- Trần Chung không chỉ là nhạc sĩ mà còn là nhà báo thực thụ và rất yêu nghề.


Nhà báo - nhạc sĩ Trần Chung (phải) cùng nhạc sĩ Văn Chung
Hầu hết các nhạc sĩ ở Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN) đều là hội viên và có thẻ nhà báo. Người phát huy thế mạnh nhà báo nhiều nhất có lẽ là nhạc sĩ Trần Chung, bởi ông thường xuyên cùng  kỹ thuật viên âm thanh đến với các đội văn nghệ khắp cả nước. Bên cạnh việc hướng dẫn các diễn viên nghiệp dư tập luyện đàn và hát trước khi thu thanh, ông còn tranh thủ hỏi han từng người, ghi chép rất chi tiết về mọi mặt. Từ nhân sự, đặc điểm của đơn vị đến không gian thời gian tiếp xúc, kể cả số liệu v.v…

Những ghi chép, phỏng vấn của ông được lồng vào trong các bài viết rất khéo khi giới thiệu chương trình ca nhạc trên sóng của Đài TNVN. Điều đó làm cho những người trong cuộc rất phấn khởi tự hào, mà các phóng viên, biên tập viên trẻ  coi đó là bài học, là tấm gương để trau dồi cách viết rất thời sự và cũng rất văn nghệ.

Trần Chung xứng đáng được nhận huy chương “Vì sự nghiệp Phát Thanh” và “Vì sự nghiệp Báo Chí”.

Với Trần Chung là một nhạc sĩ thì trên hết, trước hết tác phẩm âm nhạc mới là điều cần nói về bút lực. Tôi kém tuổi ông, chờ đến khi về công tác ở Đài TNVN mới quen ông, nhưng trước đó tôi đã biết ông qua bài hát “Cô gái hội xuân” (1957, phổ thơ  Hữu Loan) :

Tình bằng cô gái đồng xanh

Mái đầu vương màu hoa lúa

Đôi mắt em như trời quê

Đẹp dáng em khi xuân về…

Trần Chung quê gốc ở Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, lại được gần gũi các bậc nhạc sĩ đàn anh  như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Hoàng Quý…

Năm 1956 ông về Đài TNVN làm diễn viên hát của Đoàn ca nhạc, sau chuyển lên làm biên tập, chuyên phụ trách chương trình “Khắp nơi ca hát”. Ông bám sát phong trào văn nghệ ở các ngành, các địa phương. Nhiều lần tự mình chủ động liên hệ các đơn vị để đến thu thanh. Tính “thời sự” gần như thường trực trong ông, nên Tổng biên tập Trần Lâm nhiều lần biểu dương Trần Chung trước các cuộc họp.

Tính “thời sự” ấy còn thể hiện trong khi đi đến đâu là ông có bài hát để lại. Ví như các ca khúc: Ánh lửa trong rừng (Địa chất), Hát lên cô gái xã viên (Nông nghiệp), Chúng tôi vào lò (Công nghiêp), Trên những nẻo đường quen thuộc (Thương nghiêp) v.v…

Trần Chung viết rất nhanh và hát cũng rất hay. Tôi nhớ lần về công tác ở Nông trường Thạch Thành (Thanh Hóa) có cả nhạc sĩ Văn Dung cùng đi. Chỉ có 2 ngày vừa thu thanh cho đội văn nghệ của nông trường, vừa tranh thủ sáng tác. Riêng Trần Chung hoàn thành xong 2 ca khúc mà bài nào cũng hay, trong khi đó chúng tôi mỗi người chỉ viết được một và cũng chỉ mới đạt được trên trung bình.

Trần Chung vừa đàn và hát, đôi mắt cũng như cùng hát với ông. Giám đốc nông trường hồi đó là ông Cao Biền đã phải thốt lên: Chưa có nhạc sĩ nào hát hay và thể hiện được tình cảm như Trần Chung.

Lại một lần khác, Ban văn nghệ của Đài TNVN về tham gia chống úng  lụt ở Hải Dương. Trần Chung viết ngay bài hát “Tuổi xuân Gia Lộc thắng lũ”, chưa ráo mực ông đã đưa cho hai nghệ sĩ Kim Oanh và Tuyết Thanh song ca, phục vụ bà con nông dân trước máy phóng thanh của Đài Phát thanh huyện Gia Lộc. Sau đó rất nhiều bạn trẻ đến cổng Đài  để xin gặp các nghệ sĩ và xin bài hát ấy.

Trong những năm chống Mỹ, giọng hát của nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương đã chắp cánh cho tác phẩm “Bài ca Trường Sơn” của Trần Chung (phổ thơ Gia Dũng) làm cho nhiều người nhớ:

Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát

Ngắt một đóa hoa rừng gài lên mũ ta đi…

Ngay sau đó tác phẩm “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, ông phổ thơ Nguyễn Trung Thu, vừa tâm tình vừa như thúc giục tuổi xuân lên đường cứu nước bằng sự hòa điệu tuyệt vời của tốp ca nam nhà máy Toa xe Hải Phòng cũng khó ai quên:

Đêm Trường Sơn…

Cảnh về khuya như vẽ

Bâng khuâng chúng cháu nghĩ

Bác như đã đến nơi này…

Sau ngày đất nước thống nhất, hàng loạt bài hát mới của  Trần Chung liên tục xuất hiện với bút lực dồi dào trong nhiều giai điệu và tiết tấu mới như: Mùa xuân trên thành phố dệt, Nhớ về Cúc Phương, Về thăm mẹ, Đất nước tôi, Chiều biên giới, Trên biển trời Đông Bắc…đặc biệt bài “Mùa xuân đến rồi đó” đã chiếm nhiều cảm tình của người nghe và khẳng định thêm tài năng của ông:

Em ơi mùa xuân đến rồi đó

Xúc động lòng ta trước cuộc đời…

Ca khúc “Em ơi mùa xuân đến rồi đó” của nhạc sĩ Trần Chung, ca sĩ Thanh Thúy thể hiện.

Nhạc sĩ Trần Chung xúc động, chúng ta cũng xúc động trước sự đổi mới của  đất nước và mãi mãi ghi công ơn của Bác Hồ kính yêu cũng như biết bao người đã mãi mãi vắng mặt trong mùa xuân vui.

Giai điệu của bài hát này đã trở thành một trong những bài hát hay nhất của thế kỷ XX, và ông cũng được nhận giải thưởng của nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Nhạc sĩ Trần Chung (1927 – 2002) đã để lại cho đời nhiều bài hát hay, nhiều chương trình biên tập mang hơi thở của cuộc sống, đượm đà tính thời sự. Nhưng với ông “chỉ viết và viết, công việc và công việc, không nghĩ đến danh lợi và chức quyền” - Nhiều lần ông thủ thỉ tâm tình với chúng tôi như thế. Những khi có việc phải đi qua số nhà 72 phố Hàng Điếu Hà Nội, chúng tôi lại nhớ đôi mắt biết hát và biết nói của nhạc sĩ Trần Chung, nhà báo Trần Chung. Ông như vẫn hiện diện cùng “đất nước tôi”.

Nhạc sĩ  Dân Huyền