Nhân kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (27/5/2014 - 27/5/2021), Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ với báo giới về kết quả hoạt động của lực lượng. 

XEM CLIP: 

Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam, nay là Cục GGHB? 

Năm 2014, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền thành lập Trung tâm GGHB Việt Nam. 

Đây có thể nói là sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt cho sự phát triển lực lượng GGHB tham gia sâu rộng vào các cơ chế đa phương của LHQ; thể hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và cam kết chính trị của lãnh đạo cấp cao với cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của đất nước nói chung và quân đội nói riêng trên trường quốc tế. 

Trong 7 năm qua, Cục GGHB đã thực hiện rất tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp vào đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng để nâng cao vị thế của Việt Nam, của quân đội. 

Thi tuyển “chọi” hàng trăm ứng viên 

Kết quả nổi bật trong hoạt động GGHB Liên hợp quốc của Việt Nam từ năm 2014 đến nay là gì, thưa ông? 

Chúng ta đã triển khai 55 lượt sĩ quan ở các vị trí tại các phái bộ và ở trụ sở LHQ và 189 là cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến cấp 2 tại các phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan. 

{keywords}
Nữ quân nhân Việt Nam lên đường sang Nam Sudan tháng 10/2018

Đây là sự cố gắng vượt bậc đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ GGHB. Hoạt động quân sự quốc phòng xa Tổ quốc, ở địa bàn khó khăn, gian khổ, thậm chí có nhiều mối nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, nhưng chúng ta đã vượt qua và hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, chúng ta đã cử 34 nữ quân nhân tham gia, đạt tỷ lệ hơn 16% so với yêu cầu của LHQ là gần 10%. LHQ đánh giá rất cao việc này. 

Kết quả qua các đợt công tác ở từng vị trí, dù là cá nhân hay đơn vị, các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được các phái bộ, tổ chức quốc tế đánh giá cao. 

Chúng ta đã ký 9 biên bản ghi nhớ về những lĩnh vực liên quan đến GGHB LHQ với các nước, các đối tác; 1 bản ghi nhớ với LHQ và 1 bản ghi nhớ với Liên minh châu Âu. Đây là những văn bản hết sức quan trọng để tạo ra hành lang pháp lý cũng như những cam kết chính trị giúp chúng ta tiếp tục duy trì và thúc đẩy hoạt động GGHB. 

Vừa qua đã có 4 sĩ quan tham gia vào các vị trí cá nhân ở phái bộ và LHQ. Hiện ta có 3 sĩ quan đảm nhận các cương vị sĩ quan tham mưu kế hoạch, tham mưu tổng hợp, tham mưu huấn luyện ở trụ sở LHQ. 

Quy trình thi, xét tuyển vào từng vị trí hoạt động tại LHQ rất ngặt nghèo, từ 150-200 ứng viên cho một vị trí, nhưng các sĩ quan Việt Nam tham gia thi đều trúng tuyển với điểm số cao. Hiện nay, các đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được các phòng chức năng của cơ quan GGHB LHQ đánh giá cao. 

Một thành tựu rất lớn khác, đó là chúng ta vừa tìm kiếm các cơ hội để triển khai lực lượng ở các lĩnh vực, địa bàn khác, vừa hoàn thiện hành lang pháp lý. 

Đặc biệt, ngày 13/11/2020, Quốc hội thông qua nghị quyết số 130 về lực lượng tham gia GGHB LHQ. Đây là sự ghi nhận, là quyết tâm chính trị của cơ quan lập pháp cao nhất, tạo ra hành lang pháp lý cho lực lượng GGHB Việt Nam tại LHQ có những cơ sở vững chắc để triển khai các hoạt động, thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thực hiện cam kết hội nhập quốc tế và đối ngoại trong thời gian tới. 

Mở rộng lĩnh vực, địa bàn tham gia 

Từ những kết quả đạt được, xin ông cho biết Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sẽ có những kế hoạch gì trong thời gian tới để đóng góp cho hoạt động GGHB LHQ? 

Chúng ta tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động GGHB và quy định của pháp luật, đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế. 

{keywords}
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Cục Gìn giữ hòa bình đã thực hiện rất tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình

Thứ hai, chúng ta đã thống nhất báo cáo với LHQ cũng như các tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ, cam kết ủng hộ ta triển khai các hoạt động mới cũng như tiếp tục mở rộng địa bàn và lĩnh vực tham gia.

Hiện nay, ta triển khai đội công binh để sẵn sàng đi làm nhiệm vụ ở phái bộ. Đội công binh được thành lập từ tháng 11/2019, được tổ chức biên chế chặt chẽ, huấn luyện theo yêu cầu của LHQ và đảm bảo các loại trang bị cần thiết phục vụ cho hoạt động. 

Cho đến nay, lực lượng công binh đã sẵn sàng. Nếu không có gì thay đổi, vào tháng 6, LHQ sẽ tổ chức tiền kiểm tra về công tác chuẩn bị của đội. Ngoài ra, chúng ta còn đang tìm kiếm cơ hội để đưa lực lượng quân cảnh, vệ binh đi làm nhiệm vụ. 

Ta cũng tiếp tục tuyển chọn các cá nhân có đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí theo yêu cầu của LHQ để huấn luyện, bồi dưỡng, nhất là về ngoại ngữ, chuyên môn theo vị trí LHQ yêu cầu để sẵn sàng tham gia thi tuyển. 

Thứ ba, tiếp tục quan tâm xây dựng lực lượng GGHB của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng cũng như đóng góp vào vai trò, vị thế của Việt Nam trong đường lối đối ngoại. Mong muốn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là xây dựng Cục GGHB trở thành Trung tâm điều phối quốc gia về GGHB. 

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam:

Cùng với việc triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2, LHQ mời chúng ta triển khai đội công binh. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã điều chỉnh đội công binh theo biên chế 290 người chính thức và 29 người dự bị. Chúng ta đã huấn luyện lực lượng về các mảng kiến thức quân sự, bom mìn, công binh và ngoại ngữ.

Cho đến nay, LHQ đưa ra khả năng chúng ta có thể triển khai lực lượng ở CH Trung Phi. Nếu được LHQ lựa chọn và chúng ta sẵn sàng về con người, trang bị thì có thể triển khai vào cuối năm nay. Dự kiến tỷ lệ nữ trong đội cũng sẽ đáp ứng được trên 10% theo đề xuất của LHQ. Công tác chuẩn bị của ta đã tương đối đầy đủ để sẵn sàng đón đoàn khảo sát của LHQ vào tháng 6-7 tới.

Trong đội công binh ta đang chuẩn bị trên 300 người dự kiến có hơn 30 người là nữ. Các nữ quân nhân sẽ đảm nhiệm những cương vị như văn thư, phiên dịch, thông tin liên lạc… Khi chúng tôi đưa ra chỉ tiêu 31 nữ vào đội công binh thì nhận được 61 thư tình nguyện.

LHQ và nhiều nước ủng hộ, mong muốn Việt Nam xây dựng Cục GGHB trở thành trung tâm huấn luyện và có những giáo án, giáo trình, khóa học mang tính chuẩn LHQ để bồi dưỡng và đào tạo, huấn luyện cho các lực lượng trong khu vực, quốc gia lân cận.

Cục GGHB đến nay đã tổ chức được 13 khóa huấn luyện quốc tế. Vì vậy, trong tương lai với sự đầu tư của Bộ Quốc phòng, với sự hỗ trợ quốc tế, tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được mục đích xây dựng Cục GGHB Việt Nam trở thành trung tâm huấn luyện mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. 

Diệu Thúy 

Tướng Vịnh: Để màu cờ Việt Nam phủ rộng trên bản đồ gìn giữ hòa bình

Tướng Vịnh: Để màu cờ Việt Nam phủ rộng trên bản đồ gìn giữ hòa bình

Trải qua nhiệm kỳ dài mà không biết chính xác ngày về, quân nhân gìn giữ hoà bình Việt Nam vẫn giữ tư tưởng vững vàng. Bạn bè quốc tế nói sĩ quan Việt Nam rất khác biệt…