Đúng 9h ngày 22/9, mô hình chợ dã chiến đầu tiên trên địa bàn TP.HCM đón những vị khách đầu tiên đến mua sắm trực tiếp.
Ông Đỗ Xuân An (phường 3, quận 5) cho biết, được đi chợ trở lại không chỉ là mua đồ mà còn giúp giải tỏa tâm lý cho người dân sau thời gian dài ở nhà. “Bà xã tôi đòi đi mà đang mắc bệnh nên tiếc lắm”, ông nói.
Bà Phương Hoa (phường 3, quận 5) không thể nhớ được lần gần đây nhất mình trực tiếp đi chợ là khi nào. Ngày hôm nay, bà Hoa mua khá nhiều các mặt hàng. Trong đó nhiều nhất là hải sản tươi như mực, tôm, cá. Bà mua hơn 1 triệu tiền hàng về cho gia đình.
Gian hàng cá mực ở chợ thu hút nhiều người nội trợ |
Những "công dân xanh" đầu tiên đi chợ trực tiếp ở "vùng xanh" |
Người dân thấy thoải mái khi giao dịch trực tiếp sau thời gian dài mua hàng online |
Theo Ban tổ chức chợ dã chiến, nguồn hàng cung cấp đến từ nhiều nơi của các huyện ngoại thành và cả từ Lâm Đồng. Đây là phiên chợ không lợi nhuận nên các mặt hàng được bán ở mức giá bình ổn. Sản lượng hàng trung bình mỗi ngày khoảng 2,5 tấn rau củ quả; 500 kg thịt heo; 200 con gà và hàng trăm kg thủy hải sản. Ngoài các mặt hàng thiết yếu, người đi chợ còn được cung cấp bổ sung thêm sữa, hóa mỹ phẩm vệ sinh, thực phẩm khô như mì nui để thay thế mì gói… giúp thay đổi khẩu vị.
Do tiêu chí của chợ là không lợi nhuận nên nguồn hàng do các đơn vị của quận đảm trách và người bán hàng là nhân viên, công chức hỗ trợ trên địa bàn quận. Đội ngũ bán hàng đã được tiêm vắc xin 2 mũi và thực hiện test nhanh trước khi làm nhiệm vụ. Mô hình chợ dã chiến đầu tiên thực hiện tại đường Trần Bình Trọng (phường 3, quận 5) trong buổi sáng ngày 22/9 và 23/9 và phục vụ 500 khách hàng. Sau đó, ban tổ chức sẽ tìm một không gian mới, một “phường xanh” để tiếp tục triển khai.
Trao đổi với VietNamNet, Bí thư quận 5 - ông Nguyễn Mạnh Cường thông tin, quận chọn phường 3 là địa bàn đầu tiên làm mô hình chợ dã chiến do 100% người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin và phường không có ca F0. Đây là một “phường xanh” an toàn thuộc quận. Dự kiến, các phiên chợ dã chiến tiếp theo sẽ được tổ chức ở các phường có mức độ đảm bảo về phòng, chống dịch như phường 10, phường 11, phường 13.
Trước mắt, mô hình chợ dã chiến đáp ứng nhu cầu thiết thực hàng ngày của người dân tại các “phường xanh”. Đồng thời, cho người dân có thói quen sinh hoạt an toàn.
“Những phiên chợ như thế này giúp chính quyền và người dân cùng hình dung được vùng xanh của mình an toàn là như thế nào. Lộ trình từ từ cho nhịp sống trở lại trong trạng thái bình thường mới”, ông Cường nói.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – ông Nguyễn Nguyên Phương đánh giá, chợ dã chiến cho người dân có thêm sự lựa chọn ngoài các kênh phân phối khác đang triển khai và là bước đệm để triển khai hoạt động trở lại các chợ truyền thống.
Được biết, quận 5 cũng đã tính toán lộ trình mở dần chợ truyền thống. Hiện quận tập trung tiêm vắc xin mũi 2 cho các tiểu thương, đặc biệt là tiểu thương ở chợ truyền thống có hộ khẩu tại quận 5 và tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Lãnh đạo quận hy vọng, các hoạt động giao thương kinh tế sẽ sớm dần bắt nhịp tại địa phương.
Chợ dã chiến được thực hiện ở khu vực thoáng, rộng hướng tới đảm bảo an toàn cho cộng đồng |
Người dân sẽ dần làm quen với việc đi chợ "bình thường mới" qua mô hình chợ dã chiến |
Chợ dã chiến đầu tiên bán hàng với mức giá bình ổn cho người dân |
Trần Chung
39 tiêu chí, dài 23 trang áp cho nhà sản xuất, kinh doanh thương mại
TP.HCM mới ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn. Tổng cộng có 39 tiêu chí.