biết rằng, trong 20 tỷ đó, con số nhập lậu là rất lớn.
Không ước tính nổi hàng lậu
Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Minh Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, giãi bày: "Toàn bộ chênh lệch 20 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc không phải là nhập lậu như mọi người nghi ngại, nhưng chính là nguyên nhân đóng góp đáng kể vào con số chênh lệch đó mà chưa thống kê được".
"Chỉ biết rằng, đây là con số lớn và chỉ là ước tính", bà Thuỷ nói.
Bà cũng cho hay, khi báo cáo về nhập khẩu, bao giờ Tổng cục Thống kê cũng đề cập đến hàng lậu. Vụ Tài khoản quốc gia của Tổng cục chịu trách nhiệm về vấn đề này, nhưng không thể công bố số liệu chính thức.
"Hiện nay, một số nước có ước tính về kinh tế ngầm, như Ý, nhưng ở Việt Nam thì chưa có".
Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, bà Thuỷ nhìn nhận, nếu nước này kiểm soát vấn đề buôn bán lậu tốt hơn thì họ sẽ ghi nhận con số cao hơn so với Việt Nam.
Việt Nam nhập từ Trung Quốc thấp hơn so với dữ liệu Trung Quốc thống kê xuất sang Việt Nam là 20 tỷ USD. |
Song theo bà, đó chỉ là một trong 6 nguyên nhân dẫn tới câu chuyện chênh lệch số liệu khủng như vậy.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể gian lận trong việc khai báo giá trị hàng hoá để hưởng ưu đãi thuế. Ví dụ, Trung Quốc có chính sách hỗ trợ xuất khẩu, doanh nghiệp có thể khai tăng giá trị hàng hoá để được lợi.
Ngược lại, ở Việt Nam, để tránh thuế nhập khẩu cao, doanh nghiệp lại khai thấp giá trị hàng hoá. Việc này cũng khiến cho số liệu ghi nhận nhập khẩu ở Việt Nam thấp hơn, trong khi Trung Quốc cao hơn. Nói cách khác, giá FOB ở cửa khẩu, cảng Trung Quốc chưa chắc đã trùng khớp với giá CIF tại cảng Việt Nam.
Bên cạnh đó, bà Thuỷ cũng liệt kê 3 nguyên nhân mang yếu tố khách quan, mang tính kỹ thuật.
Đầu tiên, đó là sự khác biệt về phương pháp thống kê của nước đối tác. Theo quy tắc "nước cuối cùng hàng đến", hàng hoá có xuất xứ Trung Quốc hoặc xuất xứ nước khác xuất sang Việt Nam thì nước này đều ghi nhận thống kê là hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam. Nhưng phía Việt Nam, cơ quan thống kê chỉ ghi nhận những hàng hoá có xuất xứ Trung Quốc, còn hàng hoá dù đến từ Trung Quốc nhưng xuất xứ từ nước khác sẽ bị ghi nhận là nước khác. Sự khác biệt này cũng dẫn tới số liệu xuất sang Việt Nam của Trung Quốc sẽ cao hơn so với dữ liệu Việt Nam ghi nhận nhập từ Trung Quốc.
Kế đến là do phạm vi thống kê khác nhau. Ví dụ, hàng hoá từ Trung Quốc, Hồng Kông vào Việt Nam là hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu thì theo quy định, Việt Nam không thống kê. Nhưng phía Trung Quốc vẫn ghi nhận là hàng đã xuất khẩu đến Việt Nam.
Nguyên nhân lớn thứ 3 là do giá trị giá thống kê khác nhau giữa hai nước. Việt Nam và Trung Quốc có thể áp dụng giá trị hải quan cho cùng một loại hàng cao thấp khác nhau.
Bên cạnh đó là sự lẫn lộn giữa khái niệm hàng hoá và dịch vụ, có thể phía Việt Nam ghi nhận là dịch vụ như ở Trung Quốc lại ghi nhận là hàng hoá.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng khẳng định, Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất bị vênh số liệu như vậy. Trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với các nước trong ASEAN, hay như giữa Việt Nam với các nước khác, cũng ghi nhận tình trạng tương tự, nhưng con số chênh lệch không lớn.
|
Truy tìm gian lận thương mại
Tuy nhiên, làm thế nào để giảm bớt độ vênh về số liệu như trên lại là trách nhiệm của ngành hải quan, bà Thuỷ phân tích.
Bởi lẽ, toàn bộ nguồn số liệu thống kê hàng tháng đều do Tổng cục Hải quan thu thập và cung cấp, báo cáo cho Tổng cục Thống kê.
Bà Thuỷ cho biết, kinh nghiệm các nước đều cho thấy, cần có sự phối hợp rà soát, phân tích số liệu chi tiết giữa hai bên. Chẳng hạn, Mỹ và Canada đã hợp tác. Việt Nam cũng đã hợp tác tương tự với Malaysia, Indonesia vào tháng 9/2012.
Trong khi đó, Trung Quốc là bạn hàng lớn của Việt Nam nhưng tới thời điểm này, chưa có hoạt động rà soát bài bản nào giữa 2 nước về số liệu xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của PV. VietNamNet, liệu có thể truy xuất được từ dữ liệu hải quan để tìm ra điểm gian lận thương mại của doanh nghiệp?
Bà Thuỷ cho rằng, ngay cả Mỹ cũng không thể truy xuất chi tiết như vậy được, mặc dù về nguyên tắc, bên kia có tờ khai xuất, bên này phải có tờ khai nhập tương ứng, nhưng thời điểm hiện tại chưa làm được. Hơn nữa, muốn truy xuất dữ liệu còn phụ thuộc phía nước bạn.
Bà đề xuất cần thành lập một nhóm công tác chung trên cơ sở sự phối hợp của hải quan hai nước để thúc đẩy cơ chế rà soát này. Đây liên quan đến quy tắc xuất xứ.
"Nếu thiết lập nhóm công tác như vậy sẽ tìm ra được nhiều vấn đề trong nội hàm số liệu thống kê. Dữ liệu này sẽ phục vụ cơ quan hoạch định chính sách và nhà đầu tư quản lý tốt hơn các luồng hàng hoá đến từ Trung Quốc, tăng cường kiểm soát gian lận thương mại, buôn lậu. Cơ quan thống kê cũng hiểu rõ hơn chất lượng dịch vụ của mình", bà Thuỷ nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ thương mại giá cả nhìn nhận, đây chỉ là ý kiến riêng của Tổng cục Thống kê, còn trách nhiệm thực hiện là của cơ quan hải quan.
Lọt 12,5 tỷ USD giày dép, quần áo, máy móc TQ? Về chiều xuất khẩu, Việt Nam thống kê thấp hơn 5 tỷ USD so với con số Trung Quốc thống kê nhập khẩu từ Việt Nam. Trong đó, nhóm máy móc, thiết bị điện,... chênh lệch tới 5,5 tỷ USD, nhóm khoáng sản chênh lệch gần 400 triệu USD. Về chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập từ Trung Quốc thấp hơn so với dữ liệu Trung Quốc thống kê xuất sang Việt Nam là 20 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng tiêu dùng và sản xuất như may mặc, giày dép, bông, xơ sợi, máy móc, thiết bị, xe cộ chênh lệch 12,5 tỷ USD, chiếm 60%; rau quả các loại chênh lệch 1,6 tỷ USD, còn lại là đồ gia dụng. |
Phạm Huyền